Thành phố những 'ai nghèo cũng có cây đàn ghi ta'

Thành phố những 'ai nghèo cũng có cây đàn ghi ta'
TP - Tay chơi ghi ta người Mỹ nổi tiếng thế giới Frank Gamble trong một lần tới TPHCM biểu diễn đã háo hức: “Tôi đến với các bạn và mong gặp các bạn, vì tôi biết các bạn rất yêu thích ghi ta, cũng như tôi, không thể sống một ngày mà thiếu cây đàn”. 

Anh Danh Sinco thường có bên mình 75 cây đàn, nhà treo không hết, anh để ở công ty. Anh vừa mới mua một cây đàn từ Tây Nguyên về, chỉ vì nó nom khá lạ mắt. Anh nói: “Mình vẫn chưa dừng được đam mê mua đàn”. Mỗi lần gặp tôi, anh lại khoe một cây đàn mới. 

Made in Viet Nam

Quận Tư, TPHCM là một nơi có hàng chục dòng họ làm đàn ghi ta từ thời Pháp. Anh Chí kể: “Chúng tôi làm đàn đã mấy đời rồi. Mọi người vẫn đi săn lùng đàn ghi ta ngoại nhưng không biết rằng chúng tôi mỗi tháng lại đóng rất nhiều đàn để xuất khẩu sang các nước, kể cả Nhật Bản”. Thành phố chật chội, gia đình anh mở xưởng làm đàn xuất khẩu tại Bình Dương. Toàn bộ nguyên liệu của họ đều nhập khẩu từ Mỹ!

Một người làm đàn ghi ta kỳ cựu là anh Thức nói rằng bố anh người Bắc, vốn là công nhân làm đàn cho một ông chủ người Pháp trước năm 1945. Họ vào định cư ở Sài Gòn và phát triển sự nghiệp cho đến ngày nay. Anh Thức nói: “Chính tay tôi đã đóng đàn cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông tìm vào tận nhà chúng tôi để đặt đàn biểu diễn”.

Nhiều bạn trẻ cũng mày mò làm đàn, thậm chí làm đàn ghi ta điện. Những cây đàn điện của Việt Nam sản xuất trước năm 1975 đến những năm 1980, tưởng đã tuyệt chủng vì đàn ngoại, nay bắt đầu xuất hiện trở lại. Nghệ nhân trẻ Nguyễn Hoàn mới đây đã sản xuất những chiếc đàn ghi ta điện với giá chỉ khoảng 3-4 triệu đồng.

Ở TPHCM, xưởng đàn tại Hóc Môn đã nổi tiếng khắp thế giới với những cây đàn ghi ta Made in Viet Nam. Một hôm, tôi đang ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phố đàn với mấy chục tiệm, chợt thấy một ông khách nước ngoài tóc rối, đẩy va ly vào và nói: “Tôi muốn mua một cái đàn Made in Viet Nam. Tôi đi du lịch và chỉ có mấy tiếng ở TPHCM, tôi cần một cây đàn Việt Nam làm kỷ niệm”. Mua đàn xong, người khách nước ngoài vội vã lên sân bay.

Đàn ta sản xuất có đủ loại, những cây đàn “cỏ” sinh viên chỉ dăm trăm ngàn, được Ba Đờn sản xuất, lại có những cây đàn cao cấp do nghệ nhân Cường đóng có giá lên tới 100 triệu đồng.

Tới TPHCM bạn có thể dễ dàng tìm gặp những xưởng làm đàn ở Nhà Bè, Quận 7, quận Tư, Quận 12, Thủ Đức… Ước tính có cả trăm xưởng làm đàn, sửa chữa đàn lớn nhỏ.  Hiếu, chàng trai tốt nghiệp thanh nhạc tại Nhạc viện TPHCM, giờ cũng làm đàn ở quận 2, với lý do anh ta mê nghề làm đàn, thích tự làm ra những cây đàn có âm hưởng mình yêu thích.

Thành phố những 'ai nghèo cũng có cây đàn ghi ta' ảnh 1 Nghệ sĩ Frank Gamble nói chuyện với các nghệ sĩ ghi ta TPHCM 
Ảnh: Trần Nguyên Anh

Ði đâu cũng mang theo cây đàn

Đi dọc kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè người ta thấy khá nhiều những quán cà phê bập bùng ghi ta. Một vài điểm biểu diễn nhạc sống vào sáng Chủ Nhật với phụ thu tiền nước chỉ 5.000 đồng. Nhiều người yêu ghi ta tới giao lưu, biểu diễn đàn cùng nhau mà không màng tới cát sê. Trong số họ, ta thấy cả những nghệ sĩ ghi ta chuyên nghiệp như Công Danh Sinco hay Thành Sago. Anh Thành Sago nói: “Ban nhạc chúng tôi còn... khá trẻ, với độ tuổi chừng 60! Chúng tôi đam mê âm nhạc và vẫn cháy hết mình vào mỗi sáng Chủ Nhật bên bờ kè”.

Sáng sáng, quán cà phê La Trầm ở Khu cư xá Bắc Hải lại vang lên tiếng đàn của những nghệ sĩ từng đứng trên sân khấu một thời nay giải nghệ, lẫn các nghệ sĩ trẻ.

 Thành lệ bất thành văn, nhiều quán nhạc trong thành phố dành tối thứ Ba hàng tuần để làm sân khấu mở, hay còn gọi là “Jam”. Tất cả những người yêu đàn ghi ta cứ thế mang đàn lên sân khấu, đăng ký biểu diễn. Họ không mất tiền mà còn được giảm tiền nước 20%. Những chương trình giao lưu ghi ta như thế có thể thấy ở Yoko bar và nhiều nơi khác. Khách đông tới mức, có thể bạn sẽ phải chờ đến 11h30 vẫn chưa đến lượt mình được mang đàn lên sân khấu!

