Tiền lẻ nơi cửa chùa

Liệu năm nay có tái diễn cảnh này. Ảnh: Internet.
Liệu năm nay có tái diễn cảnh này. Ảnh: Internet.
TP - Mùa lễ hội sắp đến, chuyện tiền lẻ lót tay tượng, cài đế đèn lại được nhắc tới. Năm ngoái, Bộ VH - TT&DL phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấn chỉnh nạn đổi tiền lẻ ăn lãi chênh tại các khu di tích và lễ hội. Nạn giảm thì có nhưng hết thì khó bởi chính tâm lý người dân.

Lễ mỏng lòng thành

Tới lễ tại tổ đình Phúc Khánh, Hà Nội (di tích lịch sử - văn hóa quốc gia) dễ dàng thấy cảnh một ai đó cầm sấp tiền lẻ len sát ban thờ. Tổ đình có hơn chục ban trong nhà, vào ngày rằm mùng một, luôn rất đông người xen vai lễ bái cầu an. Nên chuyện bỏ tiền hòm công đức, đặt trực tiếp lên đĩa hoặc gài tạm đâu đó vào tại từng vị trí, mất khá nhiều công.

Sang chùa Bộc gần đó cũng gặp cảnh tương tự. “Hồi trước tràn lan lắm, chỗ nào họ cũng giắt tiền. Nhà chùa phải đặt hòm công đức tại mỗi ban thờ” - bà Thủy, phật tử, giải thích - “Giờ hơn trước nhiều rồi. Người ta vẫn cầm tiền lẻ đi, nhưng thường bỏ vào hòm. Chỉ ai không biết mới đặt lên khay”.

Chạy lên chùa Quán Sứ thấy có vẻ đỡ hơn, hoặc giả gặp lúc vắng hơn. Phật tử Nguyễn Thị Lê khẳng định: “Cánh phật tử chúng tôi được thầy giáo hóa rồi. Tới lượt bọn tôi cũng truyền đạt lại với những người đi lễ. Dĩ nhiên chỉ nói cho người ta hiểu chứ đâu ép được. Có người hiểu, cũng có người không. Nhưng theo tôi, những người cứ mang tiền lẻ giắt chỗ này chỗ nọ, không lạc hậu cũng là đồng bóng”.

Bà Lê hay tổ chức đoàn lễ, đi khắp đền chùa quanh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tới đâu hễ thấy tiền bị đặt bừa bãi, bà lại dọn cho vào hòm công đức. “Tiền để trên ban, rơi rụng là phải tội. Để kẻ gian lấy được cũng phải tội”, bà Lê nói.

Trước đây có quan niệm tiền lẻ lễ mỏng lòng thành, quan trọng là đi đủ đặt đủ để thánh thần thấy mình đã tới. Cho nên trong nhiều buổi lễ tại tổ đình Phúc Khánh, thầy Thanh Quyết trụ trì cũng nói chỉ cần thành tâm đặt chân đến cửa chùa thì thần Phật linh thiêng đều biết cả rồi. 

Dù biết thế song lắm người vẫn lối cũ mà làm. Phần do đã thành nếp. Phần cho rằng lễ nghĩa cứ phải đủ, thừa còn hơn thiếu. Đừng nghĩ chỉ ông già bà cả, nam thanh nữ tú thời đại “cẩn thận” như thế cũng chẳng ít.

Câu chuyện đổi tiền

Thời gian trước, mỗi dịp Tết về, những người hay đi lễ lại tìm mối quen trong ngân hàng để đổi tiền lẻ. Vài triệu đến vài chục triệu, tiền nhận về từng cọc một hai nghìn cả năm trăm đồng tiền đỏ mới coóng.

“Năm ngoái ít hẳn, nhờ người quen cũng khó lắm vì hình như bị cấm” - cô Thành nhà cạnh gò Đống Đa nói - “Năm trăm không thấy có nữa, một hai nghìn chủ yếu là tiền cũ. May tôi dành được một ít đi lễ. Đến những đình chùa có tiếng rất hay bị chèo kéo. Đoàn bọn tôi, ở nhà có bàn bạc trước phải tránh mấy cái đám đấy. Đổi vừa đắt, không khéo bị tiền giả, mang vào đặt lễ phải tội chết”.

Trong các chùa ở Hà Nội, mấy nơi như phủ Tây Hồ, chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông) hay chùa Hà (Cầu Giấy) vẫn là trung tâm đổi tiền dù cánh đầu nậu không còn ngang nhiên như trước.

“Chẳng cần mấy chỗ đấy, ở đây ngày rằm hoặc ngày lễ người ta mang đến đầy” - bác trông xe của một ngôi chùa bên sông cho biết. Thậm chí tại mấy hàng tạp hóa ngay lối vào, ngày thường đến hỏi đổi tiền cũng có. Mười nghìn chẵn “ăn” tám nghìn lẻ. Tiền phẳng phiu nhưng không mới.

“Chùa Quán Sứ không để hiện tượng như thế xảy ra. Bởi các thầy cũng “nhức đầu” về chuyện nhiều tiền lẻ quá, phải gom lại, phải ra ngân hàng đổi để lấy tiền chẵn về làm công đức. Nhà chùa cũng dành tiền mới năm nghìn, mười nghìn đổi ngang cho Phật tử để tránh kẻ xấu lợi dụng, thu lợi bất chính từ tín ngưỡng”, vẫn theo bà Lê.         

Như đã nói ở trên, sở dĩ câu chuyện đổi tiền vẫn tiếp diễn là do tâm lý nhiều người vẫn muốn tách bạch. “Không phải ai cũng có điều kiện một chỗ lại đặt vài chục nghìn. Vào chùa, chúng tôi đã mua công đức rồi. Nhưng đến từng chỗ khấn vái không thì cũng ngài ngại. Cứ có mấy đồng tiền lẻ là tốt nhất” - cô Thành nhớ lại - “Năm ngoái không nhớ lúc đi đền Đô hay đền Trần, tôi thấy có bà còn đổi tiền lẻ ngay trên khay. Bà ta nhặt tiền lễ người khác đặt ở đấy, đếm được bao nhiều thì bù tiền chẵn vào”.

Bộ VH-TT&DL mới ra Công văn 71 về việc tiếp tục quản lý, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ trong hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Một trong những biện pháp là tăng cường rà soát không để các hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch tồn tại trong khuôn viên di tích và lễ hội.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.