Thiên ký ức sống

Thiên ký ức sống
TP - Mang một cái tên dung dị “Cuộc đời - chuyện Tây Ta”, thực chất thiên truyện ký mang đầy những tình tiết hấp dẫn về cuộc sống của người Việt ở Tiệp Khắc (nay là CH Séc) này là một tiểu thuyết rất dày dặn.

> Hilary Mantel lần thứ hai đoạt giải Man Booker

Tác giả của nó là Đỗ Ngọc Việt Dũng - một trí thức có tiếng du học và sinh sống tại Tiệp Khắc lâu năm. Ông ký tên trong tác phẩm này là Do.honza.

Ký ức này, không mang hình thù “Lâu đài” của Kafka (1), mà ta mãi tìm. Ký ức, lại hiện ra một vùng xa xăm trắng tuyết, rắn băng, lác đác những khu chợ của người nhập cư, nơi hiện dấu chân nhọc nhằn của các thế hệ cháu con Giao Chỉ...

Bằng tất cả sự nghiệm sinh, Do.honza đã đưa lại một bức tranh trần trụi về thân phận đồng loại, những thế hệ người Việt, với nhiều nguyên do khác nhau, đã đến làm việc, sinh sống, lao động ở các nước Đông Âu, từ những ngày kháng chiến I, khó khăn bao cấp thưở nào, cho đến thời kỳ mở cửa, hội nhập
hôm nay.

Với một ký ức không ngừng triển nở trong sự bao dưỡng của tấm lòng nhân ái, Do.honza đã giúp ta thấy nhiều bộ mặt của kiếp nhân sinh. Cảm thấu hai phía của lá bài định mệnh, và hôm nay, qua 3 lần rút, Do.honza “hạ bài”. Một hoa giáp. Tất tay! Hay vào cuộc mới?

Bức tường Berlin đã đổ, nhưng mê cung của “ Lâu đài” vẫn còn đó!

Ta có thể chìm, lạc vào miền ký ức bất chợt, hoặc bất cứ lúc nào, nhưng để biểu đạt ra bằng thứ ngôn ngữ của chính nó-ký ức ấy, lại cần cái ám ảnh“ nợ đời”, cái đau đáu của người Viết, quen gọi là nhà văn - và Do.honza là nhà văn chân tín theo nghĩa này. Cũng chính từ những ám ảnh, đau đáu đó, mà chúng ta có thiên ký ức 4 phần đầy đặn, với không ít câu chuyện, tiểu chuyện độc đáo, xuất thần, kỳ lạ, ớn lạnh, đau lòng, dí dỏm... đủ cung bậc hỷ nộ ái ố, với những/hệ thuật từ “lóng”, rất đặc trưng “Việt Nam xù”( do người Việt ở Tiệp Khắc cũ nói trại ra) (2) suốt một thời kỳ dài, và chính những/hệ thuật từ “lóng” này, cả những chi tiết độc đáo đến bất ngờ, đã thể hiện sự dụng công, sáng tạo, góp phần quan trọng nối dài ký ức “mit Đông Âu” vào cuộc sống cộng đồng hôm nay.

Thiên ký ức này, không dừng lại ở trang cuối! Nó Sống, và tiếp tục tra vấn chúng ta với những câu hỏi đau đáu. Thật không dễ lảng tránh.

(1) Nhà văn Franz Kafka, sinh năm 1883, tại Praha, thủ đô Tiệp Khắc (cũ). Một trong những nhà văn lớn nhất TK XX. Lâu đài, tên một chuyện dài (viết chưa xong) của ông.

(2) Dẫn từ mục 11, phần 3

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG