Tôi hiểu cây violon trong từng thớ gỗ

Tôi hiểu cây violon trong từng thớ gỗ
TP - Một nghệ sỹ violon đã học bao năm ở Nhạc viện Traicốpxki (Nga) khi về nước bỗng chuyển sang làm nghề... đẽo đàn. Những cây violon do anh “đẽo” chủ yếu bằng dao được giới violon “phục sát đất” bởi chất liệu gỗ và âm thanh của nó...
Tôi hiểu cây violon trong từng thớ gỗ ảnh 1
Nguyễn Xuân Huy tại cuộc thi âm nhạc tổ chức tại Ba Lan năm 1985

Đánh đàn là nghệ sỹ, “đẽo” đàn là nghệ nhân vậy nên anh tự gọi mình là “nhân sỹ”. Người mà tôi kể trong ký sự này mang tên Nguyễn Xuân Huy.

“Lý lịch trích ngang”

Người Hà Nội gốc, sinh năm 1972, con nhà nòi nghệ thuật, bố của Huy là một nghệ sỹ violon đã từng học ở Nhạc viện Thượng Hải - Trung Quốc còn mẹ thì theo nghề thanh nhạc.

Cũng vậy mà bố đã dạy Huy cầm đàn lúc anh lên 8. Lên 9 tuổi thì anh vào học trung cấp ở Nhạc viện Hà Nội, sau đó trung cấp 2 thì học ở Gnhexinsky và bậc đại học thì học ở Nhạc viện Traicốpxki, thời gian học nhạc ở Nga “lấy mất” của Nguyễn Xuân Huy mười năm ròng rã để khi về nước thì cũng đã mon men đến tuổi 30.

Tuổi trẻ của Nguyễn Xuân Huy là một “quá khứ âm nhạc” đáng ghi nhớ. Năm 1985, Huy đã tham gia một cuộc thi dành cho các “Thần đồng âm nhạc” thế giới tổ chức tại Venhepsky - Ba Lan.

Toàn thế giới chọn 300 người tham dự, qua các vòng loại Huy cùng với cây vỹ cầm của mình đã vượt lên hơn 250 thí sinh khác để đứng vào vị trí số 16.

Thời học ở Nga anh đã đi biểu diễn khắp nơi, dấu visa đóng hết 5 cuốn hộ chiếu. Huy so sánh vui rằng: “Hộ chiếu mình kín đặc dấu, mà số lần đi các nước còn nhiều hơn cả những nhà ngoại giao”.

Năm 1991, Liên Xô tan rã, học bổng bị cắt, cuộc sống khó khăn buộc những du học sinh như Huy phải lăn lộn kiếm sống. Nhưng lại là dân âm nhạc, kiếm sống và kiếm tiền học bằng âm nhạc lại là cơ hội để anh được diễn, được trau chuốt tiếng đàn của mình.

Anh kể: “Hồi đó mình được tuyển vào chơi trong biên chế của Dàn nhạc Thế kỷ 21 do Công nương Diana tài trợ. Ngoài chơi nhạc, mình còn đi dạy võ kiếm sống.

Mình có thâm niên gần 10 năm học võ bên cạnh việc học nhạc nên trong giai đoạn này có chút vốn liếng nào đều phải mang ra cả để lo cho cuộc sống của mình”.

Tôi hiểu cây violon trong từng thớ gỗ ảnh 2
Nguyễn Xuân Huy

Về Hà Nội “đẽo” đàn

Tạm biệt những hàng thuỳ dương và rượu Voka, tạm biệt Traicốpxki, tạm biệt những buổi công diễn khắp trời Tây sau bao năm học tập, Nguyễn Xuân Huy về Hà Nội khi đã bước sang tuổi 28.

Bao thay đổi như những định mệnh được sắp đặt cộng với những khó khăn của cuộc sống làm cho một tài năng âm nhạc như Huy có những lối rẽ bất ngờ. 

Về nước anh làm việc tại Nhà hát Vũ kịch Việt Nam nhưng cũng ở đó chừng sáu bảy tháng gì đó, bởi lẽ cơ hội biểu diễn quá ít ỏi. Rồi Huy chuyển sang Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và rồi cũng chẳng “trụ” được lâu.

Một lẽ vì đã là nghệ sỹ nhiệt huyết, ai cũng có tự ái nghề nghiệp. Bao năm học hành, không có đất diễn anh thấy nản. Vả lại, anh tâm niệm “thà đi rửa bát còn hơn đi đánh nhạc tiệm...”, cộng với cái tính hơi “gàn”, Huy lại ra đi.

Hai nơi Huy từ bỏ có thể nói là tốt nhất để chơi nhạc cổ điển, để còn có chút cơ hội cho tiếng đàn violon có dịp cất lên nhưng quen với môi trường quá chuyên nghiệp ở nước ngoài Huy “đành” giã từ sân khấu với quá ít buổi biểu diễn để tìm một hướng đi cho mình.

Có lẽ đây cũng là một quyết định khó khăn cho anh bởi người nghệ sỹ không có điều gì buồn hơn là không còn gắn mình với nghiệp diễn trên sân khấu. Không ai là không cần những tràng vỗ tay từ công chúng. Nhưng anh vẫn “đành đoạn” dứt áo ra đi...

Không còn kéo violon trên sân khấu nhưng anh không bỏ được cây đàn. Anh chuyển sang làm nghề “đẽo” đàn violon mà gọi cho đúng là chế tác đàn thủ công.

