Tôi và Trần Đăng Khoa ở 'nhà ma'

Tôi và Trần Đăng Khoa ở 'nhà ma'
TP - Căn nhà đầy phiền toái và cũng sợ, nhưng từ ngày chúng tôi đến ở căn phòng có “ma”, nơi khuất nẻo nhất cơ quan Bộ tư lệnh Hải quân (Hải Phòng) thì “sinh khí” chừng như cứ sáng sủa, hanh thông dần lên. Nó trở thành nơi hội tụ của nhiều anh em yêu thích văn học trong cơ quan.
Từ trái sang: Ông Trần Văn Lưu,tác giả thơ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Hoài Nam
Từ trái sang: Ông Trần Văn Lưu, tác giả thơ, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Lê Hoài Nam.

Vào những năm đầu thập kỷ tám mươi (1980), cơ quan Bộ tư lệnh Hải quân chưa có nhiều nhà cao cửa rộng như bây giờ. Ngoài toà nhà hai tầng nhiều gian xây từ thời Pháp, án ngữ cả bề ngang khu doanh trại rộng lớn, cửa hướng đường Điện Biên Phủ, Hải Phòng, còn lại toàn là nhà cấp bốn xộc xệch, cũ kỹ.

Giáp với bờ tường rào phía đông bắc có một dãy nhà kho xây từ thời mới thành lập quân chủng, tường đã bị bong từng mảng vữa, trơ ra những hàng gạch ghẻ lở. Trên mái nhiều chỗ bị võng xuống, những hàng ngói lên rêu xô lệch trông rất tiêu điều.

Ở cuối dãy nhà ấy, có một gian của người coi kho. Các bức tường đều không để cửa sổ, chỉ có một cửa chính, với hai cánh ghép gỗ liền, khép lại là căn phòng tối như bưng, không một ngọn gió hay tia sáng nào lọt vào nổi.

Ở trong đó, mùa đông thì ấm, mùa hạ thì nóng kinh khủng. Nền nhà thấp hơn bên ngoài, cứ mỗi trận mưa lớn nước lại tràn vào ngập lưng ống chân. Nước không có lối thoát, khi mưa tạnh phải dùng chậu để tát. Muỗi thì nhiều vô kể, nhất là những dịp ẩm ướt, muỗi bay như vãi tro cả ban ngày, những con muỗi vằn to kềnh trông rất dữ tợn.

Một đêm nọ người lính coi kho đeo quân hàm hạ sĩ đã chết đột tử ở đây. Người lính khác đến thay thế, ngủ được mấy đêm thì kêu là bị “ma” đè vào ngực suýt nữa tắc thở, anh ta xin thuyên chuyển đi chỗ khác. Phòng hành chính lại cử một anh lính “già”, có thâm niên thượng sĩ đến thay thế. Nhưng anh thượng sĩ trải đời này cũng chẳng ở được lâu.

Anh ta nói với người sĩ quan trực ban rằng cứ vào lúc đêm nghiêng về sáng là như có người chịt hai tay vào cổ anh mà bóp. Thấy chuyện có gì đó bất tiện nếu dư luận bùng ra, phòng hành chính quyết định không cần người coi kho nữa. Vả lại, kho nằm ngay trong khuôn viên cơ quan Bộ tư lệnh, quá an toàn, cần gì phải coi! Từ đó căn phòng ấy bỏ không, khóa cửa im lìm, cỏ mọc phủ bậc cửa.

Tôi về nhận nhiệm vụ tại cơ quan Bộ tư lệnh Quân chủng từ tháng 2 năm 1979, được nghe mọi người kể, rồi “mục sở thị” cái căn phòng nổi tiếng này. Nhưng cũng chẳng có điều gì phải để ý đến nó nhiều. Tháng 4 năm 1980, nhà thơ Trần Đăng Khoa được Tổng cục chính trị điều về Hải quân, cùng làm việc trong Nhà văn hóa với tôi. Hồi Khoa chưa về, tôi ở cùng phòng với sáu người trong cơ quan, mỗi người mỗi việc.

"Hôm nào Khoa đi công tác qua đêm, tôi lại chống lại nỗi sợ bằng cách cứ chong đèn suốt đêm ngồi viết hoặc đọc một cuốn sách nào đó."

Cứ khoảng 9 giờ đến 9 giờ 30 phút đêm, nghe tiếng kẻng là tất cả phải lên giường, tắt đèn ngủ, không ai được làm phiền tới giấc ngủ của người khác.

Dạo ấy tôi mới được đăng những truyện ngắn, bút ký đầu tay và đang rất ham viết. Hôm nào mà trong đầu nảy ra ý tưởng sáng tác thì đêm đến, chờ anh em trong phòng ngủ say, tôi lại lặng lẽ thức dậy, ròng dây kéo cái bóng điện ra hè ngồi kê tập giấy lên đùi mà viết.

Đến khi Trần Đăng Khoa về ở cùng phòng, cũng bắt chước tôi viết lách kiểu ấy. Một lần, ông Ngô Thế Lãng, chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân chủng, thủ trưởng trực tiếp quản lý chúng tôi, đi trực ban trông thấy, ông không phê phán hay khiển trách gì, nhưng sáng hôm sau thì ông gọi chúng tôi lên phòng chủ nhiệm, mời uống nước rồi nói:

- Kể ra, hai cậu làm cái việc văn thơ phú nghĩa mà xếp ở chung phòng với nhiều người là bất tiện lắm. Chúng tôi rất hiểu điều đó. Nhưng các cậu cũng phải thông cảm rằng, chỗ ở nội trú cho anh em hiện nay rất thiếu, phòng nào cũng chật. Đến như trung tá thiếu tá mà vẫn phải ở chung hàng chục người một phòng! Bây giờ chỉ còn gian phòng ở phía ngoài cùng dãy nhà kho là bỏ trống.

Sở dĩ còn bỏ trống vì anh em đồn đại căn phòng ấy có ma! Anh em lính tráng trẻ người non dạ, thần hồn nát thần tính, tưởng tượng ra đủ thứ ma mãnh rồi sợ. Còn các cậu, nhà thơ nhà văn, lại đeo hàm sĩ quan, chẳng nhẽ cũng tự xếp mình ngang với loài cáy? Nếu nhất trí, tôi sẽ đề nghị cơ quan xếp cho hai cậu ở gian phòng ấy…?

Trần Đăng Khoa đưa mắt nhìn tôi thăm dò. Tôi thì không phải đắn đo gì, nói luôn:

- Vâng, xin thủ trưởng cứ bố trí cho chúng tôi ở căn phòng ấy. Nếu có ma thật thì chúng tôi càng được trải nghiệm chuyện sống chung với ma nó ra làm sao, để còn đưa vào văn chương chứ ạ.

Thế là chiều hôm ấy tôi và Trần Đăng Khoa nhận chìa khóa về ở căn phòng có “ma”. Anh em trong cùng Nhà văn hóa cũng đến giúp chúng tôi dọn dẹp, quét tước. Mấy vị quân nhân nữ còn dán lên những bức tường mà vôi ve đã loang lổ, xám xịt vài ba bức tranh phong cảnh làm cho căn phòng sáng sủa và ấm áp hẳn lên. Chúng tôi kê hai chiếc giường cá nhân và hai chiếc bàn nhỏ song song nhau, chỉ cách nhau vừa một lối đi. Khi ngả lưng nằm thử, Trần Đăng Khoa tỏ ra rất hài lòng, bảo tôi:

- Ở như thế này cũng là lý tưởng rồi. Ông biết không, cái Trường sĩ quan Lục quân, nơi tôi vừa học, mà một căn phòng như thế này họ phải kê ba cái giường tầng, nhét vào sáu nhân mạng!

- Với tôi thì được như thế này cũng là quá tốt! - tôi phụ hoạ - Ít nhất thì cũng thoát được cái cảnh đêm đêm ra hè ngồi viết, không ít đêm gió bấc lùa lạnh thấu xương…Hỏi thật nhé, ông đã gặp ma bao giờ chưa?

- Gặp rồi - Trần Đăng Khoa đáp - Hồi tôi còn nhỏ, có chị tên là Thắm học trên tôi mấy lớp, rất xinh đẹp. Không may chị ấy bị bệnh, chết trẻ. Mà người chết trẻ là vong hồn linh thiêng lắm. Dạo tôi mới nhập ngũ, nhiều đêm thấy chị ấy hiện về, nói chuyện với tôi y như hồi chị ấy còn sống.

Tôi cũng không thể nhớ rành mạch là lúc ấy tôi thức hay ngủ. Nếu tôi ngủ thì đó chỉ là những giấc mơ. Nhưng nếu tôi thức, hiện tượng đó không là ma thì là gì? Vậy còn ông, đã gặp ma bao giờ chưa?

- Hồi còn nhỏ tôi thường đi câu cá trê ban đêm với lũ trẻ cùng xóm ở những cái đầm ngoài cánh đồng có khu nghĩa địa - tôi nói - Vào những đêm trái gió trở trời, tôi thường nhìn thấy những đốm sáng mang hình thù rất kì dị cứ lập loè trên những ngôi mộ. Người ta gọi đó là ma trơi…

- Vậy là cả ông và tôi đều đã đối mặt với ma - Khoa nói - thế thì dù căn phòng này có ma thật, chúng ta đâu có ngán!

