Thanh Lam: Đừng quá kỳ vọng ở các 'Sao mai'

Thanh Lam: Đừng quá kỳ vọng ở các 'Sao mai'
Lần đầu tiên ngồi ghế thẩm định tại sân chơi Sao Mai - Điểm hẹn, “Nữ hoàng nhạc nhẹ” Việt Nam khá khắt khe khi nhận xét nhưng cũng tỏ ra nhạy cảm khi cần xoa dịu thí sinh.

Chị bảo, mục đích mà chị hướng tới trong vai trò người thẩm định là  vạch rõ con đường đi cho ca sĩ nhưng không muốn gây áp lực khiến các thí sinh nhụt chí. NSƯT Thanh Lam đã trao đổi cởi mở về cuộc thi này.

Nhiều người nhận xét, Sao Mai - Điểm hẹn 2008 là bước lùi về chất lượng so với hai lần tổ chức trước. Cá nhân chị thấy thế nào?

Sao Mai - Điểm hẹn là sân chơi âm nhạc nhằm tìm kiếm và thúc đẩy những gương mặt tiềm năng chứ rất khó để thấy ngay một giọng ca tài năng xuất chúng.

Hơn nữa, không phải năm nào cũng phát hiện được nhiều giọng ca triển vọng. Mọi người đừng quá kỳ vọng và đặt gánh nặng lên các em.

Trong khả năng có thể, những gì các em thể hiện cũng đã là sự cố gắng hết sức rồi. Không thể ngay một lúc mong có được Mỹ Linh, Hồng Nhung hay Thanh Lam… Thời gian để một ngôi sao tỏa sáng không thể là ngày một ngày hai.

Trước khi cuộc thi diễn ra, có ý kiến cho rằng nếu cả 3 thành viên Hội đồng thẩm định đều là người Bắc, e rằng sẽ khó có sự công bằng bởi sân chơi này nghiêng về dòng nhạc trẻ vốn phát triển mạnh ở trong Nam. Chị nói sao về điều này?

Tùng Dương, Anh Khoa đâu phải là đại diện của dòng nhạc thị trường. Tôi cho rằng không nên áp đặt điều đó. Người được mời ngồi vào ghế thẩm định, đương nhiên phải là người có kiến thức tổng hợp.

Chỉ cần qua một vòng thi, chúng tôi đã nhìn thấy rõ thí sinh ấy phù hợp với dòng nhạc nào. Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa họ vào đúng sở trường, để họ phát huy thế mạnh.

Không thể hướng Duy Khoa hát nhạc sang trọng bởi cậu ấy đích thực là ca sĩ của dòng nhạc thời trang. Hoặc Hà Linh, dù đang phân vân giữa nhiều lối đi nhưng đã thể hiện khả năng chinh phục thể loại nhạc cao cấp, tương đối khó hát.

Khi nhận xét, chị luôn tỏ ra là người khắt khe. Chị muốn định hướng ca sĩ đi đúng sở trường hay chỉ đơn giản là muốn chứng tỏ vai trò của người dẫn đường?

Tôi là người làm nghề, nhìn công việc chứ không phải lý thuyết suông, nhìn cái này, ngó cái kia rồi phán. Vì lẽ này, tôi muốn chia sẻ với các em kinh nghiệm mà tôi từng trải qua, muốn họ hiểu nếu đã chọn thì phải kiên định dù đường đi còn dài và chông gai.

Thanh Lam: Đừng quá kỳ vọng ở các 'Sao mai' ảnh 1
6 ca sĩ của giai đoạn 2 (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Hà Linh là một ví dụ. Từ ngày đầu ca hát, cô ấy theo đuổi dòng nhạc tương đối kén khán giả. Mới đây, Linh lại muốn thay đổi, chọn thể loại dễ hát hơn, dễ hút khán giả hơn, nhưng đáng tiếc lại không thành công. Sự “lung lay” khiến Hà Linh chưa đạt mục đích.

Muốn có độ chín thì phải chấp nhận thử thách. Giá trị thật thì muôn đời được kính trọng. Khán giả có thể không thích dòng nhạc ta chọn nhưng khi đã yêu thì họ sẽ yêu suốt đời. Đó mới là mục tiêu của những nghệ sĩ đích thực.

Nhưng kiên định với dòng nhạc khó rất mất nhiều thời gian, mà chưa chắc đã thành công. Từ kinh nghiệm, chị cho rằng người quyết tâm theo đuổi con đường này sẽ nhận lại được gì?

Giá trị trong âm nhạc rất tinh tế, nói thì dễ, làm mới khó. Khi có phông văn hóa đủ cao, bạn sẽ muốn chinh phục những sản phẩm giá trị. Nhạc sang không đơn giản là bài hát sang trọng, mà do người hát khiến ca khúc được nâng tầm. Sự sang trọng ẩn trong tâm hồn.

Tôi cho rằng một ca khúc sến, nếu qua phần xử lý âm nhạc tốt cũng sẽ trở nên sang trọng bởi nó được thẩm thấu bằng tư duy văn hóa. Tôi thích ca khúc có sự hư ảo, nhiều tầng ý nghĩa chứ một bài hát mà cái gì cũng được phơi bày hết ra bên ngoài thì tôi chịu thua.

Xin cảm ơn chị

Theo Trần Lê
Hà Nội mới

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.