Tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi?

VCPMC khẳng định tiếp tục thu tiền tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn. Ảnh: Như Ý.
VCPMC khẳng định tiếp tục thu tiền tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn. Ảnh: Như Ý.
TP - Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo tiếp tục thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thông qua các kênh truyền hình được truyền dẫn tới tivi tại phòng lưu trú khách sạn từ tháng 10. Cục Bản quyền tác giả cũng lên tiếng xung quanh thông báo này.

Tiếp tục thu

Theo biên bản làm việc ngày 26/5 giữa Cục Bản quyền Tác giả - Bộ VHTT&DL và VCPMC, việc thu tiền tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn có tivi đã được tạm dừng cho đến khi Trung tâm xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức cũng như tiến hành đàm phán thỏa thuận với đơn vị sử dựng âm nhạc.

Ngày 18/8, VCPMC đã báo cáo với Cục Bản quyền Tác giả quanh các vấn đề trên và tuyên bố tiếp tục thu tiền tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn. Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC nói: “Cục Bản quyền nhất trí rằng Trung tâm chuẩn bị, giải thích rõ ràng rồi thì có thể cứ tiến hành (thu tác quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn) bình thường”. Trung tâm cũng khẳng định rõ chưa bao giờ có chuyện ngừng thu tác quyền âm nhạc tại các quán cà phê hay nhà hàng, siêu thị. Riêng lĩnh vực bệnh viện, bãi gửi xe… về lý thuyết VCPMC được quyền thu nhưng thực tế chưa tiến hành thu.

Để có sự đồng thuận này, VCPMC phải đưa ra được biểu mức nhuận bút tác phẩm làm cơ sở để thỏa thuận phí tác quyền trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, đúng pháp luật; thu tác quyền trên danh sách tác phẩm do đơn vị sử dụng kê khai và chỉ thu với những tác phẩm của các tác giả là thành viên hoặc thuộc phạm vi ủy quyền của VCPMC.

Với phòng nghỉ khách sạn, VCPMC đưa ra cách tính trọn gói 25.000 đồng/phòng/năm cho việc sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng với toàn bộ các tác phẩm âm nhạc Việt Nam và quốc tế thuộc thành viên VCPMC được phát trên tivi. Trung tâm khẳng định không có nghĩa là sẽ đi thỏa thuận với từng khách sạn về mức phí tác quyền. Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói: “Trong 1 nghìn người mà 990 đã thấy giá đấy là vừa phải, thì giá đó coi như được chấp nhận. Còn nếu anh cố tình không giả thì anh đừng dùng, chúng tôi có bắt anh dùng đâu. Còn anh không giả tiền mà cứ dùng thì tôi kiện ra tòa”.

Cục bản quyền lên tiếng

Trước thông tin VCPMC nói rằng Cục Bản quyền tác giả đồng ý cho tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi từ tháng 10, Cục trưởng Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng trao đổi với báo chí rằng “không có văn bản nào đồng ý hay không đồng ý”. Ông Hùng giải thích thêm, trong cuộc làm việc với VCPMC vào ngày 18/8, Cục khẳng định lại nội dung yêu cầu Trung tâm tạm dừng thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn cho tới khi làm rõ một số điểm thắc mắc trước đó.

“VCPMC chỉ có thể triển khai việc thu phí khi xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả, chủ sở hữu là hội viên VCPMC có hợp đồng ủy quyền; Trung tâm xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả, tác phẩm được khai thác, sử dụng sau đó tiến hành đàm phán với bên khai thác để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm âm nhạc theo quy định của pháp luật”, ông Hùng giải thích. Khi Cục Bản quyền tác giả yêu cầu Trung tâm tạm dừng thu phí, lãnh đạo Cục nhấn mạnh việc tạm dừng này chỉ chấm dứt khi VCPMC đảm bảo được nội dung nêu trên.

Trước thắc mắc về mức thu 25 nghìn đồng/tivi/năm dựa trên căn cứ nào, ông Bùi Nguyên Hùng nhấn mạnh đây là thoả thuận dân sự, chỉ khi hai bên khúc mắc, cần tới cơ quan quản lý nhà nước Cục mới vào cuộc. Trong trường hợp tiếp tục không thoả thuận được, hai bên kiện ra toà theo quy định pháp luật. Ông Hùng cho biết, thực tế một số nước thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn theo nhiều hình thức: Hàn Quốc thu 20.000 won/tháng đối với cơ sở dưới 50 phòng; trên 500 phòng là 350 nghìn won/tháng. Nhật Bản tính theo doanh thu tương đương 1% doanh thu hoặc 100 yên/tháng/tivi. Tây Ban Nha áp dụng theo hạng sao, Anh thu trọn gói. Tuy nhiên các mức này theo thoả thuận, mức phí thay đổi tuỳ theo thoả thuận trước hay sau sử dụng.

“Thu bao nhiêu tiền đều là thoả thuận dân sự, tuy nhiên việc xây dựng biểu giá phải phù hợp với thực tiễn đất nước, điều kiện kinh tế xã hội cho nên không thể áp dụng cứng nhắc kinh nghiệm nước ngoài vào Việt Nam. Hơn nữa, dù thu bao nhiêu nhưng đều phải tuân thủ nguyên tắc xác định rõ tác phẩm của tác giả có hợp đồng ủy quyền và được khai thác sử dụng, tần suất ra sao. Nếu không xác định được thì dẫu có thu được tiền nhưng không thể phân phối được”, ông Hùng nói.

Trước ý kiến cho rằng khó xác định được việc tần suất sử dụng, ông Hùng khẳng định hiện nay hoàn toàn có thể lấy được dữ liệu này dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Bên khai thác sử dụng có quyền yêu cầu Trung tâm chứng minh, xác định rõ các điểm nêu trên để đảm bảo thu và phân phối một cách minh bạch, lãnh đạo Cục nói thêm.

Mức thu cần có cơ sở rõ ràng

Luật sư Trần Anh Dũng, Đoàn Luật sư Hà Nội trao đổi với Tiền Phong: “Trước hết vẫn phải khẳng định việc thu tác quyền tác phẩm âm nhạc đối với đơn vị kinh doanh là cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả. Đối với trường hợp thu tác quyền âm nhạc qua tivi trong khách sạn cần có phương pháp hay thuật toán nào đó để tính toán mức độ sử dụng tác phẩm âm nhạc Việt Nam của một tivi. Bởi việc sử dụng tác phẩm âm nhạc của mỗi tivi hay mỗi khách sạn sẽ rất khác nhau. Chưa kể có những địa phương kinh doanh du lịch theo mùa thì những mùa khác gần như không có khách và không sử dụng tivi. Vì vậy, tác giả và người sử dụng cần có thỏa thuận để tính toán một mức hợp lý chứ không thể tùy tiện áp đặt một mức không có cơ sở rõ ràng”. Luật sư Dũng nói thêm, nếu phía VCPMC đưa ra mức thu không có cơ sở rõ ràng, người sử dụng có thể không tuân thủ vì đây là giao dịch dân sự giữa hai bên, thuận mua vừa bán. Trung tâm muốn đòi bồi thường tiền tác quyền cần chứng minh mức độ, tần suất sử dụng tác phẩm của khách sạn.               

Toan Toan

MỚI - NÓNG