Thêm những ý kiến phản đối tượng rùa vàng

Bờ Hồ nên dành không gian để nghỉ ngơi, vui chơi hoặc đọc sách. Ảnh: Như Ý.
Bờ Hồ nên dành không gian để nghỉ ngơi, vui chơi hoặc đọc sách. Ảnh: Như Ý.
TP - Sau bài báo “Hồ Gươm chỉ nên bớt, không nên thêm” trên Tiền Phong ngày 30/3, nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu góp thêm ý kiến quanh chuyện nên hay không đặt thêm các biểu tượng, công trình quanh Hồ Gươm.

Rùa trong nhân gian: vừa tích cực vừa tiêu cực?

PGS.TS Trần Lâm Biền phân tích kỹ lưỡng về rùa và rùa hồ Gươm trong truyền thuyết:

Con rùa đi với người Việt có nhiều giai đoạn và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Con rùa xuất hiện đầu tiên trong huyền thoại là thần Kim Quy, thời kỳ ấy ít nhiều gắn với văn hóa Ấn Độ và là con vật tích cực. Thế nhưng càng về sau rùa không mấy được người Việt tôn trọng hoặc chỉ tôn trọng ở mức độ nhất định. Rùa vừa mang yếu tố tích cực nhưng đồng thời cũng nhiều yếu tố tiêu cực. Tích cực ở khía cạnh người ta thấy mai rùa khum khum gần như bầu trời, bụng phẳng như mặt đất, còn cột nhà sàn như chân rùa. Đó là quan niệm chủ yếu của người thiểu số còn với người Kinh bao giờ con rùa cũng phải ở phía bên dưới.  Người ta đặt mọi thứ lên trên lưng rùa như bia đá, hạc cưỡi rùa…

Rùa và rắn gắn với hình ảnh thủy quái luôn gây lũ lụt cho nên người Việt trị rùa trị rắn, không đề cao vai trò con rùa một cách ghê gớm như những linh vật khác. Nói đến chống lũ lụt ở Hà Nội mở đầu là hình tượng Lý Ông Trọng người khổng lồ đứng mỗi chân ở một bờ sông thò tay xuống nước bắt con rùa và con giải để chém, bởi nó không chỉ gây lũ lụt còn làm vỡ đê. Các vùng trũng như An Dương, Quan Thánh, Hàng Khoai bây giờ và một quận Hai Bà Trưng thì con rùa và con rắn vẫn gắn với việc dâng nước tạo lũ lụt. Người Hà Nội thờ Huyền Thiên Trấn Vũ-vị thần chống lũ lụt tích cực. Đền Quan Thánh  hay chùa Huyền Thiên ở Hàng Khoai đều thờ tượng Huyền Thiên cắm kiếm trên lưng rùa có con rắn leo lên. Lúc đó người Việt chưa chống lũ lụt một cách tích cực tuyệt đối, họ phải sống chung với lũ lụt cho nên mới có tích Huyền Thiên thu phục hai thủy quái là rùa và rắn.

Đối với hồ Hoàn Kiếm, sau khi chống quân Minh xong có tích trả gươm cho rùa, tuy nhiên đến đầu thế kỷ 20 khi làm tượng Lê Lợi lại không thấy ý trả gươm. Vua Lê đứng trên đỉnh cột khẳng định ông là thần linh. Kiếm của thần linh là biểu tượng của sấm chớp và ông đứng ném kiếm lao xuống chính là ý thức chống lụt trường trực trong ý thức người xưa.

Thần linh hay linh vật được coi như biểu tượng thiêng liêng ăn sâu tâm hồn người Việt thì cái tích cực cao hơn tiêu cực. Ở đây cái tiêu cực của con rùa nhiều hơn nên không thể là biểu tượng. Con rồng cũng có những tiêu cực nhưng là thứ yếu, cái tích cực là chủ yếu. Tổ tiên ta chẳng ai lấy con rùa làm biểu tượng thiêng liêng, chỉ lấy con rồng thôi. Rõ ràng đất Hà Nội có chữ Thăng Long, con rồng được nhà Lý chọn làm biểu tượng. Khi chưa tìm được linh vật nào mang đủ tư cách biểu tượng thiêng liêng thì hãy theo tổ tiên tạm chọn con rồng đã, nhưng phải chọn mẫu hình con rồng Việt không giống Trung Hoa cũng không giống Ấn Độ.

Nên học nước ngoài

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cho rằng muốn làm bất cứ điều gì quanh hồ Gươm đều phải xem xét, không thể đại khái vẽ trên 3D tự nhìn, tự sướng với nhau. “Bờ Hồ quá chật chội, để cái gì vào cũng kích. Thêm cái gì là chết cái đó”, ông nói. Ông kể trước đây Hà Nội từng đặt vấn đề làm vườn tượng nhưng ông cũng góp ý không nên, không chỉ bởi vị trí nhạy cảm mà quan trọng hơn không còn chỗ để đặt. “Người thưởng ngoạn bên bờ Hồ rất đông cho nên càng thoáng càng tốt, cần nhiều hoa với thiên nhiên. Ở các nước người ta rất quý không gian ven hồ, không bao giờ vi phạm. Bờ Hồ nên dành không gian để nghỉ ngơi, vui chơi hoặc đọc sách. Không riêng hồ Gươm mà tôi để ý hồ Hale cũng rất chật chội càng không thể đặt thêm cái gì”, Lưu Danh Thanh nói.

Ủng hộ quan điểm phải giữ không gian hồ Gươm sao cho tạo cảm giác gần gũi thiên nhiên để người dân đến đó, KTS Đoàn Kỳ Thanh góp ý thêm: “Việc dâng hương ở tượng đài vua Lý là không ổn”. Tượng đài vua Lê ở phía bên kia bờ Hồ cũng có lư hương rất lớn. TS Nguyễn Hồng Kiên khẳng định với tư cách người tham gia khai quật và trùng tu tượng Lê Thái Tổ hồi những năm 90 của thế kỷ trước: “Không hề thấy có bát hương hay lư hương nào ở đây. Nếu định làm “biểu tượng rùa vàng” liệu có lại thành một nơi cầu cúng ?”.

“Nói chung tác phẩm nghệ thuật công cộng không phải để thờ cúng”. KTS Đoàn Kỳ Thanh phát biểu, và lấy ví dụ nhiều tác phẩm nghệ thuật công cộng ở các nước trên thế giới rất nhân văn, thông điệp rõ ràng ý nghĩa. “Phải học cách người ta làm thông điệp đến với cộng đồng sao cho vừa dễ hiểu và ý nghĩa, vừa sáng tạo và phải mang ngôn ngữ thế kỷ 21”.

Vua Lê mới là nhân vật chính của huyền thoại đẹp về hồ Gươm

TS Nguyễn Hồng Kiên phát biểu: “Chúng ta nếu muốn tôn tạo hồ Gươm, muốn phát huy câu chuyện về “tinh thần yêu hoà bình” (?) theo câu chuyện cổ tích của Nguyễn Đổng Chi thì nên chú ý khu tượng đài vua Lê Thái Tổ ở bờ Tây của hồ. Nhân vật chính của huyền thoại đẹp về hồ Gươm là vua Lê Thái Tổ, đâu phải “cụ” rùa? Trước Tết, đến thăm khu này, tôi chứng kiến vành đai đá tròn dưới chân tượng đài không chỉ nứt nẻ mà còn sứt vỡ nhiều chỗ, mới được vá víu lại”.

MỚI - NÓNG