Thế nào là “đen”?

TP - Hiến kế của một ông bầu ca nhạc trước sự lúng túng vừa qua của Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Cục” không cần đưa ra danh sách ca khúc nào được cấp phép mà chỉ cần đưa ra ca khúc nào cấm biểu diễn, ghi âm. 

Theo vị này, làm như vậy vừa đơn giản, vừa dễ cho các đơn vị tổ chức show và nghệ sỹ. Nhiều người đồng ý với hiến kế của ông bầu ca nhạc. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Căn cứ tình hình thực tế, Cục nhận thấy không thể quản lý được bài hát cấm”. Lý do được ông đưa ra: “Những bài đó cơ quan quản lý nhà nước không có dữ liệu, chúng do các chủ sở hữu tác phẩm lưu giữ. Có thể hôm nay phát hiện bài này nhưng ngày mai lại xuất hiện nhiều bài khác. Chính vì vậy, việc cập nhật bài hát cấm là bất khả thi”.

Một bạn đọc viết: “Người ta sáng tác ra một bài hát bằng tâm huyết, cảm hứng âm nhạc, số lượng bài hát vi phạm thuần phong mĩ tục hay gì gì đó chắc chắn sẽ ít hơn rất nhiều so với số bài không vi phạm”. Không ít độc giả  khác cũng đã “phản pháo”: “Lập danh sách ca khúc cấm là bất khả thi. Vậy lập danh sách ca khúc được phép thì khả thi không?”...  Độc giả khác thắc mắc: “Kỳ lạ, lượng bài bị cấm chắc là ít hơn lượng bài không cấm” và suy ra “có nghĩa là lập danh sách bài hát không cấm là càng bất khả thi”. Cũng có người cho rằng, bất khả thi với danh sách đen chính là lựa chọn “dễ làm, khó bỏ” v.v...

Nhưng cứ cho là việc lập danh sách đen khả thi thì cũng lắm vấn đề phải bàn. Câu hỏi “thế nào là “đen”?” chắc chắn sẽ gây tranh cãi. Bởi quan niệm nghệ thuật của mỗi nghệ sỹ, mỗi trường phái nghệ thuật đã khác nhau, thậm chí va nhau đôm đốp. Ngay những người có trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phép ca khúc cũng không đồng nhất quan điểm. Nhớ lại ồn ào quanh “Con đường xưa em đi” sẽ thấy. Có người tỉ mẩn đi tìm “con đường xưa là con đường nào”, rồi áp cho nó một số tội thì có vị quan chức văn hóa lại nói: Tôi đã từng hát “Con đường xưa” và thấy không có vấn đề gì về tư tưởng. Đó là chưa kể quan niệm về “đen”, “trắng” trải qua thời gian cũng thay đổi. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật trước đây bị “tuýt còi” thì nay lại được vinh danh.

Cho nên, việc lập danh sách đen nếu rà soát không cẩn thận sẽ làm “chết” oan những tác phẩm giá trị. Con đường quản lí, cấp phép ca khúc còn lắm chông gai và khán giả đứng ngoài không khỏi hoang mang thay cho những người sáng tạo nghệ thuật. Giá như mọi chuyện chỉ đơn giản là: Tác phẩm xứng đáng sẽ tự sống, tác phẩm không có sức sống sẽ tự ra đi, quyền lực thuộc về người thưởng thức âm nhạc thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Trong khi nghệ thuật phục vụ “thượng đế” nhưng “thượng đế” không có vai trò lớn trong lựa chọn và phân loại “món ăn” của mình. Họ chưa từng được trưng cầu ý kiến khi quyết định cấm một ca khúc quen thuộc nào.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.