Thư nước Mỹ: Cách một nụ hôn

Tàu Queen Mary lịch sử (lớn hơn tàu Titanic) nay thành khách sạn - điểm du lịch nổi tiếng của thành phố cảng Long Beach
Tàu Queen Mary lịch sử (lớn hơn tàu Titanic) nay thành khách sạn - điểm du lịch nổi tiếng của thành phố cảng Long Beach
TP - “Bão tố đang rung chuyển đời anh. Nếu không tìm ra chốn nương thân, anh sẽ bốc hơi mất thôi. Trẻ con và chiến tranh chỉ cách nhau có một phát súng. Hay cách nhau một nụ hôn em ơi” (lời bài hát Gimme Shelter – Hãy cho tôi một chốn nương thân của ban Rolling Stones).

Hello Vi Khanh,

Mọi người ở nhà vẫn ổn cả chứ?

Nam Cali bây giờ, ngày nào và ở bất cứ đâu cũng đầy ắp sự kiện, chỉ một chuyện về con virus. Mở mắt bật TV đã nghe Mig Jagger trẻ mãi không già thổn thức xin lỗi rằng Rolling Stones phải hoãn chuyến lưu diễn 15 thành phố Bắc Mỹ bắt đầu từ 8/5 tới ở San Diego “vì an toàn cho tất cả”. Bản Hard Rock nổi tiếng thời chiến tranh Việt Nam diễn tả đúng tâm trạng u ám của chúng ta hôm nay.

Như để trấn an, nhạc vừa dứt thì thống đốc bang Gavin Newsom xuất hiện: “Hãy cùng nhau đánh tan bão tố!”. Đánh tan ra sao chưa rõ, nhưng Cali đông đúc của tôi cả tuần nay vắng lặng hẳn. Mọi nẻo đường đều có bảng điện: “Bớt là thêm, xin đừng tụ tập”. Giải đua xe hơi Grand Prix tổ chức ở thành phố Long Beach tháng Tư hàng năm, đường đua chạy qua cửa nhà tôi nay nghe chừng hoãn vô thời hạn dù các khán đài đồ sộ ven biển đã dựng xong. Sáng nay nhìn người ta dỡ công trình bao công lắp đặt ba tháng nay, lòng nao nao tiếc nuối.

“Chỉ cách nhau một phát súng hay một nụ hôn” diễn tả nguy cơ trong đường tơ kẽ tóc. Bài hát buồn mà điệp khúc ấy thật rộn ràng. Vâng, nếu cố tình hiểu theo nghĩa đen thì một nụ hôn trong những ngày này quả là xa xỉ! Không bắt tay, tiếp xúc gần, ở đâu ngồi yên đấy, nào dám mơ đến một nụ hôn?

“AMERI - CAN” (NGƯỜI MỸ CÓ THỂ) - THUẬT NGỮ MỚI

Trời đột ngột trở rét, 7 giờ sáng mặt trời chưa chịu mọc. Các hãng tin đồng loạt đưa về số người chết và nhiễm tăng mạnh trên toàn nước Mỹ. Học sinh học online, nhà hàng khắp Cali chỉ được giao đồ to-go còn quán bar và café đóng cửa. Thị trường chứng khoán phố Wall, New York đóng sàn giao dịch thực sau khi có hai người nhiễm virus, giờ chỉ tiếp tục giao dịch online. Các siêu thị đồng loạt ra hàng nhỏ giọt. Các kệ giấy toilet và giấy lau mặt trống trơn, trơ trọi một bảng hiệu nho nhỏ: “Xin lỗi về sự bất tiện, chúng tôi sẽ cố gắng thêm hàng sớm nhất”. Chỉ một tuần sau khi Tổng thống tuyên bố tình trạng nguy cấp, không khí trở nên quá ngột ngạt.

Bất an là từ chính xác nhất để diễn tả tâm trạng của tất cả, không loại trừ Tổng thống, nội các và lưỡng viện, những người dường như có nhiều thông tin và năng lực kiểm soát. Chẳng ai biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra, thời gian chống dịch dự đoán từ vài tuần đến vài tháng “cho đến tháng Tám”, nay có thể kéo 18 tháng.

Mới vài tuần trước hai đảng còn đối chọi trong mọi vấn đề lớn nhỏ, thì nay dường như khoan hòa hơn, vì đang cùng chung chiến tuyến chống kẻ thù vô hình. Gói 850 tỷ đô cứu trợ đợt đầu nhanh chóng được Tổng thống ký chiều nay, sau khi Thượng viện thông qua có vài giờ. Chủ đề đối kháng muôn thuở - chính phủ nên nhỏ hay to đến mức nào- nay tạm gác.

Các biện pháp gia hạn khai thuế thu nhập cá nhân; tạm dừng trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và khách thuê thiếu tiền nhà; cho nghỉ bệnh có lương; hay thậm chí không dán vé phạt đậu xe ...vv… lần lượt được cơ quan chính phủ liên bang và tiểu bang thực thi. Mỗi người khai thuế và con cái được 1.000 -1.200 đô la chống dịch. Nghe tin này người hoan hỉ kẻ thở than “chả thấm vào đâu”. Bạn tôi bảo có được tiền này cũng sẽ nhường cho những người khó khăn hơn.

Tranh luận nổ ra đây đó nhưng không quá căng thẳng, như về việc vì sao các ông các bà dự trữ dầu mỏ và súng ống thừa mứa mà lại thiếu khẩu trang và bông băng. Những cuộc tranh biện nảy lửa về bức tường biên giới với Mexico nay nguội ngắt. Toàn bang California được lệnh phong tỏa, 40 triệu dân ngồi nhà.

Ngột ngạt là thế nhưng khối chuyện cười ra nước mắt. Một nhân viên y tế cộng đồng ở hạt Santa Clara miền Bắc Cali vừa đọc quy trình vệ sinh nhắc người ta tránh đưa tay lên mặt vừa dùng ngón tay nhấp nước bọt lật trang. Một cầu thủ đội bóng rổ nhà nghề Utah Jazz cười giễu con virus chết người, cắn ngón tay rồi bôi giỡn khắp nơi lên điện thoại và đồ dùng người khác; sau đó anh đi xét nghiệm nhận kết quả dương tính, và phải lên xin lỗi công khai về hành vi bất cẩn. Có vẻ hơi muộn, vì một cậu bé đã nhiễm virus sau khi xin chữ ký của anh.

Anh bạn Mỹ không hảo văn chương nhờ đại dịch bỗng tức cảnh sinh tình: “Ôi giọt nước bọt kia đã biến thành đại dương buồn giữa hai ta”. Song hình như tình cảnh người với người tuy xa nhau là thế mà có vẻ gần nhau hơn. Lâu lắm rồi cả loài người mới có dịp cùng chung cảnh ngộ, như thể trong thế chiến. Cả bạn cả tôi không cần hỏi thăm cũng biết ai nấy đều đang cùng một mối quan tâm, mong bảo vệ mình và người khác, tùy theo chính sách từng vùng từng quốc gia. Lắng nghe và cảm thông, trước khi vội phán xét, chê trách hay biện minh. Chuyện sống chết không phải thường, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người tưởng nên tuân thủ luật pháp và tránh trở thành gánh nặng cho cộng đồng.

Biên tập viên CNN Chris Cuomo dùng thuật ngữ mới “Ameri-can”(người Mỹ có thể làm được) làm biểu tượng thời sự cho chương trình phỏng vấn trực diện của anh. Khách mời có cả các nhân viên y tế đang thiếu nhiều dụng cụ bảo hộ, các tình nguyện viên tiêm thử vaccine nhân hậu và can đảm. Sau bất an là hy vọng, ai nấy đều tìm cách dự đoán “bao giờ hết dịch?”. Và hành động trong khả năng của mình.

Không biết ở Việt Nam thế nào, chứ ở đây mọi người rất có ý thức thực thi các quy định, “bảo gì nghe nấy”. Ngoài ra nhiều email tin nhắn được gửi ra từ các ngân hàng, công ty điện lực, hãng bảo hiểm, tiệm bán xe hơi bày tỏ sự quan tâm sẵn sàng giúp đỡ; chưa biết giúp đỡ được gì nhưng cũng kéo mọi người gần nhau hơn.

