Ngẫm sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Kỳ 3)

Tiết chế khát vọng quyền lực

Tiết chế khát vọng quyền lực
TP - Cắt nghĩa câu hỏi “Quyền lực thực chất bắt đầu từ đâu?” và “Làm thế nào kiểm soát quyền lực hiệu quả?” tùy thuộc cách tiếp cận. Lâu nay các nguyên nhân,  giải pháp kinh tế và xã hội thường được ưu tiên truy tìm. Thế còn yếu tố tâm thần- tâm linh, ít khi được bàn, thì sao? 

Các nhà nghiên cứu gần đây nhận thấy, cùng với các tôn giáo khác, Cơ Đốc Giáo có thể giúp xã hội giảm khát vọng quyền lực. Họ phát hiện chính các đặc thù của Cơ Đốc Giáo đã khắc phục khuyết tật của tư tưởng Hy Lạp cổ đại, nền văn minh mà nhiều người nghĩ chỉ toàn ưu điểm và là cơ sở chủ yếu của văn minh châu Âu hiện đại. 

Từ sùng bái và tranh giành…

Một trong những hạn chế điển hình của văn minh Hy Lạp cổ đại là nuôi dưỡng tư tưởng sùng bái và tranh giành quyền lực. Tư tưởng ấy vẫn thịnh hành ở thời hiện đại, nhất là các xã hội có nền văn hoá đa thần giáo (thờ nhiều thần linh). 

Về sùng bái quyền lực, sợ hãi và khao khát quyền lực khiến người ta sáng tạo và tin thần linh. Chống chọi với thiên nhiên cũng như các thế lực xã hội, người ta luôn kỳ vọng có quyền năng lớn hơn quyền năng hiện thực. Quyền năng giúp người ta thoả nguyện sung sướng cũng như triệt hạ những kẻ gây đau khổ cho mình.

Thường người ta xây dựng thần linh theo cách họ có thể đạt sở ước. Muốn vậy, thần linh phải bất tử. Bên cạnh đó, để thần linh không quá xa xôi, chúng luôn được thiết kế có cuộc sống như người thường. Thần linh cũng ra đời, cũng có gia đình cha mẹ anh chị em, cũng sinh con đẻ cái. 
Các nhà tư tưởng Hy Lạp cổ đại đã ý thức được tính chất nguy hại của mô hình thần linh mang tính phổ biến này. Họ nhận thấy xã hội dần trở nên sùng kính cái gì đó vô hình và bất định của thần linh. “Tôn thờ thần tượng” dần thành mặc định. Trong đời sống thế tục, nó tạo nên trào lưu “tôn thờ thần tượng thế tục”. Người ta có thiên hướng thần thánh hoá kẻ cầm quyền thế tục. Rồi họ thần thánh hoá cả nhà tiên tri giả danh, những kẻ thống trị người khác về tinh thần. 

Về tranh giành quyền lực, vấn đề nằm ở chỗ sùng bái quyền lực không chỉ hướng đến thờ một mà nhiều thần linh. Đa thần giáo tất yếu dẫn đến cạnh tranh, chiến đấu giữa các thần với nhau. Trong “bản tính người” của thần, chúng cũng thù hằn nhau và chiến đấu chống lại nhau. Quyền lực của thần chủ yếu để trấn áp đối thủ, trấn áp kẻ mình muốn khuất phục hay tiêu diệt. Bản tính cạnh tranh của thần linh khiến người ta mong có quyền lực cũng chủ yếu để chiến đấu, để tranh giành. 

Thời Hy Lạp cổ đại, tôn thờ 3.142 thần (deities) không thể không liên quan đến những cuộc chiến tranh tàn khốc giữa 1.000 thành bang (poleis). Văn minh Hy Lạp suy vong và bị ngoại bang khuất phục cuối thời kỳ Hy Lạp hoá. Hàng loạt cuộc chiến tranh khốc liệt xảy ra khắp châu Âu cho đến khi Cơ Đốc Giáo ngự trị từ thế kỷ thứ III. 

… tới vô tranh giành

Ít ai nghĩ Cơ Đốc Giáo với tư tưởng “nhất thần” hay “độc thần” có thể khắc phục hiệu quả khuyết tật cố hữu của đa thần giáo. Trong Cơ Đốc, Chúa là thần duy nhất. Khác hẳn các thần “vô nhân cách” trong thế giới đa thần giáo, Chúa vượt lên trên cả tự nhiên và loài người, sáng tạo cả tự nhiên và loài người, điều mà không thần linh nào trong đa thần giáo có được. 

