Thầy giáo Tây Nguyên hỏi câu nghiêm túc, hàng loạt nhà thơ 'cứng họng'

TP - Lại thêm một bài thơ dậy sóng cộng đồng mạng Việt của một cô giáo ở Lâm Đồng. Bài thơ nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn, làm thơ chuyên nghiệp.

Lại thêm một bài thơ dậy sóng cộng đồng mạng Việt của một cô giáo ở Lâm Đồng: “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?/Mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều đến thế (…) Phi cơ đón đồng bào giữa vùng tâm dịch/Em trở về cớ sao còn hách dịch/Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa” v.v... Tác giả của “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” muốn “dạy dỗ” ai, hẳn người đọc cũng đoán ra, bởi tác giả đã nói trắng, thay vì lựa cách nói ẩn ý phổ biến trong thi ca. Khác với “Đất nước ở trong tim”, “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” nhận được sự quan tâm đặc biệt của những người làm văn, làm thơ chuyên nghiệp.

Một số nhà thơ, nhà văn có tên hẳn hoi bày tỏ thái độ “dị ứng”. Có người coi những sản phẩm trên là “thảm họa” thơ. Một nhà văn gọi đó là “đại dịch”: “Đại dịch” các cô giáo làm thơ. Anh  còn mất công sắp xếp thứ tự: “Đất nước ở trong tim” đứng vào “hàng kinh điển”, còn “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa” xếp vào “hàng mới về”… Tuy nhiên, không thấy ai đặt câu hỏi: Cô giáo viết “Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa?” đã xin phép nhạc sỹ Vũ Hoàng khi viết bài này chưa?

“Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, điệp khúc quen thuộc trong “Khát vọng tuổi trẻ” của Vũ Hoàng. Và ngay cả Vũ Hoàng, cũng sử dụng lại câu nói kinh điển này.

Trong khi thơ của các cô giáo bị mang ra giễu cợt bỗng một thầy giáo, cũng là một người cầm bút ở Tây Nguyên lên tiếng bênh vực: “Tôi xin hỏi rất nghiêm túc các anh chị nhà thơ rằng, các anh chị lấy tư cách gì mà dè bỉu chúng tôi- những giáo viên làm thơ nhân mùa mắc dịch?”. Từ đây, người viết “đáo để” này đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến những nhà thơ chuyên nghiệp lúng túng không biết phản ứng ra sao: “Các bạn định độc quyền làm thơ?”, “Xưa nay, các bạn  vẫn làm thơ miết đó chi, ai cấm các bạn?”, “Mà các bạn làm thơ thế nào?”… Thầy giáo ở Tây Nguyên vạch “tội” đạo thơ trong làng thơ, “tội” sinh ra những bài thơ “ấm a ấm ơ”, khiến người đọc “không biết các bạn muốn nói gì” của một số thi sĩ… Sau cùng, anh kết luận: Người tạo ra thảm họa thơ ca chính là “các bạn nhà thơ”, không phải những giáo viên “bất đắc dĩ mùa dịch không biết làm gì mới mon men gieo vần xếp chữ”…

Thơ thả lên giời ở ngày thơ Việt Nam bị “nhặt sạn”, thơ mùa dịch của các cô giáo thì bị coi “thảm họa” với “đại dịch”… Xem ra, đất nước hóa thành… thơ theo chiều hướng này, không lấy gì vui vẻ. Đừng trách ai đó “hãi” thơ: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Thi ca Trung Hoa rạng rỡ thế nào, ai cũng rõ, nhưng chỉ một người được phong “thi thánh” là Đỗ Phủ. Còn ở Việt Nam, cách đây vài năm cộng động mạng cũng phong một người trẻ là “thánh thơ online”. Đã sợ chưa? 

MỚI - NÓNG