Trần Tất Toại vẫn long lanh trên cỏ non

Nhạc sĩ Trần Tất Toại (trái) và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ảnh: TL.
Nhạc sĩ Trần Tất Toại (trái) và nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Ảnh: TL.
TP - Trần Tất Toại quê gốc Thái Bình, nhưng sinh ngày 6 tháng 6 năm 1929 ở số 8 Cầu Gỗ Hà Nội. Trước 1945 đã chơi thân với Nguyễn Đình Tích (phố Gia Ngư).

Hai anh cùng tham gia đội Thiếu nhi của Hội yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục. Cách mạng sắp nổ ra, tất yếu các anh tham gia hoạt động cổ động cho Mặt trận Việt Minh, làm liên lạc cho tự vệ thành Hoàng Diệu của Vệ quốc quân, nhất là các hoạt động có đàn hát vì anh Toại chơi ghi ta hay, anh Tích về măng đô lin cừ. Cuối cùng, các anh cùng bà con theo những người lính Trung đoàn Thủ đô, luồn dưới cầu Long Biên, vượt sông Hồng ra vùng kháng chiến ở Yên Luật, Tân Phong, Hạ Hòa, Phú Thọ.

Đầu năm 1947 địch đánh ra Sơn La. Sơn La gửi một số thiếu nhi người Thái có năng khiếu hát múa như Cầm Trọng, Cầm Bích, Hoàng Văn Thích (Hoàng Mai Lộc), Lò Văn Hợp, Lò Thanh Thảo (Lò Thanh) và một số em người Kinh như ba anh em Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Vĩnh Lộc… Lưu Hữu Phước tập hợp lại trong trại Thiếu nhi Bác Hồ ở địa điểm trên. Trại viên được học kí xướng âm, học nhạc cụ, học văn hóa và được rèn giũa nếp sống thời chiến.

Dựng được tiết mục nào liền mang ra phục vụ ngay các đơn vị bộ đội, cơ quan dân sự và bà con trong vùng. Dịp trung thu 1947 đã có nhiều tiết mục. Ông Lưu Hữu Phước quyết định làm một cuộc hành quân đường bộ. Ngày đi, tối biểu diễn từ Phú Thọ lên Yên Bái, Lào Cai, đi mảng theo sông Chảy về Tuyên Quang, rồi sang Thái Nguyên, lên thủ đô kháng chiến - Bắc Cạn. Cuộc biểu diễn được hoan nghênh nhiệt liệt. Bởi lúc ấy chưa có bất kỳ một đoàn nghệ thuật nào ra đời.

Một ngày cuối tháng 10 năm 1947, địch thình lình nhảy dù xuống Bắc Cạn hòng tập kích cơ quan đầu não kháng chiến ta. Nhưng chúng vồ hụt. Chỉ cụ Nguyễn Văn Tố, chủ tịch Mặt trận Liên Việt bị sát hại. Cả đoàn chạy tán loạn. May không sứt mẻ gì. Rồi cuối cùng cũng tụ được về Phương Viên (Hạ Hòa, Phú Thọ). Ông Lưu Hữu Phước đón thêm ba anh lớn nữa: Trần Tất Toại, Nguyễn Đình Tích, Nguyễn Văn Ngọ (La Thăng) vào trường trại Thiếu nhi Nghệ thuật thuộc Nha tuyên truyền.

Gọi là trường bởi có dạy nghệ thuật và văn hóa. Gọi là trại vì hoàn cảnh kháng chiến nên thầy trò vừa học vừa hành vừa trồng sắn trồng rau, nuôi gà lợn, bò để tự nuôi nhau. Anh Tích vẫn nhớ đêm đêm, nhiều người vẫn áp tai xuống khe nhà sàn nghe tiếng ghi ta bập bùng của anh Toại.

