Mai này còn cá tự nhiên?

Trăn trở của lão nông 'dụ' cá trên sông

 Ông Năm Cường cho cá ăn
Ông Năm Cường cho cá ăn
TP - Ở đầu nguồn sông Hậu, một lão nông có tài “dụ” cá tự nhiên không chỉ thỏa mãn thú chơi ngắm cảnh mà còn mong muốn bảo tồn loài cá thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt này. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân đánh bắt với các phương tiện tận diệt khiến ông trăn trở.

Nỗi niềm

Từ trung tâm thành phố Châu Đốc (An Giang) men theo con sông Vĩnh Nguơn, một nhánh của sông Hậu ở đầu nguồn, giáp Campuchia khoảng chục cây số là đến nhà của lão nông “dẫn dụ” cá tự nhiên nổi tiếng xứ này là ông Phạm Văn Cường (Năm Cường). Nhà ông ở khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, sống trong căn nhà sàn khang trang, cặp mé sông. Sau nhà, nơi ông nuôi cá khoảng 400m2 mặt nước, được chất chà, bao lưới xung quanh, phía dưới cá sông có thể ra vào tự nhiên còn trên ông cất sàn để nghỉ ngơi, cho khách đến tham quan, ngắm cá. 

Chợt nghe giọng ông Năm Cường đượm buồn: “Mình dày công bảo tồn, còn những người rà điện thì bất chấp, canh mình sơ hở là trộm bắt cá”. Nói rồi ông dẫn phóng viên ra chỗ nuôi cá ở phía sau, cầm mớ thức ăn quăng xuống cho cá ăn như hàng ngày. Cá nổi lên tranh nhau ăn, ông Năm Cường nói: “Bây giờ mất hết 40% rồi. Những con lớn, có con gần cả chục ký đều bị xung điện”.

 Ông Trần Văn Năm ở nhà kế bên sang chơi, góp lời: “Họ lấy đá chọi vào chỗ cá ăn hằng ngày để cá tản đi rồi bên ngoài dùng điện chích thì lấy gì còn”. Còn ông Nguyễn Văn Lặt, người bà con của ông Năm Cường ở huyện Châu Phú (An Giang) lên chơi, kể: Ba năm trước lên đây thấy cá sông vô phát ham, cũng không ai để ý đánh bắt bằng điện gì cả, nhưng giờ nhiều người biết đến nên sơ hở tý là họ bắt hết. Trong khi chủ nhà thì buồn bã: “Mấy hôm nay, người dân lén chích điện làm cá mất khá nhiều. Mình đã tốn công sức bảo tồn, mà họ...”.

Trước đây, khu vực nuôi cá của ông Năm Cường có hơn chục loài như mè vinh, rô phi, chốt, sặc... đặc biệt là đàn cá tra về đông nhất. Xung quanh đám lục bình được ông cắm tre, tràm đủ để ngăn người xấu đưa xuồng ghe vào phá, đàn cá lớn nhỏ có thể thoải mái ra vào ăn thức ăn và trú ngụ. Vào mùa nước nổi, khi cho ăn, đàn cá quen đến độ ông có thể chạm vào đầu chúng. Tuy nhiên, trước tình trạng người dân lén đánh bắt như hiện nay, phía ngoài hướng ra giữa sông ông không để lục bình dày đặc nữa bởi nếu để càng dày thì họ sẽ dễ bắt hơn. Còn trên sàn chỗ rải thức ăn, ông thuê nhân công sửa lại, lùi sâu vào trong nhằm tránh người dân làm cá hoảng sợ. “Mình đầu tư mấy trăm triệu để bảo tồn không tiếc, nhưng mỗi ngày thấy cá thưa dần mà buồn”, ông Năm Cường nói.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Gia đình ông Năm Cường ăn chay trường, sống bằng nghề kinh doanh gỗ, đến năm 2014 ông nghỉ rồi cất nhà sàn cặp mé sông để nghỉ trưa, hóng mát. Ông kể, trong lúc nghỉ trưa thấy cá nổi lên ông lấy thức ăn rải xuống cho cá ăn. Ban đầu có vài chục con, không nghĩ sẽ nhiều nhưng sau thời gian càng ngày cá càng dày đặc. Người dân thấy ông bỏ tiền mua thức ăn cho đàn cá sông ăn, nhiều người cho rằng ông không bình thường vì cá dưới sông ăn xong sẽ đi. Rồi đến lúc, mỗi ngày cá đến nhiều hơn, ông phải tăng số lượng từ vài ký rồi vài chục ký thức ăn mỗi ngày. Ông cho biết, có hơn chục loại, con nhỏ nhất cũng vài trăm gam, con lớn nhất lên đến cả chục ký. “Nếu tôi bao lưới thu hoạch bán vài trăm triệu như chơi”, ông Năm Cường nói vui.