“Ôi Sài Gòn - David Trần, một Việt Kiều Mỹ, người làm M.C cho các buổi giao lưu ghi ta nói - Chưa thấy nơi nào người ta yêu ghi ta như ở Sài Gòn!”.

Thành phố những 'ai nghèo cũng có cây đàn ghi ta' ảnh 2 Một cây đàn ghi ta Made in Viet Nam được làm theo hình bản đồ Tổ quốc 
Ảnh: Trần Nguyên Anh

Những tay sưu tập  thầm lặng

Có thể người ta sẽ ngạc nhiên khi thấy những nhà sưu tập đàn ghi ta ở TPHCM sở hữu kho đàn giá trị hơn bất cứ tiệm đàn nào trong toàn quốc. Có thể kể tới nhạc sĩ Lê Quang, có những thời điểm nghệ sĩ này sở hữu mấy chục cây đàn  ghi ta bass. Nghệ sĩ Thanh Tân vẫn thường được “mượn” những cây đàn quý của Lê Quang để biểu diễn.  Mỗi cây đàn như vậy có giá chừng 3.000 USD. 

Nghệ sĩ ghi ta Hà Phái Ngọc, người đệm đàn cho Hồng Nhung hát bài “Lời của gió” năm nào cũng có trong tay cỡ 20 cây đàn quý, giá mỗi cây ít nhất cũng 2.000 USD, song anh khiêm tốn nói: “Mình không phải là người sưu tập, vì đàn của mình vẫn chưa là gì so với anh em khác đâu”. Nghệ sĩ Phương Yoko cũng có hàng chục cây đàn Gibson, Fender… thuộc hàng hiếm và vẫn chưa dừng sưu tầm.

Một nhà sưu tầm đề nghị giấu tên, hiện sở hữu những cây ghi ta bass có giá lên tới mấy trăm triệu đồng, và không chỉ có thế, anh còn có không ít những cây đàn cỡ vài trăm triệu đồng. Nghệ nhân Nguyễn Hoàn thường bảo dưỡng những cây đàn của nhà sưu tập này nói: “Thật khó tin, vì những cây đàn của nhà sưu tập ấy thuộc dạng quý hiếm của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam”.

Dũng Classic, một người bán đàn quận 7 nói: “Không chỉ các nghệ sĩ mà nhiều giới khác cũng sưu tầm đàn. Một phóng viên ảnh kỳ cựu cũng đang sở hữu vài chục cây đàn ghi ta gỗ, mỗi cây như vậy đều có giá trên 1.000 USD. Thế mà anh ấy luôn hỏi: Thấy có cây nào quý, báo anh ngay nhé!”.

Vương quốc ghi ta

Một năm không biết có bao nhiêu nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng đã đến và biểu diễn, giao lưu tại TPHCM. Họ biết cộng đồng yêu đàn ở đây rất đông đảo và sẵn sàng chia sẻ đam mê.

Chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2019, TPHCM đón tới 3 nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng đó là nghệ sĩ ghi ta Việt kiều Nguyên Lê. Anh chơi theo phong cách nhạc jazz và theo lệ thường, anh vẫn dành riêng một buổi gặp mặt tất cả anh em nghệ sĩ chơi ghi ta trong thành phố. Nguyên Lê rất giỏi sử dụng thang âm ngũ cung.

Một nghệ sĩ ghi ta thượng thặng của nền nhạc rock thế giới, nghệ sĩ Bumblefoot từng là guitarist trong ban nhạc huyền thoại Guns N’ Roses từ năm 2006 đến năm 2014, hiện tại, Bumblefoot là guitarist cho ban nhạc Progressive rock nổi tiếng mang tên Sons of Apollpo, anh tới biểu diễn tại Lela bar, một tụ điểm biễu diễn ghi ta rất đông “tín đồ Tây Ban Cầm”. Buổi biểu diễn “siêu kỹ thuật” rock của anh làm say đắm người hâm mộ.

Trung Tâm Asian thuộc đại học MGIMO Nga, Tổng Lãnh sự quán LB Nga, Trường đại học Văn Lang cũng vừa mang tới  thành phố  nghệ sĩ ghi ta nổi tiếng của nước Nga là  Dmitry Maloletov. Ngón nghề biểu diễn của Dmitry Maloletov khiến khán giả trầm trồ thán phục.

Trước đó, nghệ sĩ Jack Thammarat  từ Thái Lan, người chiến thắng tại cuộc thi Ghi ta Idol toàn cầu năm 2009, một thần tượng Ghi ta điện khắp châu Á, cũng biểu diễn cùng ban nhạc của mình tại TPHCM.

12/2019

Nghệ sĩ ghi ta Quỳnh Nguyên đến từ thành phố Vinh (Nghệ An) sau khi tham gia giao lưu cùng các nghệ sĩ ghi ta tại TPHCM đã nhận xét: “Khắp cả nước, chỉ có các nghệ sĩ, những người yêu đàn ở Sài Gòn là vẫn giữ nếp sống đàn hát với nhau mỗi sáng bên ly cà phê. Họ không giấu nghề, luôn chia sẻ đam mê cùng nhau, không phân biệt cao thấp, chuyên nghiệp và không chuyên. TPHCM xứng đáng được gọi là vương quốc của ghi ta”. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.