Tinna Tình với giấc mơ Việt Nam

Tinna Tình và bộ sưu tập
Tinna Tình và bộ sưu tập
TP - Một cô bé bơ vơ lưu lạc trời Âu và nuôi giấc mộng tìm về Việt Nam sống cuộc đời nghệ sĩ. Đôi khi Tinna Tình vẫn tự hỏi: “Quyết định trở về Việt Nam là đúng hay sai?”, nhưng rồi cô cũng trả lời: “Mình về Việt Nam vì một động lực gì đó, không phải là vì thất bại hay sự thành công”. 

Giọt nước mắt trên đường vào thành phố

Tina Tình sinh ra ở Tiệp Khắc. Bố cô người Việt Nam, mẹ người Tiệp Khắc. Bố mẹ li dị năm cô 11 tuổi, đến năm 15 tuổi cô sống riêng. Bố, mẹ lập gia đình mới và Tinna Tình một mình “đi làm thuê cho người ta, bưng bê, bán cà phê, thịt nướng ở chợ”.

Cuộc tình lãng mạn của bố mẹ cũng để lại trong cô một dòng máu lãng mạn. “Tôi đi bán thịt nướng nhưng ước mơ của tôi không phải làm giàu ở chợ mà muốn thành nghệ sĩ. Tôi cũng chỉ muốn làm nghệ sĩ ở Việt Nam, quê hương bố tôi. Làm thuê một năm rưỡi, tôi đủ tiền mua vé về Việt Nam”.

Trên chuyến bay về Việt Nam, cô chọn Hà Nội - nơi cô chỉ biết là thủ đô và có lẽ nghệ thuật sẽ phát triển nhất đất nước. Trên máy bay, cô nghĩ rằng: “Muốn cho bố hài lòng. Bố nghĩ rằng bố mẹ ly dị thì mình sẽ không ra gì. Mình phải chứng minh cho bố biết mình không phải đứa bé hư hỏng”. Năm ấy cô hơn mười bảy tuổi, học hành dở dang và chẳng có gì ngoài một niềm thôi thúc tìm quê cha.

“Lần đầu tiên về Việt Nam em bị sock nặng - Tinna Tình nói. Từ Nội Bài về Hà Nội, em khóc suốt trên xe. Nhìn thấy những bà bầu vẫn trồng lúa trên cánh đồng, trẻ con ngồi lưng trâu trời nắng chang chang. Em khóc rất nhiều”.

Cát xê 30.000 đồng

Nghệ sĩ đã thành danh, bùi ngùi nhớ lại: “Em thuê một căn nhà sụp nát đầy gián và chuột. Không thể phung phí tiền ở khách sạn vì em muốn sống tại Việt Nam lâu dài. Tiền mang về phải để dành cho công việc. Đó là năm 1999. Đó là quãng thời gian kinh khủng. Ở nước ngoài dù khổ mấy thì nhà người ta vẫn có bồn tắm, có nước nóng lạnh. Trời Hà Nội lạnh khủng khiếp mà em cứ dùng nước giếng, mùa lạnh vẫn tắm nước giếng. Trong phòng có những con gián biết bay. Kinh hoàng. Nhiều đêm khóc trong căn nhà đó và tự hỏi tại sao mình lại đưa mình vào hoàn cảnh thế này?”.

Tinna Tình bắt xe ôm đi đó đây, dò hỏi xem có ai mời hát không. Một năm liền cô thất bại, không tìm được nơi hát, tiêu sắp hết tiền. Về lại Tiệp Khắc, trong một năm rưỡi, cô bắt chước người lớn đi “đánh hàng”. Nhận hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, lái xe tải đi bán hàng khắp đất nước. Đúng một năm rưỡi Tinna Tình gom được khoản tiền tương đối để trở về Việt Nam lần thứ hai.

Năm 2001 trở lại Việt Nam cô may mắn được nhận vào hát trong một quán bar ở Hà Nội với  cát xê 30 nghìn đồng. “Em hát rất nhiệt tình và khách rất thích, em được mời hát ở nhiều nơi tại Hà Nội và cát xê nhanh chóng lên 1 triệu đồng mỗi tối. Một ông đạo diễn Việt Nam xem em hát, mời đóng phim, đó là phim “Trò đùa của thiên lôi” và đoạt giải Cánh diều Vàng”...

Lưu diễn khắp thế giới

Tinna Tình thành một hiện tượng, không chỉ trong lĩnh vực ca hát mà cả điện ảnh, làm xôn xao khán giả trong nước và cả hải ngoại. Công ty Vân Sơn ký hợp đồng biểu diễn với Tinna Tình trong 7 năm liền. “Tôi đi diễn khắp thế giới, nơi nào có người Việt Nam, tôi cũng tới hát, đó là một niềm vui rất lớn với tôi” - cô ca sĩ Việt kiều về nước hát rồi lại ra nước ngoài biểu diễn, như một vòng tròn kỳ lạ.

Cô bắt đầu viết nhạc, trở thành nhạc sĩ. Cô gửi dự thi Bài hát Việt và đoạt giải thưởng nhiều năm liên tiếp. “Sáng tác với em là sự chia sẻ những suy nghĩ của em về chính cuộc đời mình, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. Nhưng em không nghĩ nó lại nhận được sự đồng cảm của ban giám khảo và khán giả nhiều như vậy!", cô kể.

Bài hát  “Trả lại cho tôi” có những câu: Khuất trong góc phòng/ Đầy buốt giá, bạn của tôi lâu năm/ Tìm trong góc phòng lối thoát của tôi/ Tìm chính mình trong bụi bặm/ Có ai đến ai giúp, ai vớt lấy tôi.

