Thí điểm đục thông vòm cầu Phùng Hưng

Khu vực vòm cầu sau khi đục thông sẽ kết nối với không gian bích họa Phùng HưngẢnh: Mạnh Thắng
Khu vực vòm cầu sau khi đục thông sẽ kết nối với không gian bích họa Phùng HưngẢnh: Mạnh Thắng
TP - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có quyết định chấp thuận thi công thí điểm đục thông vòm cầu Phùng Hưng, mở ra triển vọng về không gian công cộng mới, hấp dẫn của Hà Nội.

MỞ VÒM

Tổng giám đốc Cty Đường sắt Việt Nam ký quyết định số 220 ngày 11/3/2019 chấp nhận mở điểm thi công xây dựng “Công trình cải tạo thí điểm ô vòm đá số 93 đoạn đường dẫn phía Nam cầu Long Biên, tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng”.

Đường sắt Việt Nam chấp nhận cho đơn vị thi công là Cty CP Đầu tư công trình Hà Nội - Cty CP Năng lượng Thủ đô thực hiện. Đơn vị này được phép đục phá phần đá xây bịt vòm cũ kết hợp với gia cố chống đỡ vòm cũ bằng kết cấu khung vòm thép, sử dụng dầm bó ray để gia cường cho đường sắt khu vực vòm đá. Trong quá trình thi công, đơn vị này phải xử lý hạng mục thoát nước, chống thấm vòm đá xây cũ, sửa chữa một số hư hỏng phát sinh nếu có khi đục thông vòm cũ, hoàn thiện mặt ngoài vòm đá sau khi đục thông và gia cố.

Với đặc thù tàu hỏa vẫn lưu thông phía trên cầu đường sắt, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam yêu cầu đơn vị thi công đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, phòng vệ thi công tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tín hiệu đường sắt, khai thác đường sắt. Trong quá trình thi công thực hiện quan trắc kết cấu vòm cũ sau khi phá dỡ để kịp thời phát hiện các hư hỏng phát sinh, bất thường để xử lý kịp thời. Công trình hoàn thành thi công trước 26/5/2019.

Thí điểm đục thông vòm cầu Phùng Hưng ảnh 1
Cục Đường sắt Việt Nam trước đó có văn bản số 123 gửi BQL Phố cổ Hà Nội về việc cải tạo thí điểm ô vòm số 93. Văn bản này nhắc lại nội dung trước đó Bộ Giao thông Vận tải nêu: Sau khi thí điểm cải tạo, gia cố một vòm làm cơ sở đưa ra các giải pháp phù hợp để cải tạo, gia cố các vòm tiếp theo đảm bảo an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông đường sắt và các vấn đề liên quan. Cục cũng lưu ý việc trang trí, sử dụng hạng mục trang trí không làm ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của vòm, nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và công trình.

DIỆN MẠO MỚI

Đại diện BQL Phố cổ Hà Nội (đại diện chủ đầu tư cho UBND quận Hoàn Kiếm) cho biết hiện nay bàn giao xong mặt bằng chờ thi công thí điểm ở vòm cầu 93. Cải tạo thành công vòm cầu này, Hà Nội tiếp tục đề xuất thực hiện với hàng loạt vòm cầu tiếp theo. “Ngay sau khi hoàn thành phần đục thông vòm cầu và xử lý các vấn đề kỹ thuật, chúng tôi biến không gian phía trong vòm cầu thành nơi tái hiện hoạt động trải nghiệm văn hóa nghệ thuật công cộng, sản phẩm văn hóa du lịch truyền thống của Hà Nội”, đại diện BQL phố cổ nói.

Hà Nội thiếu không gian công cộng, nên phố đi bộ Hồ Gươm nhanh chóng quá tải vào dịp cuối tuần và lễ tết, lại càng chưa đủ đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng. Hoàn Kiếm năm ngoái mở ra không gian bích họa Phùng Hưng, thay đổi một phần diện mạo ở khu vực xưa nay luôn bị coi là nhếch nhác, lộn xộn. Du khách quốc tế, người dân bắt đầu chú ý tới đoạn phố bích họa này, tuy nhiên khu vực này còn rời rạc chưa tạo ra sự kết nối với các không gian khác. “Đục thông và chỉnh trang lại không gian bên trong các vòm cầu Phùng Hưng giúp kiến tạo không gian công cộng, tăng kết nối với các tuyến phố di sản ở phố cổ và đặc biệt là khu vực bích họa Phùng Hưng hiện nay”, lãnh đạo BQL Phố cổ Hà Nội nói.

Nhiều nhà kiến trúc, chuyên gia mỹ thuật ủng hộ phương án tạo ra không gian công cộng ở khu vực cầu đường sắt này. Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế-thành viên trong dự án bích họa Phùng Hưng- cho rằng khu vực bích họa ít nhiều đóng góp tích cực tạo ra sự dịch chuyển, thay đổi trạng thái không gian công cộng ở Hà Nội. KTS Đoàn Kỳ Thanh chỉ ra tương lai kết nối vào chuỗi sinh thái Hồ Gươm, khu phố cổ của không gian Phùng Hưng. Trước đó, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm đặt ra kế hoạch dài hơi- mở rộng không gian đi bộ từ bờ Hồ, khu vực lõi di sản phố cổ ra không gian đi bộ Phùng Hưng.

“Ban đầu không gian nghệ thuật Phùng Hưng nằm trong chuỗi thiết kế các không gian từ vỉa hè, gian hàng và liên thông hai phía vòm cầu, nên bích họa điểm xuyết cho cả không gian này. Về tầm nhìn dài hạn, tôi cho rằng nên có tuyến đi bộ từ Bờ Hồ xuyên qua khu chợ Đồng Xuân lên tới Phùng Hưng. Nếu để rời rạc ý nghĩa của khu vực đục thông vòm cầu Phùng Hưng kém hơn. Việc đục thông vòm cầu tạo ra chuỗi trải nghiệm phong phú giúp di sản lấp lánh hơn”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế phân tích. Thời gian khách lưu trú tại Hà Nội chưa nhiều, theo góc nhìn của anh Hà Nội hiện vẫn thiếu những không gian để người ta trải nghiệm những giá trị 
đặc trưng.

KTS Trần Huy Ánh lưu ý, muốn tạo ra không gian văn hóa phục vụ cộng đồng cần do cộng đồng đề xuất, nếu để doanh nghiệp đề xuất dễ bị yếu tố lợi nhuận lấn át. “Dự án nghệ thuật Phùng Hưng (bích họa) thể hiện tinh thần cộng đồng từ ý tưởng, nội dung tới kết quả tạo ảnh hưởng. Dự án tạo niềm vui từ lòng tin. Cộng đồng tin vào chính quyền khi thực sự bỏ công bỏ của vì lợi ích cộng đồng, nên nghệ sĩ vì thế không ngại góp công sức, tạo ra sức lan tỏa cao”.

MỚI - NÓNG