Vừa có kiến thức âm nhạc, vừa khéo tay và am hiểu kỹ thuật, việc “đẽo” đàn của anh không giống ai cả và cũng lạ lùng thành giai thoại. Trong giới violon “xịn” không ai không biết đến  Nguyễn Xuân Huy, một “nhân sỹ” lạ lùng.

Cái vốn nghề đẽo đàn cũng không phải tự dưng mà có. Ngày còn đi biểu diễn trên nhiều nước, đến nước nào ngoài thời gian diễn Huy cũng đều tranh thủ đi đến các xưởng chế tác đàn violon.

Đây cũng là một niềm đam mê của anh. Chính niềm đam mê đó, cộng với óc quan sát và đôi bàn tay khéo léo sau này đã giúp anh thành công và có tiếng trong nghề “đẽo đàn” của mình.

Cái lạ là “nhân sỹ” này đẽo đàn bằng dao và chỉnh đàn...cũng bằng dao. Trong lúc đó việc chế tác một cây đàn Violon cần rất nhiều các dụng cụ kỹ thuật hiện đại và đắt tiền.

Tất nhiên cũng cần phải dùng đến các vật dụng khác như đục và chắn sắc nhỏ, nhưng dao vẫn là “tư liệu lao động” chính của Huy.

Nhiều người mang cây đàn cả chục triệu đồng đến cho anh chỉnh sửa, thấy anh đục đục, gọt gọt mà xót cả ruột nhưng rồi sau khi hoàn thành, nghe lại tiếng đàn của mình thì đều ưng ý.

Nguyễn Xuân Huy bảo: “Thông thường thì phải mổ phanh cả cây đàn nhưng cái quan trọng là mình nghe được âm của nó, sai đâu thì chỉnh đấy, vấn đề là phải phát hiện được tiểu tiết nào trong cây đàn để sửa mà không cần mổ đàn...

Vả lại nếu mổ ra thì phải dán lại, mất rất nhiều thời gian và công sức, còn biết tìm ra chỗ lỗi, chỉ cần khéo tay và làm “tiểu phẫu” thôi thì vừa nhanh vừa không làm hại cây đàn”.

Để làm được điều này cần phải có sự tinh xảo, khéo léo của đôi tay nhưng cũng phải cảm nhận được độ chuẩn của âm tiếng đàn. Ở Huy hội đủ cả hai điều này.

Thông thường để làm thủ công một cây đàn phải mất hơn hai năm trời. Từ công đoạn chọn mua gỗ, ép, uốn gỗ đến chế tác. Nhưng có lần  Huy đã làm một cây đàn violon trong vòng 14 ngày, mỗi ngày tỷ mẩn đến 18 tiếng đồng hồ bên cây đàn.

Anh bảo “làm vì đam mê chứ không phải vì sự hối thúc nào...”. Chỉnh đàn, sửa đàn thì nhiều vô số, còn “đẽo” đàn thì truân chuyên, tốn thời gian và công sức, trí tuệ và cả tình cảm cũng như niềm đam mê đổ vào đó là không thể đong đếm.

Cũng chính vì lẽ đó mà không phải ai cũng có thể sở hữu được một cây vĩ cầm chế tác thủ công như thế. Giá của một cây violon như thế lên mấy ngàn đô là chuyện bình thường, trong lúc hàng chợ, đàn sản xuất công nghiệp thì chỉ gần một triệu đã mua được một cây đàn.

Từ khi dùng dao “đẽo” đàn Nguyễn Xuân Huy đã “đẽo” được 15 cây, trong đó có 5 cây thực sự là 5 tác phẩm ưng ý. Anh cho biết: “Gỗ để làm đàn mình phải đặt mua ở nước ngoài.

Trong 5 cây đàn ưng ý thì 2 cây đang nằm ở Nhạc viện Paris, 1 cây ở Nhạc viện Berlin. Ở Việt Nam có 2 cây, 1 cây do Trưởng khoa Dây - Nhạc viện Hà Nội đang sử dụng và một do Giáo sư Tạ Bôn ở TP.HCM đang dùng”.

Vì cuộc sống đã có lúc anh còn mở cả cửa hàng Games online, có lúc lại kinh doanh sắt thép và nhôm kính. Nhưng không bỏ được cây đàn và do “chất” nghệ sỹ nên anh luôn muốn đem tâm lực của mình dồn vào những cây đàn.

Với Huy hạnh phúc chính là thế giới âm thanh được tạo ra từ những chiếc vỹ cầm do mình “đục đẽo”. Những cây vỹ cầm mà anh chế tác không ai chê vào đâu được, lý giải cho điều này anh tâm sự thật giản dị: “Mình hiểu cây đàn violon trong từng thớ gỗ”.

Có lần đẽo đàn, Huy bị cây đục sắt đâm vào lòng bàn tay khiến mấy ngón tay gần như mất cảm giác. Nếu là một người kéo vỹ cầm thông thường thì sự nghiệp xem như chấm dứt vì sẽ không cảm nhận được độ rung từ những ngón tay.

Nhưng Nguyễn Xuân Huy vẫn có thể làm bạn khóc nếu bạn đồng cảm và yêu âm nhạc khi anh chơi đàn. Anh bảo: “Mình chỉnh độ cao thấp bằng xúc cảm âm thanh thông qua đôi tai...”.  

MỚI - NÓNG