Trống rỗng trên đỉnh vinh quang

“Năm 27 tuổi em có tất cả. Em mua được nhà đẹp, xe hơi đắt tiền. Từ một đứa trẻ làm thuê 16 tuổi rưỡi mơ về tổ quốc đến năm 27 tuổi trở thành một người giàu có tại Việt Nam, đoạt hàng loạt danh hiệu, tên tuổi rực rỡ. Em làm gì cũng được giải thưởng. Em không là ca sĩ hay nhất, nhưng vẫn có giải thưởng. Em đâu nghĩ em là diễn viên tốt nhất nhưng em vẫn được giải thưởng. Mọi sự đều có gì đó khá may mắn. Em viết cuốn sách đầu tiên năm 2012, sách tái bản nhiều lần, bán rất chạy. Rất thành công. Em tự hỏi: Lạ thật, sao mình làm gì cũng thành công thế này? Nhưng chính cái lúc đỉnh cao ấy, tự dưng em lại thấy một sự mệt mỏi dâng lên, một sự trống rỗng, mất phương hướng”.

Cô ca sĩ, diễn viên nổi tiếng kể lại câu chuyện trầm cảm của một người nghệ sĩ trẻ phải đối diện với áp lực: “Họ đem hợp đồng tới và luôn yêu cầu em phải diễn như thế này, phải hát như thế kia thì mới phù hợp, mới thành công. Cứ riết như thế, em tự hỏi: Vậy thì còn cái gì là của mình nữa! Nhà đẹp làm gì? Xe đẹp làm gì? giải thưởng làm gì nếu như mình không còn giữ được cuộc sống vốn có của mình!”.

Một ngày, cô nhận ra bạn bè quay lưng với thành công của mình, báo chí bịa đặt trắng trợn cô nhiễm HIV… cô hoảng loạn.

 “Thôi chấm dứt cho xong!” - ở tuổi 27 cô quá nhạy cảm và quá nhiều lòng tự trọng. Tinna Tình dại dột quyết định tự tử. Song thật may mắn, cô đã vượt qua phút khủng hoảng.

Tìm lại cuộc sống

Tinna Tình chia sẻ: “Em tự tử, em chết lâm sàng rồi, cơ thể lịm dần. Chợt em nhìn thấy cuộc đời mình từ lúc sinh ra cho đến lúc này. Em nghe tiếng mẹ văng vẳng. Chợt thấy một luồng ánh sáng rất sáng hòa tan vào thân xác, và giúp em bừng tỉnh”.  

 Cô tỉnh dậy và thấy 38 cuộc gọi nhỡ từ người mẹ. Cô vội cầm điện thoại gọi cho mẹ. Mẹ khóc. “Con đang làm gì đó? Mẹ cảm giác như con chết rồi”. Tinna Tình không dám nói cô vừa định tự tử, chỉ bảo: “Con có làm gì đâu”. Sau đó, Tinna Tình dần rút ra khỏi giới biểu diễn.

Gặp Tinna Tình sau gần 5 năm không tham gia vào đời sống nghệ thuật, nom cô thân thiện, nhẹ nhõm. “Em chưa bao giờ bảo em rút khỏi sân khấu, chỉ tạm ngưng thôi. Khi nào có động lực em sẽ trở lại. Hiện giờ em nghiên cứu kinh sách, thiền định, tìm hiểu về cuộc sống tâm linh. Tại sao lúc em muốn chết, mẹ em lại biết? Bà gọi cho em 38 cuộc điện thoại. Nếu em không cảm nhận được lời mẹ em muốn nói, liệu em có tỉnh lại hay không? Em muốn tìm hiểu về những điều ấy”.

Nhiều bạn nhắn tin, gửi thư hỏi Tinna Tình giải quyết khủng hoảng như thế nào? Cô kể: “Em giúp được nhiều bạn từ bỏ ý định tự tử. Em chỉ nói với các bạn rằng: Lúc đầu mình nghĩ cái chết sẽ giải thoát, sẽ chấm dứt được mọi thứ, nhưng hóa ra cái chết không giải quyết được đau khổ. Chỉ có cuộc sống, bằng chính cuộc đời mình, chúng ta mới giải quyết được vướng mắc, chấm dứt được đau khổ”.

Tinna Tình có một kỹ năng sống rất thú vị. Khi buồn chán, cô cố gắng sáng tạo một cái gì đó giúp mình vượt qua nỗi buồn ấy. Trong một lần nỗ lực chia tay cuộc tình buồn, cô bỏ hai tháng viết một cuốn sách. Sách tái bản 3 lần, đồng thời cô cũng bước sang một cuộc sống khác bình yên hơn. “Sự đau khổ phải được chuyển hoá trong thân người” - Tinna Tình nói.

Tinna Tình với giấc mơ Việt Nam ảnh 1 Tinna Tình

Tinna Tình (tên thật: Tinna Dinhova, tiếng Việt: Đinh Thị Tình), sinh năm 1982, là nghệ sĩ đa năng. Cô là nữ diễn viên chính trong bộ phim sử dụng kỹ thuật 3D đầu tiên của Việt Nam “Trò đùa thiên lôi”, cô đoạt giải cánh diều vàng vai phụ xuất sắc nhất phim “Long ruồi”. Tina Tình nhận giải Bài hát Việt “Bài hát có khuynh hướng rock nổi bật” với “Trả lại cho tôi” (2009).

“Tinna nghĩ nghệ thuật mang lại những giây phút nhẹ nhàng thoáng mát cho con người, đằng sau những lo toan và mệt mỏi trong cuộc sống phải có điều gì đó giúp họ lấy lại cân bằng. Nghệ thuật như một gia vị không thể thiếu để cuộc sống tươi đẹp hơn. Tinna làm nghệ thuật để chia sẻ với những ai có suy nghĩ giống mình, như một sự đồng cảm”. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.