Rất lạ: chỉ được học nhạc lí kiểu du kích như thế (có một số anh đã học trước hoặc tự học), nhưng nhiều sáng tác đã ra đời mang đậm dấu ấn cuộc kháng chiến gian lao và máu lửa không thể nào quên ấy. Không kể Reo vang bình minh của Lưu Hữu Phước, mới đây anh Vĩnh Cát đã đồng ca với hợp xướng thiếu nhi trong Giai điệu tự hào tháng 6. Anh La Thăng (sinh 1930) có Bé đeo ba từ 1946, rồi Chiều Việt Bắc, Quanh lửa hồng. Hoàng Mai Lộc có Gửi mẹ phương xa. Vĩnh Cát (1934) có  Việt Bắc, Nhớ Bác Hồ, Vĩnh Bảo (1936) có Xuân rừng xanh… Lưu Hữu Phước viết hàng loạt kịch hát (nhiều vở do anh Nguyễn Mộng Ngọc dạy văn hóa viết lời) kịp thời phục vụ kháng chiến mà sáng tác cuối cùng ở đoàn là Chúc thọ Bác Hồ (Lục tuần đại khánh) diễn ở ATK (An toàn khu). Bác rất vui, nhưng cũng băn khoăn thấy cuộc sống gian khổ thiếu thốn của các cháu nên gợi ý với các đồng chí lãnh đạo nên để các cháu được học tập, còn việc phục vụ văn nghệ dành cho người lớn (xem ảnh lớn).

Từ cái nôi nghệ thuật này nhiều người trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi: La Thăng, Nguyễn Đình Tích, Vĩnh Cát, Vũ Thanh, Cầm Bích, Lô Thanh, Phùng Thị Nhạn…

Khi đoàn giải thể đi khu học xá Trung ương học, một số về các đơn vị nghệ thuật mới thành lập: Anh Toại về Ban ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, anh Tích, chị Phùng Thị Nhạn (mới 14-15 tuổi, con chim đầu đàn ngành múa sau này) cùng về Đoàn ca múa Trung ương…

Trần Tất Toại vẫn long lanh trên cỏ non ảnh 1 Bác Hồ chụp với Thiếu nhi Nghệ thuật sau biểu diễn nhân lục tuần đại khánh. Ảnh: TL.

Về Hà Nội, anh Toại được học khoa sáng tác Trường Âm nhạc VN (1961-1967), lại còn được đi thực tập sinh nhạc nhẹ ở Viện Âm nhạc Quốc gia Bungari (1978-1981). Tôi vào đoàn giai đoạn sau (1950) nên cũng không sống cùng anh. Nhưng các bạn cùng trang lứa đều cảm thấy anh ít quảng giao, sống hơi khép mình. Sáng tác cũng ít và muộn.

Tất nhiên không dinh tê, không dao động, bi quan buồn chán. Nhưng anh Toại có một ca khúc để đời, nói lên cả cuộc sống nội tâm, trái ngược với cuộc sống bề ngoài thâm trầm, yên ắng của mình. Buổi sáng trên đồng nội anh viết trên đường từ Việt Bắc về Thủ đô, đến giờ cả ca từ và giai điệu vẫn tươi rói; vẫn long lanh như giọt sương trên ngọn cỏ non; vẫn là niềm tin yêu mãnh liệt tương lai tươi sáng đất nước; vẫn trọn vẹn niềm dâng hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc mà người đứng tuổi cả nước không ai không thuộc. Những người trẻ hôm nay ai cũng cộng hưởng khi giai điệu ngọt ngào trong sáng khi bài hát cất lên.

Anh Vĩnh Cát báo tin buồn cho tôi - trưởng ban liên lạc Cựu Thiếu nhi nghệ thuật, khi anh Toại đã đi xa mấy ngày trước. Anh Nguyễn Đình Tích, 87 tuổi, bạn cố tri anh Toại, đành đi xe máy dẫn tôi đến gia đình chia buồn và với tôi, đây là nén tâm nhang thắp trên ban thờ đúng 49 ngày giỗ anh. Nhưng tôi biết dù anh đi xa nhưng giọt sương Trần Tất Toại vẫn mãi long lanh trên ngọn cỏ non của đất mẹ Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.