Thang máy

TP - Công ty nằm trong một tòa nhà lớn mới được xây dựng xong. 38 tầng. Ngày đầu tiên đi làm, đồng nghiệp kể tôi nghe, bốn cái thang máy ở phía bên kia, cái ngoài cùng bên trái đã từng có người bị nhốt ở trong đó. Tôi hỏi, nếu bị nhốt thì phải làm sao. Họ nói, chẳng có cách nào khác. Ngoài kêu cứu ra. Hoặc hát lớn trong đó.
Thang máy ảnh 1

Tôi thò đầu ra nhìn, vừa may nó mở ra. Bên trong thổi ra một luồng hơi lạnh ngắt trống rỗng. Lúc bước vào, cảm giác giống như một cái huyệt rỗng không. Thang máy bắt đầu chầm chậm đi lên, đột nhiên lắc lư nhẹ một cái. Mọi người gào thét thất thanh, tôi biết họ cũng quen rồi. Nhưng không thích cảm giác này.

Giây phút đó tôi tự nhủ với lòng mình, không thể đi cái thang máy này nữa.

Trên đường đi làm, ngày nào cũng gặp một cô gái bị liệt chân. Xách một chiếc túi, đi ngang qua tôi.

Hai ven đường rộng rãi yên tĩnh, những cây ngô đồng đã rụng trụi lá. Bầu trời u ám lạnh lẽo. Người nào cũng vội vã bước đi. Gương mặt cô gái kia, dường như đang dần dần già cỗi hẳn. Có khi trong khoảnh khắc chạm vai nhau lướt qua, tôi nhìn thấy nhãn thần của cô. Trong ấy có chút tro bụi đã tàn rụi.

Tôi không biết mình trong mắt cô ấy có phải cũng như thế không. Trong mỗi ngày u uất bình thản đi lướt qua nhau.

Ngày nào tôi cũng phải ra khỏi nhà sớm hơn một tiếng, sau đó chen lên xe buýt để đi làm. Đây là sự khởi đầu của cuộc sống bình thường nhưng dị thường của Thượng Hải. Những người bôn ba kiếm sống đã mất đi giới tính và thân phận, như những con côn trùng lúc nhúc chen chúc trong hang hốc. Mù quáng và hoảng loạn.

Cô gái trẻ ngốn một chiếc bánh mì khô khốc làm bữa sáng, vừa lôi tai nghe ra nhét vào tai. Có người xem tình hình cổ phiếu trên báo. Ngủ gật. Cãi nhau. Tiếng Thượng Hải ồn ào. Những gã đàn ông văn phòng cằm cạo nhẵn thín. Không khí quá dơ bẩn, không ngửi thấy mùi thơm nước cạo râu. Tài xế vặn nút radio, trong khoang xe vang lên tiếng nhạc trầm buồn.

Là bản nhạc metal-rock rất cũ xưa.

Một ngày của tôi, bắt đầu trong sự huyên náo như thế.

Rất nhiều lúc, vì không khí nóng nực trong xe và đoạn đường dài đằng đẵng, sẽ cảm thấy mơ hồ buồn ngủ. Đói và ngủ không đủ giấc khiến tôi bị kẹp giữa thân thể những người xa lạ không cách nào động đậy nổi. Cũng không muốn động đậy. Chỉ bất động nhìn chiếc xe tấp vào từng trạm từng trạm.

Những người vừa chạy băng băng vừa nguyền rủa phía sau xe. Không khí bên trên thành phố dày đặc khói bụi và sương mù. Nắm chặt lại những ngón tay cứng ngắt và căng thẳng.

Việc cuối cùng của buổi tối là đặt đồng hồ báo thức.

Chiếc đồng hồ nhỏ bằng nhựa ấy, trong phòng vào ban đêm sẽ phát ra những âm thanh yếu ớt trong trẻo. Tôi giấu nó bên trong gối đầu, đặt vào trong đám quần áo, hoặc quăng nó xuống dưới gầm giường. Nó giống như một quả thuốc nổ đã được hẹn giờ sẵn, lúc nào cũng có thể nổ. Có lúc, nửa đêm mới sực nhớ ra vẫn chưa đặt giờ đồng hồ, tôi phải nhảy xuống giường tìm lung tung cả.