Ông Năm Cường kể, ngày xưa ở xứ này là đầu nguồn lũ nên lượng cá từ Campuchia về nhiều vô số kể nhưng bây giờ cá tự nhiên giảm gần 90%. Vì thế, tôi muốn bảo tồn, giữ lại cho cá đẻ, sinh sôi nảy nở chứ như hiện nay người ta đánh bắt sẽ ngày càng kiệt quệ nguồn lợi thủy sản. Chi phí đầu tư 4 năm nay lên đến gần 500 triệu đồng nhưng ông không thu lại đồng nào. Tuy nhiên đó không là vấn đề quan trọng, bảo tồn và phát triển được các loài cá tự nhiên mới là tâm nguyện lớn nhất của ông.

Nghe ông Năm Cường “dẫn dụ” cá ngày về càng nhiều lên đến hàng tấn cá tự nhiên nên có không ít người trong và ngoài tỉnh đến tham quan, cảm thấy thích thú và muốn hỗ trợ tiền để ông mua thức ăn. Thậm chí có đơn vị lữ hành đặt vấn đề hợp tác tạo điểm du lịch tham quan cá tự nhiên để hằng ngày chở khách quốc tế đến. Tuy nhiên, ông đều lắc đầu từ chối. “Tôi chỉ muốn âm thầm làm việc mình thích là làm sao cho cá tự nhiên ngày càng sinh sôi nảy nở và không muốn khuếch trương ầm ĩ để được nổi tiếng gì cả. Tuy nhiên, khi nhiều người biết đến thì những người đánh bắt cũng biết và họ đợi lúc mình vắng là bắt bằng bất cứ phương tiện gì”, ông Năm Cường trăn trở.

Trăn trở của lão nông 'dụ' cá trên sông ảnh 1 Những người quen đến tham quan mô hình

Ông Lương Thế Luân, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguơn cho biết, hiện nay lượng cá tự nhiên đang ngày càng sụt giảm nên khuyến khích bà con trên địa bàn bảo tồn nguồn lợi thủy sản như mô hình dẫn dụ cá của ông Năm Cường. Theo ông Luân, địa phương là khu vực biên giới nên rất phức tạp, người dân địa phương đánh bắt bằng điện là một phần, còn lại ở nơi khác đến nên cũng rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân ý thức trong việc bảo tồn cá tự nhiên. “Hiện nay trên địa bàn cũng có một vài người dẫn dụ cá như ông Cường nhưng họ làm với mục đích kinh tế, đến thời điểm thích hợp là thu hoạch”, ông Luân nói.

Ông Trần Châu Phương Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang cho biết, năm 2018 sản lượng thủy sản tự nhiên khoảng 22.000 tấn, giảm so nhiều năm trước. Nguyên nhân do đắp đập ở thượng nguồn làm cá di cư sinh sản bị hạn chế, cùng đó là tác động của đê bao ngăn lũ, đánh bắt hủy diệt... Tình trạng này không riêng An Giang. Hiện nay, đơn vị phối hợp các ngành chức năng đang triển khai quyết liệt xử lý tình trạng đánh bắt bằng ngư cụ hủy diệt. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Trường hợp ông Năm Cường “dẫn dụ” cá góp phần cùng nhà nước bảo tồn và khôi phục lại các loài thủy sản tự nhiên”, ông Tuấn nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường ký quyết định (ngày 12/2) trao tặng bằng khen của cho ông Phạm Văn Cường vì “Đã có thành tích góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên sông".

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG