Tiếc cho hội Gióng Phù Đổng

Hàng quán la liệt choán không gian đền Phù Đổng trong hội Gióng. Ảnh: Nguyên Khánh.
Hàng quán la liệt choán không gian đền Phù Đổng trong hội Gióng. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại từ năm 2010, tuy nhiên đến nay hội Gióng đền Phù Đổng cũng như di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng vẫn nhốn nháo, nhếch nhác và gần như chưa phát huy giá trị xứng tầm.

Hàng quán bủa vây

Hội Gióng Phù Đổng 2017 kéo dài ba ngày với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc từ 7-9 tháng 4 âm lịch, đặc biệt là ngày cuối với hội trận từng được GS. Nguyễn Văn Huyên nhắc tới như “trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam”.

Nhắc tới hội Gióng người ta nhớ tới câu ca dao “Ai ơi mồng chín tháng tư/Không đi hội Gióng thì hư cả đời”. Nhà khảo cổ  học người Pháp DuMoutier năm 1893 nhận xét “hội Gióng là một trong những cảnh tượng hấp dẫn mà chúng tôi được xem ở Bắc Kỳ”. Tuy nhiên du khách trẩy hội năm nay thấy chạnh lòng bởi cảnh tượng đáng buồn.

Ô nhiễm âm thanh là điều quá quen ở hội hè Việt Nam, hội Gióng Phù Đổng không ngoại lệ. Khu vực đền Phù Đổng không quá rộng nhưng hứng chịu hàng chục loại âm thanh khác nhau, kể cả các quầy hàng thu hút khách bằng loa đài tăng âm hết cỡ để rao “đồ chơi chỉ 39 nghìn”, hoặc màn quảng cáo mài dao của mấy xe đẩy.

Khách đi từ phía cổng UBND xã Phù Đổng lại cổng đền sẽ tha hồ nghe nhạc bolero của một nhóm người dựng lán phía trên bờ đê. Trên ao trước cổng đền là hai chiếc thuyền của nhóm quan họ chạy qua lại sát mép bờ giao đãi và hát quan họ, không quên món ngả nón xin tiền. Rồi tiếng loa của BTC từ trong đền vọng ra.

Dọc hai bên đường dẫn tới khu di tích đền Phù Đổng là la liệt các hàng ăn, đồ chơi rẻ tiền, mũ nón, lịch vạn niên dựng lên tạm bợ hoặc đơn giản bày trên chiếc bạt. Triền dốc đê cũng là chỗ để các hàng đồ chơi, xúc xích, bánh mỳ hay trò chơi ném phi tiêu trúng thưởng. Lối đi chính dẫn từ đê xuống cổng chính đền Phù Đổng kín mít hai dãy bạt.

Đồ chơi trẻ em rẻ tiền treo lơ lửng từ đầu chí cuối. Hai bên cổng chính ngôi đền có kiến trúc đẹp cũng không có chỗ hở. Cơ man hàng mã, đồ lưu niệm Trung Quốc và thậm chí vài chiếc xe lưu động còn tạm chiếm không gian sát cổng bên phải để ra rả quảng cáo đá mài dao, có xe hàng còn bày thêm lược nhựa.

Điều ngạc nhiên là ngay trong sân đền Phù Đổng, bước vào cổng bên tay phải là chục hàng xem bói, xem tay, xem tướng. Có hàng bày cả sớ nếu khách có nhu cầu, nhiều hàng ngang nhiên cắm biển quảng cáo xem tay, xem tướng trên chiếc bàn nhựa nhỏ.

Hỏi ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng về tình trạng lộn xộn này, ông cho hay năm nay đã dẹp bớt các hàng quán, khu trò chơi sang phía sân vận động. Về các hàng xem bói ông nói giao cho lực lượng an ninh kiểm tra giám sát. Tuy nhiên lực lượng này chỉ ngồi cách mấy quầy xem bói vài bước chân nhưng dường như họ cũng nể nang, bởi hội Gióng Phù Đổng xét đến cùng vẫn là hội làng từ cách tổ chức cho tới người tham gia.

Áo gấm đi đêm

Khu di tích đền Phù Đổng được công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2013. Di sản Hội Gióng được ghi danh từ năm 2010 gắn với khu di tích này cũng không đủ sức hút du khách. Ông Trần Xuân Tĩnh cho biết mỗi năm khu đền Phù Đổng đón khoảng 40 nghìn người, riêng dịp hội có 20 nghìn người. Chúng tôi đến đền Phù Đổng vào ngày thường gần như lẻ tẻ mới có người dân tới lễ. Ngoài dịp hội, đền chỉ đông người vào sau Tết và các ngày tuần rằm cho người dân tới lễ.

“Di tích Phù Đổng chưa được quảng bá mạnh nên khách đến không nhiều. Khu vực này cũng bị hạn chế ở bãi đỗ xe, thiếu vắng dịch vụ. Tới đây huyện Gia Lâm có dự án mở rộng đường từ cao tốc vào đền với chiều rộng hơn 6m kèm hai con đường hai bên đền. Chúng tôi cũng dự kiến di dời chợ đối diện đền Gióng để quy hoạch thành điểm khởi đầu cho tua du lịch đền Phù Đổng”, ông Tĩnh nói. Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng cũng nói: “Chúng tôi rất tủi thân bởi lên lễ đền Gióng ở Sóc Sơn thấy BQL cả biên chế lẫn hợp đồng có 40 người từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã đều kiêm nhiệm việc BQL. Chúng tôi hai lần làm tờ trình xin thành lập trung tâm quản lý nhưng đều chưa được hồi âm”.

Ông Thanh phân tích: chính việc thiếu vắng BQL chuyên nghiệp và có chuyên môn nên ở đền Phù Đổng xảy ra sai phạm tu bổ và cung tiến hiện vật. Trước đó là vụ các cụ trong ban quản lý tự ý nhận đồ cung tiến gồm ngựa sắt, áo giáp sắt và roi sắt đưa vào di tích. Gần đây nhất, cũng lại các cụ trong BQL tự ý nhờ thợ sơn thếp hai mảng chạm thế kỷ 17 ở đền Phù Đổng. Ông Thanh cho rằng, di tích tầm cỡ này nhưng không có một cán bộ chuyên môn quản lý thì rất dễ xảy ra phát sinh đáng tiếc như vụ tu bổ vừa rồi. “Hiện chúng tôi vẫn chờ xin ý kiến của các nhà khoa học để tìm cách khắc phục”, ông Thanh nói. Theo lãnh đạo xã Phù Đổng, chất liệu gỗ của hai mảng chạm bị mủn rất nhiều.

MỚI - NÓNG