Bình nói, em bật đèn thế có để người khác ngủ không hả. Tôi đáp, tìm đồng hồ. Nửa đêm bật dậy chạy tới chạy lui, em có thấy phiền không. Không tìm thấy đồng hồ, ngày mai em dậy không nổi.

Bệnh thật. Bình làu bàu giọng bất mãn.

Sau đó thật đột ngột, đèn vụt tắt. Phòng lại chìm vào bóng tối.

Trong bóng tối, tôi thân thể trần trụi mò tìm vô vọng trong không khí lạnh lẽo. Quỳ xuống dưới đất, vươn tay ra sục vào gầm giường. Sau đó tôi mò thấy khối thuốc nổ bằng nhựa ấy. Tôi áp nó vào bên tai.

Vang lên âm thanh yếu ớt tích tắc của thời gian.

Thời gian tôi và Bình sống với nhau chưa đầy ba tháng. Lúc anh đưa tôi ra ngoài ăn cơm, bạn của anh đối xử với tôi rất dịu dàng. Trong những ánh mắt yên lặng ấy, tôi có thể đọc thấy một số hàm nghĩa phức tạp. Ai cũng biết, Bình đã từng có rất nhiều cô bạn gái xinh đẹp. Cuộc sống của anh luôn luôn hỗn loạn bất kham.

Lúc tôi quen anh thì anh đã trở nên nghèo khổ. Ngày nào cũng hút thuốc như điên. Nằm trên giường ngủ vùi. Có lẽ một người đàn ông chịu sự công kích quá lớn mới biến thành như thế. Có khi anh một mình ngồi trên thùng xả nước, cửa phòng vệ sinh luôn đóng chặt.

Tôi không biết mỗi ngày anh nghĩ đến những thứ gì. Một ngày của một người đàn ông ở nhà, và một ngày của một cô gái chen chúc lên xe buýt đi làm nhập nhằng đan lẫn vào nhau. Ngủ. Ăn. Không nói lời nào. Và chẳng ai hiểu ai.

Nhưng thế rồi có gì quan trọng đâu. Chẳng hạn có một ngày, chúng tôi cùng đến nhà hàng dự tiệc sinh nhật. Hôm đó là sinh nhật của một cô gái xinh đẹp. Rất nhiều người góp ý, Bình, cậu nên gắp ít thức ăn cho bạn gái đi. Đũa của Bình chậm chạp vươn ra, đặt vào bát của tôi một miếng thịt gà toàn xương. Hình như là phần cổ gà thì phải. Tôi mỉm cười gạt nó sang bên cạnh bát.

Tôi nghĩ mình đã sớm quen với việc tự chăm sóc lấy mình.

Nhưng Bình vẫn tỏ ra không vui. Anh đột nhiên cãi nhau với một người đàn ông ngồi phía đối diện. Người đàn ông mập mạp đó muốn mời Bình uống rượu, Bình lại thốt ra một câu tục tĩu, sau đó ném ly đi. Cơn giận của anh bùng phát rất bất ngờ. Anh muốn nhào đến cho gã đàn ông kia một trận, nhưng những người xung quanh đã cản lại. Tôi vung tay tát lên mặt anh, cảm thấy anh giống hệt một con thú đang bị chảy máu, đang cố gắng điên cuồng lao ra khỏi chuồng của mình.

Nhưng anh không biết đường ra ở đâu.

Có lẽ anh rất muốn để người khác đâm một chai rượu vỡ vào bụng mình. Chỉ có đau khổ và chảy máu mới khiến anh bình tĩnh trở lại. Tôi ngăn anh lại. Tôi không muốn nhìn thấy anh bị thương.

