Tinh hoa Bắc Bộ có phải tác phẩm phái sinh của Ngày Xưa?

Tinh hoa Bắc Bộ có phải tác phẩm phái sinh của Ngày Xưa?
"Không thể căn cứ vào việc sử dụng lại những bộ áo nâu sồng, một chiếc thuyền, một diễn viên trong một bộ phim này từng được sử dụng trong một bộ phim khác mà kết luận đó là tác phẩm phái sinh..." - một luật sư nêu quan điểm.

Theo nhận định của một số đơn vị tư vấn về pháp luật, đôi khi việc xác định tác phẩm phái sinh là rất khó vì Việt Nam mới chỉ liệt kê và phân loại các tác phẩm phái sinh theo: tác phẩm dịch; phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải và tuyển chọn...

Cụ thể, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn cho rằng, điều quan trọng nhất để xác định một tác phẩm có phải là phái sinh hay không chính là: "dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến nội dung tác phẩm gốc.”

Hãy lấy ngay ví dụ từ những chàng trai Vlog 1977 mới nổi gần đây trên mạng xã hội. Họ dựng các clip hài dưới chất liệu của các tác phẩm phim ảnh cũ. Ta nhận ra được, nó được sinh ra với ý tưởng, với tên nhân vật, với cốt chuyện có chút tương đồng với các tác phẩm như Chí Phèo, Lão Hạc hay Vợ Chồng A Phủ. Đó chính là phái sinh được nhận biết và hiểu một cách đơn giản nhất.  

Vì vậy, phán quyết Tinh Hoa Bắc Bộ là phái sinh của Ngày Xưa trong công văn của Hội đồng thẩm định gồm có 4 thành viên do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thành lập, gửi tới Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 21/11/2018 là chưa đủ căn cứ thuyết phục.

Bởi, không thể căn cứ vào việc sử dụng lại những bộ áo nâu sồng, một chiếc thuyền, một diễn viên trong một bộ phim này từng được sử dụng trong một bộ phim khác mà kết luận đó là tác phẩm phái sinh. Cũng không thể căn cứ vào việc sử dụng cùng một bối cảnh, địa điểm, phim trường, sân khấu để phán xét tác phẩm.

Tinh hoa Bắc Bộ có phải tác phẩm phái sinh của Ngày Xưa? ảnh 1
 
Tinh hoa Bắc Bộ có phải tác phẩm phái sinh của Ngày Xưa? ảnh 2
 

Từ cách hiểu này, có thể nhận ra Tinh Hoa Bắc Bộ không thể nào phái sinh từ Ngày Xưa do kịch bản được viết mới hoàn toàn, âm nhạc được viết mới hoàn toàn và nội dung cũng hoàn toàn khác biệt.

Thử nhìn lại một số phân loại về tác phẩm phái sinh để thấy chúng có cùng một đặc điểm nhận dạng, đó là sự tương đồng về nội dung gốc:

- Tác phẩm dịch là tác phẩm chuyển tải trung thực nội dung của một tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Có nghĩa là thể hiện một tác phẩm bằng một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm gốc.

- Tác phẩm phóng tác là phỏng theo nội dung một tác phẩm đã có trước, chuyển tác phẩm từ thể loại này sang thể loại khác để tạo ra tác phẩm có hình thức thể hiện khác với hình thức thể hiện của tác phẩm ban đầu.

- Tác phẩm cải biên có nghĩa là việc tạo ra một tác phẩm âm nhạc bằng việc thêm những yếu tố sáng tạo mới vào tác phẩm sẵn có.

- Chuyển thể là việc chuyển đổi một tác phẩm (thường là tác phẩm văn học, nghệ thuật) sang loại hình nghệ thuật khác trên cơ sở đảm bảo nội dung của tác phẩm khác.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn lý giải thêm: “Càng không thể nhận định việc sử dụng lại diễn viên hay trang phục cùng với ánh sáng âm thanh trên cùng một sân khấu khiến cho tác phẩm không phải là một sáng tạo độc lập. Cũng như không thể xác định một bộ phim là phái sinh của một bộ phim khác khi tuyển cùng một diễn viên, có trang phục giống nhau, cùng sử dụng một bài hát”…

Cũng theo luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, trong khi đó, theo văn bản giải trình do Tuần Châu Hà Nội gửi lên Cục Bản quyền và những phân tích về vô số khác biệt giữa Tinh Hoa Bắc Bộ và Ngày Xưa của cá nhân đạo diễn Hoàng Nhật Nam trong buổi gặp mặt báo chí mới đây tại Hà Nội từ kịch bản tổng thể, phân cảnh, âm thanh sử dụng, trang phục, thiết kế ánh sáng, cốt lõi của ý tưởng thực hiện... thì ông Nam đang rất có lý khi nói rằng Thanh Hoa Bắc Bộ là tác phẩm nghệ thuật độc lập.

Những yếu tố được Hội đồng thẩm định coi là giống nhau giữa Tinh Hoa Bắc Bộ và Ngày Xưa như thể loại thực cảnh, kiến trúc sân khấu trên mặt nước, thủy đình lớn, dàn diễn viên chủ là nông dân đều thuộc sở hữu và quyền sử dụng của chủ đầu tư Tuần Châu Hà Nội. Nói một cách ví von thì Tinh Hoa Bắc Bộ và Ngày Xưa là hai món ăn giống về nguyên liệu, được nấu trên cùng một chiếc chảo nhưng bởi hai đầu bếp khác nhau, chế biến khác nhau và cuối cùng, hương vị cũng khác hẳn nhau. Ở góc độ chủ sở hữu, cả hai món ăn, nguyên liệu và chiếc chảo đều thuộc về Tuần Châu Hà Nội và đạo diễn Việt Tú hay Hoàng Nhật Nam chính là hai đầu bếp được thuê hoàn thiện tác phẩm theo đề bài của nhà đầu tư.

Là người đến sau, để Tinh Hoa Bắc Bộ trở nên hoàn toàn khác biệt so với Ngày Xưa, chưa kể mới mẻ, hấp dẫn, hoành tráng hơn, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã dựa trên một kịch bản độc lập và chung tay cùng các cộng sự như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, biên đạo Huy Trần… bỏ ra không biết bao chất xám cho khâu sáng tạo.

Có mặt ở ngoài cổng tòa hoãn xử phiên phúc thẩm ngày 10/10, đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẩn thiết: "Tôi chỉ có một mong muốn tột bậc là công lý sẽ trả lại thân phận tác phẩm độc lập cho Tinh Hoa Bắc Bộ”.

MỚI - NÓNG