Thương lấy Mã Pì Lèng

Panorama như gai bê tông giữa danh thắng. Ảnh: PV
Panorama như gai bê tông giữa danh thắng. Ảnh: PV
TP - Ngày sương mù, nửa con đèo đong đầy mây bông trắng như biển cả lấp hết tầm nhìn. Nếu đi vào chiều muộn thì có lần được thưởng ngoạn nắng dát vàng lên thành núi, tạo những đường ven óng ả, đẹp ngất ngây...

1/Đèo Mã Pì Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo phía Bắc, nổi tiếng về sự hiểm trở mà thơ mộng bởi dưới thung sâu, dòng Nho Quế uốn lượn như một dải lụa xanh biếc chao trong gió ngàn…

Tôi qua con đèo này mấy chục lần không nhớ nữa. Mấy năm nay hầu như năm nào cũng lên một hai lần. Đó là những lần đi vì công việc. Con đèo dài 14 km nối Đồng Văn với Mèo Vạc hoang sơ, bao nhiêu năm qua đèo ngày mưa lo núi lở cây gẫy đá lăn, vào ngày nắng nhìn sâu dưới thung thấy từng ghềnh đá bên bờ núi gập ghềnh choáng váng. Ngày sương mù, nửa con đèo đong đầy mây bông trắng như biển cả lấp hết tầm nhìn. Nếu đi vào chiều muộn thì có lần được thưởng ngoạn nắng dát vàng lên thành núi, tạo những đường ven óng ả, đẹp ngất ngây.

Những ngày ấy, chân bước trên đèo còn nghe tiếng gió xuyên qua kẽ núi, len trong chùm lá pơ-mu vi vút mà xa vắng. Chỉ khi ấy bạn mới thấy cái thi vị, tiếng vọng của rừng đại ngàn nó huyền bí và quyến rũ như thế nào. Cho nên mỗi lần qua đèo, chúng tôi thường gắng cuốc bộ để thưởng ngoạn không gian thần thánh ấy. Con đèo mấy chục năm trước hoang vắng lạ lùng, đi qua chậm rãi nên chúng tôi thuộc từng căn nhà Mông bám bên vách đá ven đường. Vài căn thôi, nhỏ nhoi như tổ chim cu, có tường rào đá xếp mỏng manh như miếng bánh đa, lẫn vào vườn đá xanh tím. Khi ấy, người yếu bóng vía qua đèo còn có cảm giác rờn rợn về sự hoang vu…

Đèo chỉ bắt đầu râm ran tiếng xe cộ từ sau ngày Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào cuối năm 2010. Con đèo thành di sản danh thắng quốc gia vào cuối năm 2009, nằm gọn trong công viên. Từ đấy con đèo dần dần đổi thay.

Chín năm qua, Đồng Văn Mèo Vạc, nơi có con đèo danh tiếng này, mỗi năm khách đến một đông. Khách trong nước, rồi khách nước ngoài. Có một chút thay đổi ở điểm xây bia kỷ niệm và nhà trú chân cho khách qua đèo chỗ giáp vực sông Nho Quế. Gia cố thêm cầu thang xoáy bằng kim loại cho mỗi người tiếp cận phần mép vực sông. Bên mặt đường xuất hiện dịch vụ khoai nướng, ngô nướng, trứng nướng, cây thuốc, mật ong, giá cả mặn chát. Thế là tự nhiên hình thành cái chợ nhỏ khá nhốn nháo. Ngôi nhà cho khách trú nắng mưa được nêm vào các quầy hàng với các loại đặc sản địa phương.

2/ Tôi biết việc xây dựng tổ hợp cà phê - nhà hàng - nhà nghỉ Panorama từ khi nó khởi công khoảng đầu năm 2018. Hôm đi qua thấy tập kết vật liệu và đào bới, tôi hỏi người trông nom thi công, ông ấy bảo: Chủ trương của tỉnh xã hội hóa khai thác du lịch, tư nhân đầu tư. Biển báo xây dựng ghi rõ: Điểm quan sát toàn cảnh Mã Pì Lèng. Cũng không ngờ rồi nó bề thế vậy. Xây trùm lên cả cột mốc đánh dấu điểm nhìn toàn con đèo.

Tháng 4/2019 đi qua thì thấy nó đã to vật. Tôi vẫn tưởng chỉ là cái thềm xi măng thấp hơn mặt đường để người đứng quan sát cho an toàn. Nào ngờ thành tòa nhà  đến 7 tầng có điện kéo về. Rõ ràng chỉ một chủ quán cà phê sao làm nổi nếu không được bật đèn xanh. Không có điện thì đó chỉ là bóng ma!

Công trình giữa thanh thiên bạch nhật kéo dài hàng năm giữa đường giữa chợ mà giờ nhiều vị cứ ngơ ngơ tỏ ra không biết. Thế quản lý địa bàn các vị quản lý gì? Cho nên việc dỡ công trình sai phép này cần phải kèm theo việc dỡ luôn những ai đã giúp nó, cho sạch địa bàn?

3/ Có một điểm chưa ai nói đến. Đó là là cụm tượng đài bằng đá cao hàng chục mét, nằm kế bên đường khoảng giữa đèo. Thềm núi được san khoảng hai trăm mét làm quảng trường mi-ni cho tượng. Chỗ này khuất nẻo, không nằm vào chỗ ngắm sông ngó núi, nên ít người để ý. Tượng đài được thi công mấy năm trước để năm 2019 kỷ niệm 60 năm ngày Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ phát lệnh mở đường. Cũng là để vinh danh mấy chục dân công miền xuôi bị tai nạn ngã xuống khi mở con đường qua Mã Pì Lèng.

Tượng đài giờ lọt thỏm dưới các tầng núi đá bên đèo. Công trình do tỉnh làm nhưng quá thiếu tính toán, đã không hợp lý lại phá nát khung cảnh của một đoạn đèo.

Đáng ra không cần tượng đài. Để giữ cho con đèo lành lặn, chỉ cần hai đầu Đồng Văn và Mèo Vạc đặt hai đài tưởng niệm bằng đá núi. Mỗi đầu chọn lấy một tảng đá lớn đặt lên bục, rồi bạt mặt đi, khắc chữ giới thiệu lịch sử con đèo và khắc tên mấy chục người hy sinh cho công cuộc mở đường, để du khách trước khi bước chân lên đèo được đọc được hiểu về con đèo… Làm như thế vừa rẻ, vừa hiệu quả.

Đến nay thì đó là hai điểm trên đèo bị xâm hại đáng kể. Mong rằng đừng thêm  nữa.

4/ Người Việt ta có cái tâm lý thích “tiện”. Vâng, tiện thể, tiện chân, tiện lợi cho chính mình mà quên đi cái lớn lao hơn. Vì tiện mà người ta muốn phục vụ tại chỗ, nghỉ ở đỉnh đèo cơm bưng nước rót, không cần leo, ngả ngốn trước lan can bê tông mép núi mà seo-phi, vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm cảnh, chỉ cần xả tiền ra! Ôi, chữ “tiện” chết tiệt nó làm cho thói ích kỷ trong mỗi con người trỗi lên, và người kinh doanh đọc vị được ngay thói quen đó để kiếm tiền. Thế là nơi thì cáp treo tàn phá không gian, còn đây nhà nghỉ, quán ăn đóng đinh ngay lên mặt di sản, ăn đâu chơi đâu bày đấy. Giáo dục để từ bỏ thói xấu đó với một lớp người đương đại là quá khó vì đã quen thói sống buông tuồng. Việc đó nó nâng giấc cho những sai phạm, giẫm lên luật pháp, rồi khi phạm lỗi thì sẵn sàng dùng vật chất để hàn gắn, sửa sai, xin được phạt cho tồn tại.

Còn nhớ căn nhà đồ sộ của trùm ma túy Tàng Keng Nam ở Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã phải chi 400 triệu đồng để đập đi vì lý do: không để cho di vật của ma túy tồn tại, không ai còn nhìn thấy dấu vết của ma túy để nó trỗi dậy.

Chúng ta hãy thương lấy con đèo, hãy đừng xâm hại thêm nữa. Hãy bảo vệ danh thắng của đất nước, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm. Mọi việc đã rồi hãy cương quyết khắc phục để giữ lấy vẻ đẹp của con đèo!

5/ Về việc giữ hay dỡ Panorama Mã Pì Lèng, dư luận hóa ra khá phức tạp. Người bảo nên để, lý luận là dỡ bỏ thì lãng phí. Người thì khen cái sự tiện lợi, như đã nói ở trên - vừa ngắm vừa cà phê, seo - phi chụp ảnh sướng ơi là sướng. Có vị còn lý luận: đèo dài thế mà không quán hàng, không nơi nghỉ ngơi thì khách du lịch xoay xở thế nào!

Có ý kiến đề xuất là cứ để đấy xong cho sơn màu lẫn với đá, kiểu kì nhông biến hình. Có kiến trúc sư hiến kế sửa cho nhỏ đi lẫn với không gian đèo. Và hôm nay, lúc tôi viết bài này thì Panorama đã nhanh nhảu được sơn sang màu xanh xỉn cho đỡ trơ tráo. Lại có người hiến kế trồng cây che bớt đi.

Thực ra chỗ đó trước trống không, chỉ nhô ra mỏm đá lớn. Đất là đất trồng ngô, xung quanh chẳng có cây to. Chỗ đất ấy, theo tôi, chỉ có thể làm một thềm thấp hơn mặt đường và một cái bờ rào an toàn, để ai đi qua đều có thể dừng chân ngắm toàn cảnh đẹp nhất của con đèo. Không hơn. Hãy thương lấy Mã Pì Lèng!     

Chúng ta hãy thương lấy con đèo, hãy đừng xâm hại thêm nữa. Hãy bảo vệ danh thắng của đất nước, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm. Mọi việc đã rồi hãy cương quyết khắc phục để giữ lấy vẻ đẹp của con đèo!

Thương lấy Mã Pì Lèng ảnh 1 Công trình xây dựng tượng đài ở khoảng giữa đèo Mã Pì Lèng. Ảnh: Ðỗ Ðức
Thương lấy Mã Pì Lèng ảnh 2 Biển chỉ dẫn quan sát danh thắng Mã Pì Lèng (thời điểm Panorama mới khởi công). Ảnh: Ðỗ Ðức
MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.