Về sau tôi mới biết, thì ra cô gái kia và anh đã từng yêu nhau. Vì yêu quá sâu sắc nên anh mới bị hủy diệt.

Dưới sự áp bức và sỉ nhục nào đó, Bình chọn một cô gái không liên quan gì với mình, bất lực làm một cuộc phản kích.

Cô gái đó chính là tôi.

Trước khi sống chung với Bình, tôi đã từng sống với một người đàn ông khác. Trong một thành phố khác. Chúng tôi sống với nhau rất lâu, không ngừng cãi cọ và làm tình. Linh hồn và thể xác quyện lại cùng mài mòn lẫn nhau, dần dần biến thành mỏng mảnh. Chưa hề nghĩ sẽ rời xa anh ta. Lại cảm thấy mình lúc nào cũng có thể rời xa anh ta. Trong lòng cất giấu một ngọn lửa lạnh lẽo, cảm giác nó đang liếm láp sự đau khổ của con tim, nhưng không hề ấm áp. Tôi nghĩ mình là một cô gái cần rất nhiều rất nhiều tình yêu. Nếu như không có thì sẽ chờ đợi mỏi mòn ở một nơi trống rỗng.

Sau đó gặp được Bình. Lần đầu tiên thấy anh, đây là một người đàn ông có vẻ mặt u uất, nhưng nụ cười anh tuấn, tình trạng của anh lúc đó đã rất tệ hại. Tôi biết cuộc sống anh mang lại cho tôi sẽ là nghèo nàn và hỗn loạn. Nhưng tôi vẫn muốn đi theo anh.

Sự việc nào cũng đơn giản như thế, cho dù là đi từ người đàn ông này đến bên người đàn ông khác. Cũng chỉ như làm thủ tục đổi khách sạn. Mà tấm thẻ đăng ký ấy vẻn vẹn chỉ là một tấm vé xe mà thôi.

Tôi là cô gái mà mỗi ngày đều phải chen lên xe buýt để đi làm.

Công việc rất vất vả, bao gồm cả hành trình phấn đấu gian khổ chen chúc trong xe buýt. Mức lương rất thê thảm, hơn một nửa số đó còn phải chia cho gã đàn ông vô công rồi nghề ở nhà.

Có một lần, chúng tôi đi dạo các cửa hàng dưới lòng quảng trường Nhân Dân. Anh thích một cái thắt lưng da ánh bạc. Cũng không phải là da thật. Là dùng kim loại giả để nhái theo thôi, ước chừng dính nước vào là sẽ gỉ sét ngay. Giá cũng rẻ, nhưng tôi không muốn mua cho anh. Loại trang sức không cần gấp phải mua này có thể làm tiêu hao bữa trưa trong cả tháng trời của tôi. Mỗi trưa tôi chỉ ăn món mì kèm dưa muối rẻ nhất ở một cửa tiệm nhỏ. Để tiết kiệm khỏi phải trả thêm một tệ ngồi xe buýt có điều hòa, tôi có thể đứng trong gió lạnh đợi cả ngày. Đợi để chen lên một chiếc xe bình thường chật chội dơ bẩn.

Bình không nói gì, ủ rũ tiến về phía trạm xe. Có lẽ tôi đã làm tổn thương anh trước mặt người khác. Tôi đuổi theo, hỏi, tại sao anh không đi làm? Anh biết rõ kinh tế trong nhà chỉ dựa vào một mình em rất khó khăn. Bình quay mặt lại lạnh lùng nhìn tôi.

Tôi không muốn làm công việc mình không thích.

Tôi nói, vậy em thì sao? Ngày nào em cũng sáng đi tối về chen xe buýt, ngồi đối mặt với máy tính gõ chữ liên tục. Em có bắt buộc phải làm công việc mình không thích hay không? Tôi đánh vào vai anh.

Bình nói, đừng đụng vào tôi. Tôi không ngừng lại.

Trong đám người chen chúc ở trạm xe, Bình thẹn quá hóa giận đẩy mạnh tôi một cái. Tôi lảo đảo ngã bệt xuống cống nước dơ bẩn ven đường.

