Trần thi sĩ đi làm tiến sĩ

TP - Ngày cùng Trần Hòa Bình ở bên Học viện BC&TT, mình biết thân biết phận đi làm tiến sĩ sớm, bảo vệ đầu năm 1996. Thôi thì làm ở đâu không nói, chứ làm ở môi trường đại học, không có cái món học vị, mỗi khi lên lớp kể cũng khó coi. Riêng Trần cứ lần khân mãi. Hỏi thế bác có định “mần” không? Trần cười cười bảo mấy ai được giỏi giang như chú. Biết ông anh đùa, mình lại bảo: Bác mang danh thi sĩ là danh giá quá rồi chứ còn thiết gì tiến sĩ…

Ấy thế mà cuối cùng Trần Hòa Bình cũng đi làm thật. Mấy đồng nghiệp trong khoa trong trường giục. Lại có mấy ông bạn thân làm quan chức giục. Nhìn ra, mấy đứa đàn em nó cũng làm cả rồi. Có cả mấy đứa học trò văn dốt võ dát mà bây giờ cũng tiến sĩ tiến seo cả lượt. Rồi cuối cùng Trần cũng đồng ý. Ừ làm thì làm. Chẳng qua đây chưa muốn làm thôi nhé, chứ có cái quái gì!...

Trần thi sĩ đi làm tiến sĩ ảnh 1 Chuyến đi cuối cùng với nhà thơ Trần Hòa Bình lên Bắc Kạn - Cao Bằng vào tháng Tư - 2008. Từ phải qua trái: tác giả, Trần Hòa Bình, TS Hà Huy Phượng

Thế là Trần chọn đối tượng nghiên cứu là sự nghiệp của nhà báo-học giả lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng cái thời đó, người ta còn e dè những gương mặt như thế. Mà chả cứ ngày đó, cho đến tận bây giờ, những cái định kiến về cụ Vĩnh cụ Quỳnh cũng đã hết đâu. Thế là cái đề tài của Trần phải tính đi tính lại, cuối cùng phải xoay sang nghiên cứu báo chí của cả giai đoạn những năm đầu thế kỷ XX, trong đó cụ Vĩnh chỉ là một nhân vật mà thôi.

Ừ thì cuối cùng vẫn cứ xoay sao cho bằng được. Cái trò làm nghiên cứu sinh ở xứ ta ai còn lạ gì. Che che chắn chắn, đẽo đẽo gọt gọt sao cho càng nhẵn nhụi càng an toàn. Mà cái giống đời, phàm càng chủ an toàn thì cái viết lại càng…nhạt.

Còn nhớ, ngày đó Trần viết một bài mang tên “Nguyễn Văn Vĩnh và bản năng chữ”, trong đó Trần khẳng định lao động chữ nghĩa (làm báo chữ quốc ngữ, chữ Pháp; khảo cứu, dịch thuật) gắn liền với công cuộc cổ súy chữ quốc ngữ và chấn hưng văn hóa của cụ Vĩnh không chỉ thuộc vào trí năng mà hình như quan trọng hơn, phụ thuộc vào bản năng chữ ở cụ.

Cách nói chơi chơi ấy mà nghe ra có vẻ chí lý lạ. Vâng, một bộ óc kiệt xuất như cụ Vĩnh, thì dường như chữ nghĩa trong người cụ đã đạt đến độ nhuyễn rồi, tinh rồi và giàu có đến độ có khả năng biểu đạt được tất cả các cung bậc cảm xúc và ý tưởng. Thì như vậy, trong máu huyết con người ấy đã đạt đến độ bản năng chữ. Cụ dùng chữ dễ như lấy đồng xu trong túi lấy ra.

Nhưng mà cái bài ấy lúc đó cũng chưa đâu dám đăng. Sau này, hình như Trần có cho đăng ở một tờ báo hẻo lánh nào thì phải…

Có lần gặp mấy ông bạn của Trần, đồng thời cũng là ông anh của mình, mấy ông bảo: Mày về mày bảo thằng Bình có làm thì làm nghiêm túc đi, chứ không hoàn thành chuyên đề, quá hạn là nó cho toi đấy, bạn thì bạn cũng chả cứu được đâu.

