Thứ bậc và chữ lễ

TP - Trong một nền văn hóa cộng đồng có thứ bậc, ngôn ngữ cũng phản ảnh tôn ti trên dưới. Trên đối với dưới gia trưởng đàng hoàng. Dưới đối với trên nhún nhường lễ độ.

Một nhóm sinh viên vây quanh vị giáo sư, và một em nói: Chúng em rất muốn biết thiển ý của thầy trong việc này.

Sao sinh viên lại ăn nói như thế với giáo sư. Chắc là nói thầy cho biết ý kiến thì bình thường quá, muốn ăn nói cho ra vẻ người có chữ, sinh viên bèn dùng chữ thiển ý. Nhưng muốn tỏ ra nhún nhường, người ta phải dùng chữ thiển ý cho chính mình mới hợp lẽ.

Thứ bậc và chữ lễ ảnh 1

Minh họa: Kim Duẩn

Rồi ông cơ quan A nói với ông cơ quan B: Chúng tôi đã đặt yêu cầu và đang chờ phúc đáp của cơ quan ông. Hai người ngang cấp ngang vai, hai cơ quan cũng bình đẳng, nhưng bên bạn phải phúc đáp cho bên ta. Cứ như là ta đang có lợi thế, đang ở tư thế cao hơn, cơ quan bên kia phải có phúc có phận mới được đáp lại, mới được phản hồi.

Rồi những từ như hầu chuyện. Ngồi chuyện trò nhiều khi cũng là một cách ngồi hầu. Hầu chuyện. Cháu hầu chuyện ông chứ hiếm khi lại nói ông hầu chuyện cháu. Đừng có vô ý mà viết rằng hôm qua sếp đã hầu chuyện nhân viên, trừ một văn cảnh hài hước giễu cợt.

Thời đi sơ tán tránh bom Mỹ, có lần lũ trẻ chúng tôi được một mẻ cười vỡ bụng. Hai anh sinh viên nông nghiệp đi thực tập, vào nhà bác chủ nhà của tôi. Một anh lễ phép hỏi cụ bà bảy mươi tuổi: Cụ năm nay lên mấy?

Cụ năm nay lên mấy, hoặc cụ năm nay mấy tuổi, đều có thể gây cười. Người ta thường hỏi thế với trẻ con chứ không hỏi người già đã có một đống tuổi trên người. Mà không chỉ là chuyện cười của một thời xa xôi, bây giờ vẫn có người nói và viết vô ý như vậy.

Nhân chuyện này cần nói chính người già nhiều khi cũng không muốn nghe từ người già. Chuyện trò trực diện, chưa biết đối tượng tính tình thế nào, ta dùng từ người cao tuổi, người có tuổi. Dân Anh - Mỹ cũng vậy, tôi không hỏi bà già đi với anh là ai đấy mà hỏi Who’s that aged lady? Bà có tuổi đi với anh là ai đấy? Không phải old lady mà là aged lady.

Ngôn ngữ Anh - Mỹ, he she it đều ổn. Anh ta, chị ta, nó.

Ông ấy, bà ấy, nó. Người ta dùng từ it, chỉ việc tự động dịch ra là nó. Nó. Nó. Nó.

, như trong câu này: Cô nhìn chằm chằm vào khuôn mặt mẹ… cứ như lần đầu tiên được nhìn thấy nó (Hãy chăm sóc mẹ, Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch, tr. 33).

Chữ đã làm hỏng ngay không khí yêu mến kính trọng mà tác giả đang tạo dựng. Vậy chứ viết thế nào? Có thể dịch giả sẽ chất vấn. Mong là người dịch thừa khả năng nghĩ ra phương án sửa chữa, tiếng Việt đủ từ vựng để gỡ bí cho trường hợp này.

Cũng thế, gia phong Việt, ngôn ngữ Việt không dung chuyện gọi người trên là ông ấy, bà ấy, đặc biệt là gọi ông bà cha mẹ. Cũng không gọi ông bà cha mẹ là họ, họ thế này họ thế kia. Người ta sẽ thấy chối khi gặp những câu như thế này: Mẹ cháu đã bán phòng thu nhạc. Bà ấy chỉ giữ lại có một món nhạc cụ (Kẻ trộm sách, Cao Xuân Việt Khương dịch, tr. 233).

Nhưng phim ảnh truyền hình bây giờ dịch từ tiếng nước ngoài, hầu như đều gọi cha mẹ là ông ấy, bà ấy, là họ. Sách báo dịch vội bây giờ cũng gọi cha, mẹ là ông ấy, bà ấy, là họ. Không dịch vội thì các dịch giả cũng đã quen tay quen mắt quen tai, thẳng thừng ra thì he/sheông ấy/bà ấy. Ngôn ngữ nói với nhau hàng ngày thì gọi là ông ý, bà ý.

Chị bạn đồng nghiệp có con trai mới lấy vợ, được dăm bữa nửa tháng chị kể, có hôm nghe con dâu nói chuyện với bạn bè đến chơi nhà. Nhắc đến mẹ chồng, cô con dâu nói với bạn là bà ý thế này, bà ý thế nọ. Chị bình luận: Tôi đang là người Á bỗng hóa thành người Âu, tôi đang là người Việt tự dưng biến thành người Ý. Cô ấy gọi tôi là bà ý, bà ý.

MỚI - NÓNG