Một buổi sớm nọ, khi đang chen chúc trong xe buýt, bỗng nhiên tôi bị một cơn buồn nôn ập đến bất ngờ, ngực lạnh buốt. Tôi vịn chặt vào lưng ghế, không thốt nổi lời nào. Mà những đám bụi dơ bẩn và không khí ô nhiễm cứ bám riết lấy tôi khiến tôi cơ hồ như muốn nghẹt thở.

Không ai nhường chỗ ngồi cho tôi. Tôi chẳng thể hít thở. Khoảnh khắc này trong thành phố này, đâu đâu cũng là những gương mặt lạ. Lúc bước xuống, tôi sờ thấy trên trán mình mồ hôi ướt đẫm. Tôi nghĩ có khi nào đã mang thai đứa con của Bình không.

Nếu có con rồi, tôi còn có thể mỗi ngày chen lên xe, nhận chịu lấy bức xạ của máy tính không. Hoặc người đàn ông này có quan tâm chăm sóc tôi hay không. Và đứa con này có thể trở thành vũ khí của tôi không. Tôi bình tĩnh nghĩ đến những vấn đề này. Tôi muốn để Bình cảm nhận được đau khổ. Chẳng hạn cô gái mang thai với anh trong xe buýt chật chội bị va chạm rồi bị thương. Tất nhiên anh cũng hoàn toàn có thể nhắm mắt làm ngơ.

Tôi đi trên con đường rộng thênh thang và lạnh lẽo. Ngày nào tôi cũng tưởng tượng rằng, nếu con đường này có ánh nắng trút xuống thì có phải sẽ ấm áp hơn không. Cuộc sống có lúc như thời tiết âm u, ngoài mong đợi ra thì chúng ta hoàn toàn bất lực.

Hôm nay tôi không thấy cô gái bị liệt đâu nữa. Có lẽ cô ấy bệnh rồi.

Buổi tối tôi không tìm thấy đồng hồ. Lúc một giờ sáng, tôi nằm trên giường nhớ ra vẫn chưa đặt báo thức, để tránh gây gổ với Bình, tôi không bật đèn. Thân thể tôi trần trụi áp xuống sàn nhà lạnh lẽo mò tìm. Nhưng chẳng có gì cả. Trong bóng tối, tôi nghe thấy Bình hứ một tiếng cụt ngủn, như cười trên nỗi đau khổ của người khác.

Tôi hỏi, anh có nhìn thấy đồng hồ báo thức của em đâu không? Bình đáp, không thấy, đừng nói chuyện với anh nữa. Anh buồn ngủ rồi. Tôi nói, nếu không hẹn giờ thì em sẽ bị muộn làm mất. Bình nói, nhưng ngày nào em cũng dậy trước khi nó kêu mà. Thần kinh à.

Căn phòng trong bóng đêm dường như có tiếng gió gào hú. Tôi không cách nào ngăn nổi cơ thể đang run rẩy, vì quá lạnh lẽo.

Mỗi sáng sớm, khi tôi phải cố gắng chịu đựng cơn đau đầu vì ngủ không đủ giấc, mặc quần áo trong bóng tối chuẩn bị đi làm, người đàn ông này thường thường vẫn cuộn tròn trong chăn ấm áp ngủ say sưa. Anh ta chẳng làm gì cả. Vì anh vẫn chưa tìm được… công việc… mình yêu thích.

Nhưng tôi cần công việc. Vì cần phải sinh tồn. Nên tôi cần phải có đồng hồ báo thức.

Bình hỏi, rốt cuộc em có ngủ hay không? Tôi nói, em bắt buộc phải tìm cho ra đồng hồ.

Giằng co trong im lặng. Rồi tôi nghe thấy hơi thở nặng nhọc của Bình. Sau đó Bình nhảy ra khỏi giường, anh chân trần lao đến trước mặt tôi, một cái tát tai thật lực, đến mức mạch máu tai tôi như muốn nứt toác ra trong cơn đau nóng rát. Con điên này. Tôi nghe thấy tiếng anh gầm lên. Cô cố tình không để tôi ngủ. Tôi đã quăng cái đồng hồ đó đi rồi.