Nghe thế, mình về hỏi ông anh định thế nào, Trần lại cười cười, lại nhấc cặp kính đít chai ra lau vào vạt áo. Trần bảo chú ngồi oóng đã, rồi sẽ đâu vào đấy í mà, có đ…gì đâu mà đã dọa nhau. Hix.

Trần là loại chân mọc nốt ruồi. Đi liên bất chi hồi. Cứ hở ra là rời nhà đi. Nay lên rừng phía Bắc, mai lại ngược rừng phía Tây. Trần yêu rừng. Rồi đi về phía biển. Về miền trung du. Trần lắm bạn. Lại hay được/bị mời, lắm khi bị chèo kéo. Tốt bạn và nhiều bạn tốt.

Thế là Trần đi suốt. Nhiều bận gửi con cho đám nữ sinh viên chăm sóc, thế là tót đi đến ngót tuần. Trần đặc biệt mê dân ca các miền, dân ca các dân tộc ít người. Thỉnh thoảng ngồi buồn, Trần lại nghêu ngao đôi trổ dân ca bất chợt. Giọng Trần cũng không đến nỗi nào. Nhưng cũng không dám bảo là hay.

Trần thi sĩ đi làm tiến sĩ ảnh 2 Nhà thơ Trần Hòa Bình

Một hôm gặp ở trên văn phòng khoa, Trần bảo chú về nhà tớ oóng tí. OK. Chả mấy khi được ông anh rủ rê. Về đến nhà, Trần bảo gay rồi chú ạ. Có chuyện gì mà gay hả bác? Tớ tính thế này, tớ đưa cho chú cầm mấy chục chú lên Đại Lải chẳng hạn, khoảng 2 tuần, chú thuê lấy cái phòng, rồi chú ngồi phang cho anh cái luận án, chứ bảo tớ bây giờ ngồi cầy cho xong gần 200 trang thì toi đời. Ấy chết bác, ai lại làm thế? Chú vung bút mấy mà xong. Khi nào mệt, chú lại vào mấy cái nhà nghỉ đấy mà phóng túng hình hài cho nó dồi dào cảm hứng. Vào tay chú là xong đẹp…

Mình bảo: Bác nói đùa hay nghiêm túc đấy? Ô chú, chuyện này là chuyện nghiêm chứ lại không nghiêm. Mình dứt khoát: Không được. Không thể được bác ơi. Bác là người nhiều chữ nghĩa hơn em, bậc thầy của em, tiếng tăm nổi như cồn, em có là cái thá gì đâu mà dám bỉ mặt bác như thế. Thôi, nhà cháu chả dám. Trần cứ đai đi đai lại: Chú làm thế còn ra làm sao…Chú làm thế còn ra làm sao…

Mình oóng xong phủi đít ra về, Trần còn nói với theo chú tính nhé chú tính nhé!

Chuyện qua đi ít tháng, bỗng Trần đột ngột lìa đời. Cái hôm Trần xấu số cũng là khi Trần đang ngao du miền biển Nam Định.

Bài thơ cuối cùng có tên “Khau Vai” Trần viết cũng là viết trong cuộc ngao du trên Suối Mỡ -Lục Nam thuộc mạn Bắc Giang. Cuối bài thơ thấy đề dòng “Khau Vai 2007- Lục Nam 2008”.

Cả cuộc đời của chàng thi sĩ này là những chuyến khởi hành. Đi. Chơi. Và viết.

Bây giờ ngồi ngẫm lại, Trần không làm tiến sĩ không phải không làm được, mà là Trần đếch thèm làm thôi. Trần hay bảo đời là …đít chén.
Cũng lại trộm nghĩ: Giả dụ như ngày ấy mình nhận lời ngồi viết cho Trần thì sự thể sẽ ra sao nhỉ? Cũng có thể viết được! Nhưng, nếu mà viết cho Trần thì tự nhiên hai anh em suốt đời ôm một cái cục đá mà không thể nào đổ bỏ cho ai được.

Ấy là giả dụ thế, chứ mình đây không đời nào làm cái việc ấy. Trần Hòa Bình là người mình yêu mến và cả có phần kính trọng nữa. Mà khéo chưa biết chừng, lão…thử mình cũng nên???

Khổ thân Trần, rượu thì có oóng được mấy đâu, chỉ được cái hay hô to là chính. Thế mà lúc nào cũng rêu rao đời là…đít chén!

Trước ngày giỗ lần thứ 6 của Trần 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.