Tiết lộ về bài hát 'Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này'

Nhạc và lời bài hát “Bầu trời này, mặt đất này”
Nhạc và lời bài hát “Bầu trời này, mặt đất này”
TP - Cách đây đúng 40 năm, bài hát thiếu nhi “Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này” của nhạc sỹ Huy Trân được trao tặng giải A, giải thưởng cao nhất của cuộc thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi của UNICEF (Quỹ Nhi đồng của Liên Hợp Quốc), thế nhưng đến giờ vẫn chưa nhiều người biết đến, do lúc đó nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh biên giới Việt - Trung.

Năm 1979, nhạc sỹ Huy Trân đã phổ nhạc bài thơ đoạt giải A cuộc thi thơ viết về đề tài Thiếu nhi và Hòa bình của nhà thơ Diệp Minh Tuyền để tham gia cuộc thi do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tổ chức. Lúc đó, nhạc sỹ vừa bế cô con gái rượu mới sinh vài tháng, vừa đu đưa ru con ngủ, vừa sáng tác.

Có thể nói, trong lĩnh vực sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, nhạc sỹ Huy Trân là người có duyên với giải thưởng. Hầu như, cứ khi nào có một đứa con, ông lại có ca khúc thiếu nhi đoạt giải. Khi người con trai đầu sinh vào năm 1965, ông đã đoạt giải A với bài hát “ Chú bò xanh”. Thời đó chiến tranh ác liệt, máy bay Mỹ thường xuyên leo thang đánh phá miền Bắc, mọi thứ đều phải ngụy trang như những lùm cây xanh để tránh sự phát hiện của máy bay địch… Từ khung cảnh đó, nhạc sỹ Huy Trân đã viết ca khúc “Chú bò xanh” thật ngộ nghĩnh nhưng cũng đầy chất thời sự và tính giáo dục như “Chú bò trông xanh xanh - Giống như một lùm cây xanh - Vì chú ghét thằng Mỹ ác - Nên chú ta ngụy trang xanh/Dắt bò em đi chăn - Giữa cánh đồng cỏ non xanh  - Vì em biết thằng Mỹ ác /Nên đã che cành cây xanh”...

Tiết lộ về bài hát 'Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này' ảnh 1 Nhạc sỹ Huy Trân

Trở lại bài hát “Việt Nam - bầu trời này, mặt đất này”, sau 15 phút đọc lời thơ, với một vài tờ giấy nhạc đã ngả màu, ông đã hoàn thành việc phổ nhạc cho bài thơ này và gửi tham dự cuộc thi của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Với ban giám khảo gồm những nhạc sỹ “ cây đa, cây đề” của Việt Nam lúc bấy giờ, bài “Việt Nam - Bầu trời này, mặt đất này” đoạt giải A và được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự cuộc thi của UNICEF. Để phù hợp hơn khi gửi ra nước ngoài, tiêu đề đã được sửa lại ngắn gọn là “Bầu trời này, mặt đất này”.

Năm 1979 được UNICEF lấy làm năm Quốc tế Thiếu nhi và một cuộc thi những ca khúc thiếu nhi được tổ chức tại Thụy Điển, thu hút hàng trăm quốc gia tham dự. Và điều kỳ diệu đã xảy ra trong những năm tháng chúng ta còn đang ở trong thời kỳ chiến tranh, bài hát “Bầu trời này, mặt đất này” lọt vào danh sách 24 ca khúc thiếu nhi quốc tế hay nhất của năm 1979.

Tiết lộ về bài hát 'Việt Nam, bầu trời này, mặt đất này' ảnh 2 Vỏ bìa đĩa than “Bầu trời này, mặt đất này”

Phần lời thơ đầy ý nghĩa của nhà thơ Diệp Minh Tuyền, phần âm nhạc đậm chất dân gian của nhạc sỹ Huy Trân và phần phối khí do nhạc sỹ Quang Khải thực hiện vang lên qua giọng hát của các bạn thiếu nhi trong đội Sơn Ca:“Hãy bay đi những đám mây đen - Hãy im đi những tiếng bom rền - Em cần bầu trời xanh trong sáng - Em cần mặt đất bình yên…” đã trở thành một niềm vinh dự lớn lao cho Tổ quốc, vinh dự cho các nghệ sỹ Việt Nam.

