Thông tư biểu diễn vẫn gây tranh cãi

Sau khi Bộ VHTTDL ra Thông tư 01 quy định chi tiết Nghị định 15, giới nhạc sỹ phản ứng dữ dội vì “bị gạt ra ngoài lề”. Ảnh: Thanh Niên.
Sau khi Bộ VHTTDL ra Thông tư 01 quy định chi tiết Nghị định 15, giới nhạc sỹ phản ứng dữ dội vì “bị gạt ra ngoài lề”. Ảnh: Thanh Niên.
TP - Bên cạnh thay đổi tích cực của Nghị định 15 trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp người mẫu, giới nhạc sỹ và Bộ VHTTDL chưa tìm được tiếng nói chung trong một số quy định về biểu diễn.

Sau khi Bộ VHTTDL ra Thông tư 01 quy định chi tiết Nghị định 15, giới nhạc sỹ phản ứng dữ dội vì “bị gạt ra ngoài lề”. Cụ thể trong điều 9, Nghị định 15 yêu cầu bên cạnh các thủ tục khác phải có “một văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Tuy nhiên Thông tư 01 không nhắc gì đến quy định này. Tại điều 13 của thông tư này chỉ đưa ra mẫu “văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”, được cho là chỉ mang tính hứa một chiều.

Tại hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 15 và Thông tư số 01, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nhắc lại, tại nhiều cuộc hội nghị, hội đồng thẩm định “bàn nát” việc đưa hợp đồng, cam kết, thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm rồi. “Pháp luật không cho phép hành chính hóa các quan hệ dân sự, nếu đưa vào thành ra cơ quan quản lý làm sai quy định. Theo tôi, bổ sung ba loại giấy tờ trong Nghị định 15 là hành lang pháp lý tương đối thông thoáng để các đơn vị, cá nhân thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả” ông Chương nói. 

Trong cuộc họp do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức gần đây, nhiều nhạc sỹ bức xúc, còn Giám đốc Phó Đức Phương lo thả gà ra đuổi. Đại diện Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho rằng, VCPMC có trách nhiệm phát hiện các đơn vị không thực hiện tác quyền, kiến nghị với Sở, Cục.

Trước lo ngại các đơn vị kinh doanh biểu diễn dễ trốn đóng phí tác quyền, Cục cho rằng khúc mắc nằm ở mức thu thỏa thuận giữa tác giả, người đại diện và đơn vị sử dụng tác phẩm không thống nhất. Còn trong trường hợp không nộp tác quyền, đơn vị cấp phép có quyền từ chối cấp phép chương trình tiếp theo cho đơn vị tổ chức biểu diễn đó. Tuy nhiên thực tế có đơn vị vẫn lách luật bằng cách thành lập công ty mới hoặc cho thuê giấy phép.

Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp các quy định trong Nghị định 79, Nghị định 15 sửa đổi bổ sung và công bố trên website của Bộ để thông tin rộng đến địa phương. Thông tư 01 có hiệu lực từ 15/5/2016. 

MỚI - NÓNG