Tôi đã quăng nó đi rồi. Anh nói.

Ngày hôm ấy tôi bị muộn giờ. Lúc xuống cầu thang, đầu tôi đau như muốn vỡ ra, tâm thần bất định. Cơn buồn nôn trong lồng ngực vẫn dằn vặt tôi. Bên ngoài đã rơi một trận mưa lạnh buốt, nhưng tôi không có thời gian lên lầu lấy ô. Trên chiếc xe buýt chật chội, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến một vấn đề. Đó là phải báo thù Bình như thế nào đây. Tôi muốn anh ta đau khổ, không chỉ là cái đau đớn vì bị đánh vỡ mạch máu tai.

Tôi không biết sự ra đi hay mất tích của mình có phải là đòn đả kích với anh ta không. Và còn sinh mệnh chưa được xác định này nữa.

Cuộc sống trong xe buýt chen chúc vất vả và dưới sự nghiền nát của những giấc ngủ không đầy đủ biến thành một tờ giấy nát bươm mỏng mảnh. Tôi không dám đưa tay bóc trần nó ra. Bởi vì biết nó dễ bị tổn thương. Nhưng tôi nghĩ, tôi vẫn yêu người đàn ông này. Sự chống trả bơ vơ trơ trọi của anh khiến tôi vô cùng đồng cảm. Có lúc phẫn nộ khiến chúng tôi mù quáng tìm kiếm chỗ hổng, nhưng tất cả đều không đạt được mục đích.

Cái đồng hồ báo thức ấy, cũng khiến tôi mệt mỏi. Nhưng tôi chẳng thể bỏ nó được. Tôi vẫn phải mua một cái. Mới.

Sau khi tan sở, tôi vào cửa hàng mua đồng hồ báo thức. Trời đang đổ mưa. Tưởng tượng đến ánh nắng ấm áp biết bao lâu rồi, thế nhưng vẫn không xuất hiện, mà cái ập đến lại là một cơn mưa. Trước khi ra khỏi cửa hàng, tôi mua cho mình một thỏi son môi. Tôi không rõ thỏi son màu đỏ boọc-đô này, đối với một cô gái đang sống cùng một người khác, có lẽ đã mang thai mà nói, thì có ý nghĩa gì. Sẽ không có tình yêu nữa. Tôi nghĩ. Nhìn qua khung cửa kính ướt đẫm nước mưa của cửa hàng, tôi thấy một phụ nữ mặc quần áo cũ kỹ, gương mặt xám xịt. Một mảnh giấy cũ bị vò nát.

Tôi hy vọng người đàn ông đó yêu tôi. Tuy tôi chỉ là một kết quả bị anh chọn lấy mà thôi. Anh hiểu rõ anh và tôi sống bên nhau sẽ không có lối ra. Anh hoàn toàn không có sức đề kháng. Ở trạm điện thoại công cộng, tôi gọi điện thoại về nhà, không có ai.

Không muốn về nhà. Không biết nên đối mặt thế nào với ngôi nhà trống vắng, không khí lạnh lẽo đây. Mang theo chiếc đồng hồ và thỏi son mới mua, tôi lại quay về tòa lầu công ty. Tôi không biết nơi mình có thể đi, người mình có thể tìm. Tôi nghĩ mình cũng thật bất lực, đối với ngày đẹp trời không thể có được, và cuộc sống không thể thay đổi được. Trong thang máy im lìm, tôi lại cảm thấy cơn buồn nôn khó tả khiến mắt tôi ứ nước. Phải tiếp tục thế nào đây? Tôi không biết.

Máy điều hòa trung tâm của văn phòng đã tắt. Tôi ngồi trong văn phòng chật hẹp bụi bặm một lúc, chỉ nghe thấy tiếng mưa ngoài kia tí ta tí tách. Dường như rất lâu sau, tôi mới bấm số máy nhà lần nữa. Giọng Bình ngái ngủ vang lên.

Tôi hỏi, anh về nhà rồi? Anh đáp, ừ, em lại làm anh tỉnh giấc. Anh đi đâu thế? Đi uống rượu. Em không về nhà, anh chưa từng lo lắng. Phải không?

Anh trầm lặng một chốc. Rồi nói, em đừng thế nữa có được không? Mau về nhà sớm đi. Em luôn làm anh thấy mệt mỏi.

Giọng Bình đột nhiên dịu dàng hẳn. Đã rất lâu rồi, quen với sự u uất và thô bạo của anh, tôi không biết có phải vì anh cảm thấy mệt mỏi hay không. Tôi chỉ biết tất cả không thể duy trì quá lâu được.

Có lẽ tháng sau anh có thể đi làm. Bình ngừng lại một lúc. Như thế có thể thuê lại nhà, em đi làm sẽ không quá vất vả nữa.

Điện thoại đã cúp rồi.

Tôi bước qua lối đi tối om, vào trong thang máy. Buổi tối bốn cái thang máy đã ngừng hết hai, tôi bấm nút đi xuống. Cả tòa nhà trống vắng. Có lẽ ngoài tôi ra cũng chẳng có ai nữa. Trong lòng tôi lại chẳng cảm thấy chút sợ hãi nào cả.

Rất kỳ lạ, bắt đầu từ khi còn rất nhỏ, tôi đã cảm thấy mình dường như vẫn luôn sống một mình. Có lúc bên cạnh có rất nhiều người, nhưng tôi thấy họ đều trong suốt như không khí. Không ai có thể xâm nhập vào sự cô đơn bị phong bế này. Thành phố và tình yêu, hình như đều trống rỗng.

Tôi chỉ đi trên con đường của mình. Như cô gái bị liệt chân ấy. Cứ đi đến lúc già cỗi. Cho dù không có lối ra, thế thì sao nào.

Lặng lẽ, dường như nghe được tiếng thang máy lạch cạch đi lên. Tôi sờ sờ đỉnh đầu đau nhức, tiến vào, nhấn vào nút đóng cửa, rồi nhấn nút tầng một.

Cơn đau nhức trên mặt đã giảm đi chút ít. Bất kỳ vết thương nào rồi cũng bớt nhức nhối. Dựa vào vách thang máy, tôi nghe thấy hơi thở của chính mình. Đèn hiển thị số tầng không ngừng thay đổi. Đột nhiên tôi nghĩ đến một chuyện. Cái thang máy này hình như là cái trong cùng bên trái. Trước kia tôi luôn bắt mình phải ghi nhớ tránh đi cái thang máy này, có khi chấp nhận chờ đợi mấy phút để đi cái khác. Nhưng trong đêm mưa lạnh lẽo này, tôi đã quên mất.

Dường như trong khoảnh khắc, tôi nghe thấy một tiếng nổ lớn ầm ầm. Sau đó tất cả ngừng lại.

Đỗ Mai Quyên 
(dịch, từ nguyên bản tiếng Trung)

Thang máy ảnh 2Anni Bảo Bối - tên thật Lịch Tiệp, sinh năm 1974 tại Chiết Giang, từng làm nhiều nghề. Đa số tác phẩm của cô đều lọt vào danh sách ăn khách nhất Trung Quốc và được phát hành rộng rãi đến nhiều nước. Anni Bảo Bối hiện nay là nhà văn được trả nhuận bút cao nhất cho các tác phẩm của mình tại đại lục - vượt qua cả Vương Sóc.

Truyện của cô thường mô tả đời sống nội tâm thầm kín, những số phận éo le, những con người lang thang, phiêu bạt trong thành phố công nghiệp và hiện đại hoá, tìm kiếm cái tôi trong tình yêu và ảo giác…            

Mai Quyên

MỚI - NÓNG