Ít lâu sau, do qui chế của cuộc thi, tất cả 24 tác giả đoạt giải được mời dẫn theo một đoàn nghệ sỹ sang Thụy Điển để trình diễn tác phẩm của mình trong đêm trao giải. Thế nhưng, hồi đó, vướng vào cuộc chiến biên giới Tây Nam, nên nhạc sỹ Huy Trân và một số ca sỹ thiếu nhi mà ông chọn đã không có dịp được ra nước ngoài để tự tay đón nhận vinh quang trở về.

Rất may, bài hát “Bầu trời này, mặt đất này” cùng 14 bài hát thiếu nhi do các nhạc sỹ nổi tiếng sáng tác như: “Đội kèn tí hon” (Phan Huỳnh Điểu); “Em mơ gặp Bác Hồ” (Xuân Giao); “Em bay trong đêm pháo hoa” (Hàn Ngọc Bích); “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh” (Phong Nhã); “Reo vang bình minh” (Lưu Hữu Phước),… đã được DIHAVINA xuất bản dưới dạng đĩa than với tựa đề: “Việt Nam, Bầu trời này, Mặt đất này”. Chiếc đĩa than, do Cộng hòa XHCN Tiệp Khắc (cũ) giúp dập in đó giờ đang nằm trong bộ sưu tập của nhạc sỹ Huy Trân.

Là một nhà sưu tầm và nghiên cứu âm nhạc dân gian nhiều năm, nhạc sỹ Huy Trân đã thuộc như nằm lòng các thể loại âm nhạc của từng vùng đất Việt Nam, từ Bắc bộ cho tới Trung bộ, Trung Nam bộ, rồi cả Nam bộ. Trong các sáng tác của mình, ông thường vận dụng một cách linh hoạt, mềm mại những chất liệu âm nhạc đó, đưa hồn cốt nhạc Việt vào những bài hát của mình, đồng thời giúp các bài hát trở nên gần gũi hơn với các em thiếu niên, nhi đồng. Bài hát “ Gà gáy” do ông sáng tác dựa theo dân ca Côống Khao với lời ca giản dị như “Con gà gáy le té le te rồi ai ơi...” từng được nhiều em nhỏ trên khắp Việt Nam yêu thích.

Bài hát “Bầu trời này, mặt đất này” mặc dù là một bài hát đoạt giải thưởng của UNICEF nhưng ít người biết do lúc đó nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh và bản thân người nhạc sỹ cũng khá khiêm tốn, không thích khoe khoang. Cho tới nay, bài hát đã 40 tuổi, nhưng giai điệu của nó mỗi lần cất lên vẫn đầy chất hào hùng, hiện đại và cũng thật gần gũi.

Trong một lần bộc bạch với bạn bè về bí quyết dẫn đến thành công của bài hát “Bầu trời này, mặt đất này”, nhạc sỹ Huy Trân cho biết: “Khi đó tôi chỉ nghĩ rằng, để có thể gửi đi thi quốc tế cần phải có cái riêng, nếu so tài với nước ngoài về âm nhạc, mình không thể hơn, thua là cái chắc. Nhưng nếu sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc vùng Bắc bộ quá mềm mại, ngân nga, chủ yếu là để phô diễn giọng hát, nên cũng không phù hợp. Vậy là tôi chợt nghĩ tới vùng đất Tây Nguyên với một nền âm nhạc giàu biểu cảm, đầy tính tiết tấu, vừa hào hùng vừa độc đáo. Tôi đã quyết định sử dụng âm hưởng của dân tộc Gia Lai và Êđê vào bài thơ”.

MỚI - NÓNG