Trần Lực tìm thấy lối ra cho 'Quẫn'

“Quẫn” của đạo diễn Trần Lực được giới chuyên môn và những khán giả đầu tiên đánh giá cao. Ảnh: Toan Toan
“Quẫn” của đạo diễn Trần Lực được giới chuyên môn và những khán giả đầu tiên đánh giá cao. Ảnh: Toan Toan
TP - Vở kịch mang lại giải vàng đạo diễn cho NSƯT Trần Lực ra mắt công chúng ngày 18/2 tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ.

Quẫn của tác giả Lộng Chương được kể lại theo cách hoàn toàn mới. Vở diễn do đạo diễn Trần Lực dàn dựng cho trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội từng gây tiếng vang tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2016. Ngoài giải vàng cho đạo diễn, vở mang về một huy chương vàng cho diễn viên chính đóng vai Đại Cát và hai giải bạc diễn viên khác.

Quẫn xoay quanh câu chuyện gia đình ông bà Đại Cát-gia đình tư sản trước chính sách công tư hợp doanh của nhà nước - lo sợ khối tài sản lớn bị mất trắng, tìm mọi cách tẩu tán và từ đó nảy sinh những chuyện bi hài. Những năm 60 của thế kỷ trước đạo diễn gạo cội Trần Hoạt dựng vở này theo lối hiện thực tâm lý, nay Trần Lực chọn lối dựng ước lệ.

Thay đổi lớn nhất về kịch bản như Trần Lực chia sẻ nằm ở góc nhìn. “Lộng Chương viết Quẫn theo lối hài châm biếm. Ông giễu cợt các nhà tư sản không giác ngộ và tầm thường vì không chịu cống hiến tài sản cho xã hội.  Chúng tôi muốn đưa cái nhìn con người hiện đại về thời kỳ ấu trĩ đó.Chúng tôi không bắt họ phải giác ngộ mà để các nhân vật như ông bà Đại Cát, bà cụ Đại Lợi, cô em Đại Hưng sống với chính họ. Họ cũng là con người”, Trần Lực nói.

Vở diễn có được sự tươi mới bằng âm nhạc, yếu tố hình thể và sự tươi tắn của lớp diễn viên năm cuối. Đặc biệt ngôn ngữ gần gũi với khán giả trẻ, đôi khi khán giả bật cười với cách dùng từ thời mạng xã hội. Đạo diễn dùng chiếc hòm đựng vàng thay bục bệ. Hòm đặt giữa sân khấu và trở thành trung tâm câu chuyện, làm nảy sinh những tình huống kịch. Ai đó nói vở diễn mang phong cách phương Tây, Trần Lực nhất mực khẳng định hoàn toàn truyền thống. “Sân khấu phương Tây ảnh hưởng nhiều từ lối ước lệ của sân khấu Á Đông như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam”, anh nói. Anh dẫn chứng tính ước lệ của tuồng, chèo rất cao: Ba diễn viên tuồng ra sân khấu múa may làm ra không khí của ba vạn quân mà khán giả tin được.

Ngay khi ra mắt tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô, vở kịch giới làm nghề và khán giả sửng sốt. NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ và bạn thân Trần Lực nói xem xong “sốc”. Trước đó ba đạo diễn gạo cội từ chối dựng lại vở này vì chê cũ. Từ phía đạo diễn, Trần Lực cũng khao khát đưa vở diễn đến gần với công chúng, hiện thực hóa giấc mơ một “sân khấu Trần Lực”. Cuối cùng vở diễn ra mắt công chúng tối 18/2 và sau đó suất 25/2 tại Nhà hát Tuổi trẻ, mở đầu cho những đêm diễn khác.

Tại lễ ký kết hợp tác về hoạt động biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ và trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội sáng 14/2, ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nói rằng ý tưởng hợp tác này tạo cơ hội cho sinh viên sáng tạo và thực hành trước khi đầu quân cho các nhà hát. “Dự án này cũng đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt dự án hợp tác nặng ký với Bỉ, Đức, Nhật, Nga trong năm nay của Nhà hát Tuổi trẻ”, ông nói.  

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.