Nói thế thôi, chứ những đêm hai thằng đều ngủ ở phòng thì không sao, nhưng cứ mỗi lần tôi đi công tác qua đêm không về, Trần Đăng Khoa lại ôm chăn màn lên phòng trực ban ngủ nhờ. Còn tôi, hôm nào Khoa đi công tác qua đêm, tôi lại chống lại nỗi sợ bằng cách cứ chong đèn suốt đêm ngồi viết hoặc đọc một cuốn sách nào đó.

Có những đêm mưa rất to. Nước từ bên ngoài tràn vào phòng ngập gót chân. Tôi và Khoa lại lấy chậu thay nhau tát bì bõm. Muỗi thì nhiều vô kể. Mùa đông, chúng tôi phải xỏ vào chân hai lần tất; mùa hè thì bật quạt hết công suất cho muỗi dạt vào một góc mới yên tâm ngồi viết.

Loại ra vài ba chuyện phiền toái nho nhỏ ấy thì phải kể rằng, từ ngày chúng tôi đến ở căn phòng có “ma”, nơi khuất nẻo nhất cơ quan Bộ tư lệnh thì “sinh khí” chừng như cứ sáng sủa, hanh thông dần lên. Nó trở thành nơi hội tụ của nhiều anh em yêu thích văn học trong cơ quan. Nói thế có vẻ khoe khoang nhưng đúng là như vậy. Bởi ngày ấy những quân nhân mang quân phục màu nước biển có một tình yêu rất mãnh liệt với văn chương.

Cơ quan Bộ tư lệnh có hẳn một thư viện lớn, với đủ mọi loại sách. Riêng sách văn học có tới hàng vạn cuốn. Những tác phẩm lớn của nhân loại đều hiện diện ở đây. Sĩ quan hay binh sĩ đều được đọc miễn phí. Cứ tám giờ tối, phòng đọc với hàng trăm chiếc ghế đều có người ngồi chật kín. Mỗi lần tôi hoặc Khoa được đăng một bài thơ hay một truyện ngắn thì hôm ấy người nọ truyền tin cho người kia, rồi cả cơ quan biết, cứ bàn tán xôn xao.

Căn phòng có “ma” thì thế nào cũng diễn ra một cuộc liên hoan khao nhuận bút. Nói là khao nhưng thực ra nhiều hôm anh em bạn bè không để chúng tôi phải chi tiền nhuận bút, họ tự ra chợ mua thức ăn mang đến nấu nướng bày biện ăn uống vui vẻ gọi là mừng cho chúng tôi có thêm sức khỏe mà viết.

Hình như căn phòng có “ma” đang có những dấu hiệu giúp chúng tôi thăng hoa thật. Tại đây, Trần Đăng Khoa đã viết những bài thơ quan trọng nhất, đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới của anh trong vai trò nhà thơ chiến sĩ, đó là các bài Thơ tình của người lính biển, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cây bão táp trên đảo Nam Yết, Lính đảo hát tình ca trên đảo…

Cũng tại căn phòng này, Trần Đăng Khoa bắt đầu ghé sang văn xuôi bằng bản thảo tiểu thuyết Đảo chìm. Khoa cứ viết xong một chương lại bắt tôi dừng mọi việc lại nghe anh đọc và xin một vài lời góp ý. Tôi cũng vậy, mỗi khi viết xong một truyện ngắn hay một bút ký lại đọc cho Khoa nghe, và thường rất thích nghe lời góp ý của Khoa.

Những góp ý của Khoa đôi khi hơi thiên về cảm tính, nhưng lại có những phát kiến rất sắc sảo và độc đáo. Đến thời kỳ thơ của Khoa và truyện ngắn của tôi có biểu hiện “bùng phát” trên các báo và tạp chí, người ta không gọi nơi ở của chúng tôi là căn phòng có “ma” nữa, họ chuyển sang gọi là căn phòng “phát lộc”, căn phòng “vượng khí văn chương” một cách rất tự nhiên.

Từ bấy đến nay đã ba mươi năm. Trần Đăng Khoa và tôi bây giờ đều sống ở Hà Nội. Thỉnh thoảng gặp nhau, nói về những kỷ niệm thời mặc áo lính màu xanh nước biển, cái mà chúng tôi nhớ nhất, có nhiều điều để nói nhất, ấy chính là căn phòng có “ma”.

Hà Nội, đầu hạ 2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).