Tiết chế khát vọng quyền lực ảnh 1 Vương miện gai (crown of thorns) của Chúa Jesus thoát khỏi hoả hoạn một cách kỳ diệu. Nguồn: Getty Image

Chúa không có cốt cách như người mà các thần thường có. Vị thế ấy khiến không ai dám mơ có cơ hội giống Chúa hay quyền năng vô biên như Chúa. Không ai muốn nghĩ kiếm quyền lực vì mọi quyền lực nếu có đều vô nghĩa trước quyền năng vô biên của Chúa. 

Song Chúa lại độc đáo đến mức ai cũng mơ có nhân cách như Chúa. Sự độc đáo thể hiện ở chỗ Chúa cũng có lịch sử. Thay vì là lịch sử cá nhân như thường thấy ở các thần, lịch sử của Chúa hoàn toàn khác. Đấy là “lịch sử giao ước” giữa Chúa và người. Xuyên suốt lịch sử đặc biệt ấy là triết lý dạy người ta làm người, làm người đích thực. 

Thay vì “giao ước giữa người với người” vốn không mấy thuyết phục và có thể gây tranh chấp, đấy là “giao ước có tính thần thánh”. Đó là kiểu giáo huấn nâng đỡ người ta, khiến họ trở thành tự do bằng cách chỉ luôn hướng đến Chúa. Họ hướng đến một thứ quyền lực không khiến họ bị tha hoá, thứ quyền không phải để giàu có hơn hay để trừng trị đối thủ. Quyền lực khi hướng đến Chúa khiến tín đồ tự do mà không cần bất cứ điều kiện nào trừ điều kiện duy nhất - “có niềm tin”. 
Niềm tin được nuôi dưỡng bởi hình ảnh Chúa, hướng đến Chúa. Để hướng tới đích vô tư, vô thiên vị ấy, không cần hối lộ hay luồn cúi, không cần giàu sang hay nghèo hèn, không cần có học hay chẳng may thất học và không cần khoẻ mạnh hay ốm đau. Có niềm tin là có tất cả để vượt mọi trở ngại, để sáng tạo và, cao hơn tất cả, để làm người. 

Niềm tin ấy, suy cho cùng, là Chúa muốn người “tin vào sức mạnh toàn năng của mình” như GS.TS Hồ Sỹ Quý diễn đạt trong một bài gần đây. Sức mạnh ấy khiến người độc lập với vũ trụ, ngang hàng với thế giới tự nhiên chứ không phải là bộ phận của tự nhiên như quan niệm của Aristotle (384-322 BC), ngôi sao sáng nhất trong nền học thuật châu Âu cổ đại. Nhờ Chúa, người trở thành “sinh vật duy nhất đồng dạng với tạo hoá, cũng có khả năng sáng tạo và trở thành trung tâm của vũ trụ”, GS. Quý viết. 

Thực ra thời Hy Lạp cổ đại đã manh nha tư tưởng đề cao vai trò của người. Protagoras (490-420 BC) từng coi “Người là thước đo của vạn vật”. Còn Socrates (469-399 BC) kêu gọi “Hỡi người, hãy nhận thức chính mình”. GS. Quý cho hay các thành tựu giải phẫu đã nhận thấy những tỷ lệ đặc biệt cân đối của cơ thể người và những tỷ lệ này trở thành “chuẩn mực vàng” cho hội họa và kiến trúc tạo nên các kỳ quan của thế giới. “Ngay cả hiện nay, chuẩn mực cơ thể người vẫn là modul cơ bản của nhiều lĩnh vực sáng tạo”, GS Quý viết tiếp. Để hiểu rõ đặc điểm độc đáo và nhân bản của Cơ Đốc Giáo, lấy người làm trung tâm của vũ trụ, cần so sánh với quan niệm về người của tư duy lý tính vốn bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại. 

Nhận thức mới về thời trung cổ bắt đầu diễn ra ở Việt Nam gần đây mà một trong những người tiên phong là GS.TS. Hồ Sỹ Quý ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngoài ra, năm 2014, NXB Chính trị Quốc gia cho phát hành công trình của PGS.TS. Đỗ Minh Hợp cũng đề cập đến cách tiếp cận này. 

MỚI - NÓNG