Ngồi ở nhà nên các chuyện tôi biết đều nhờ truyền thông, truyền thông hiện giờ dường như có nhiều giá trị tích cực hơn. Xen giữa dòng tin tức căng thẳng là những câu chuyện xúc động về một bà lão Ý nhón chân qua cửa sổ thưởng thức bản Happy Birthday cả phố dành tặng cho mình. Nhiều thực khách trả những khoản tip vài ngàn đô cho nhân viên tiệm ăn trước giờ đóng cửa. Danh sách các cửa hàng dành riêng giờ mua sắm cho người ngoài 60 tuổi ngày một dài thêm. Hai công ty bất động sản ở Arkansas và Oregon đã báo các khách thuê là chủ tiệm ăn không phải trả tiền mặt bằng tháng Tư và để dành tiền đó trả nhân viên, “rồi chúng ta sẽ cùng vượt qua khó khăn”.

MƠ NHỮNG MÙA HOA

Chắc bạn cũng như tôi, không quá lo sợ. Sinh lão bệnh tử lẽ thường; chỉ những gì bất thường, bất ngờ, bất nhẫn mới khiến ta đau đớn. Kể cả những thiệt hại vật chất. Mới hai tuần trước tôi còn đang khấp khởi chờ lên đường. Hành trình Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Bungari đẹp như mơ. Vé, visa, cả chứng chỉ xuất nhập cảnh ưu tiên Global Entry đã sẵn sàng, chờ đón lễ Phục sinh ở Sofia. Thế rồi phải hủy toàn bộ chuyến đi; phần lấy lại tiền phần lấy thẻ đi sau, phần chấp nhận mất luôn. Hình như đại dịch khiến mình tốt hơn thì phải. Còn biết nghĩ nếu ai cũng như mình lấy lại hết tiền thì các hãng du lịch và hàng không sẽ phá sản mất. Bạn bè tôi- người có thể mất một số chi phí trong chuyến đi xem các trận Euro Cup, người hẫng hụt vì các phòng tập thể dục đóng cửa mà tiền phí vẫn trả, các giải nhà nghề hay đại học Mỹ - bóng rổ, bóng đá, bóng chày, bóng bầu dục - đều đã hủy. Mất mát này đâu phải riêng ai.

Chị bạn tôi bảo có thể chị sẽ mất nhiều thu nhập Airbnb, nhưng “dù sao mình vẫn may mắn hơn những người không đủ ăn đủ mặc và không có một nơi trú ẩn”. Bài hát “Gimme Shelte” không hề cũ, Cali vẫn rất nhiều người vô gia cư. Chị thuộc thế hệ Baby Boomers, ngoài 60, được khuyến cáo nên tự cách ly ở nhà; song vẫn muốn tới hội Chữ Thập Đỏ hiến máu. Quỹ máu hiện giờ hao hụt nghiêm trọng. Tuổi thọ người Mỹ ngày càng cao, U70 như chị nom rất trẻ; nên nhiều người lơ là không tự phòng vệ vì cứ ngỡ mình còn trẻ lắm. Tôi “trẻ” hơn chút chưa phải ngồi nhà suốt ngày, sẽ đi hiến máu. Thế hệ những người sinh ra từ đầu thập kỷ 1960 tới cuối thập kỷ 1970 như chúng mình ở Mỹ được gọi là Generation X - chữ X nhiều tiềm ẩn. Một thế hệ có nhiều ước vọng khó lý giải (desire not to be defined).

Thư nước Mỹ: Cách một nụ hôn ảnh 1 Selfie mùa dịch (tác giả tại sân bay)

Tôi trộm nghĩ chữ X kia còn có nghĩa là nụ hôn. Chúng ta quả cảm, lãng mạn và bao dung phải không?

Những ngày này chịu cảnh thiếu gạo thịt giấy nước tạm thời, bỗng nhớ thời bao cấp gian khó mà nên thơ, cái thời nhào nặn nên phẩm chất kiên nhẫn bền bỉ chịu thương chịu khó. Thật là dịp tốt để sống chậm và tìm lại giá trị bản thân, dành thời gian chia sẻ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.

Đã quá nửa đêm, sáng ra là một ngày mới, ngày đầu tiên của mùa xuân nước Mỹ. Năm nay mưa nhiều và trời hơi lạnh hơn mọi năm. Xuân đến muộn nhưng hứa hẹn một mùa hoa đẹp.

Giữ sức khỏe và an toàn bạn nhé!         

MỚI - NÓNG