Tôn vinh cảm xúc của cá tính

Tôn vinh cảm xúc của cá tính
TP - Việt Nam Idol 2010 đã thành công khi tôn vinh cảm xúc của cá tính. Một kết quả rất có ý nghĩa với nền nghệ thuật ca nhạc nước nhà. Bây giờ nói đến Việt Nam Idol 2010 người ta phải nhớ đến Uyên Linh, nhớ đến một tiếng hát với khả năng truyền cảm xúc đẹp.

UYÊN LINH là Việt Nam Idol 2010

Và cả Mai Hương 16 tuổi khi đứng ở sân khấu lộng lẫy của đêm bế mạc, tự tin tuyên bố, tiếng hát của cô không phải là phố cổ để tản bộ mà là con đường cao tốc, khán giả đã vỗ tay tán thưởng. Xin một chút lắng lại, nếu đặt lời tuyên bố rất cá tính này ở một sân khấu nào đó của nhiều năm trước, có được bao nhiêu người ủng hộ?

Từ đó để thấy giá trị của Việt Nam Idol 2010 như đạo diễn Quang Dũng, một thành viên ban giám khảo, bày tỏ, kết quả do khán giả quyết định. Đây chắc chắn là lời gan ruột của một nghệ sỹ sống gắn bó với sân khấu, thứ nghệ thuật trực tiếp giao cảm với khán giả, thấm thía máu thịt với sự thăng trầm sân khấu ca nhạc nước nhà.

Để hiểu thêm, lại xin dẫn câu hỏi của ca sỹ Siu Black, cũng là thành viên ban giám khảo, với Uyên Linh: Tại sao lần thi trước Uyên Linh rớt? Siu Black đã tham gia ban giám khảo cả kỳ thi ấy, khi đặt câu hỏi thì ai trả lời được? Thật ngạc nhiên thú vị nhưng thực ra không phải ngạc nhiên. Trả lời câu hỏi ấy chỉ có cuộc sống!

Có thể Uyên Linh hai năm trước chưa biết tỏa sáng rõ rệt như bây giờ, song tài năng ca hát là trời cho ở một giọng hát bày tỏ được cảm xúc cá nhân, mà đã là trời cho thì thường bộc lộ sớm, không thể giấu. Vấn đề là phát hiện được hay không mà thôi. Phát hiện trước hết do ban giám khảo cuộc thi, và như cuộc thi này còn có khán giả tham gia quyết định. Nên có thể trả lời câu hỏi của ca sỹ Siu Black thế này chăng: Uyên Linh rớt bởi sân khấu ca nhạc khi đó chưa có khả năng phát hiện cảm xúc cá tính mạnh?

Mấy ai đã quên một thời đề cao đồng ca, không đề cao đơn ca; coi trọng hát đúng hơn là hát hay. Hát đúng lại là một tiêu chuẩn khá mơ hồ rất khó thống nhất trong đánh giá. Khi sân khấu không còn say mê hát đúng như quan niệm trước đó nữa, cuộc sống lại chưa cho biết niềm say mê mới mẻ phải như thế nào, ca nhạc đã đi tìm sự mới mẻ trong hình thức: đầu tóc, trang phục, nhảy múa... Sự đổi mới hình thức dễ dãi này, cuộc sống nhanh chóng bị bội thực, đi đến đòi hỏi sự đổi mới thực chất về nội dung nghệ thuật, cảm xúc cá nhân bắt đầu được tôn trọng.

Nghệ thuật có chức năng cao cả là ngợi ca con người, bày tỏ cảm xúc của con người một cách mới mẻ, đặc trưng, không lẫn. Hàng tỷ con người trên trái đất, cá tính là thứ không thể trộn lẫn, thượng đế hoặc thiên nhiên vô biên làm nên điều kỳ diệu ấy. Bày tỏ cảm xúc nhân văn riêng tư, cảm xúc của cá tính, luôn luôn là mục tiêu tối thượng của nghệ thuật, trong đó có ca nhạc. Nên khi cảm xúc của cá tính Uyên Linh bị loại hay được tôn vinh, suy cho cùng không do ai cả, mà do sự phát triển của đời sống nghệ thuật ca nhạc nước nhà chọn lựa như thế.

Và do đó, khán giả chưa bình chọn cho Mai Hương cũng có thể là điều dễ hiểu. Uyên Linh bộc lộ cảm xúc của cá tính mạnh mẽ hơn, rõ rệt hơn, lôi cuốn hơn. Biết đâu còn có lý do khác như chính phát biểu của Mai Hương.

Cuối cùng, Việt Nam Idol 2010 chọn Uyên Linh là một thành công lớn nhưng hơn thế, kết quả đó không phải ngẫu nhiên, mà là một dấu mốc chuyển mình mạnh mẽ của quá trình phát triển. Một nền ca nhạc cường tráng có khả năng phát hiện và tôn vinh cảm xúc của cá tính. Thành công hôm nay còn hứa hẹn những niềm vui mới ở tương lai, khi nghĩ đến con đường cao tốc của lứa tuổi rất trẻ có khả năng bộc lộ cảm xúc cá tính sâu sắc, tuyệt vời thêm. Thật có ý nghĩa ở thời điểm sắp bước sang năm mới này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG