Tráng khúc tháng Bảy - Một “tượng đài” bằng thơ

Tráng khúc tháng Bảy - Một “tượng đài” bằng thơ
Với hơn 200 tác giả và 228 bài thơ, "Tráng khúc tháng Bảy" như một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bằng thi ca mà mỗi viên gạch là một bài thơ của các tác giả từ mọi miền Tổ quốc...
Tráng khúc tháng Bảy - Một “tượng đài” bằng thơ ảnh 1

Báo Tiền phong số 95 ra ngày 13/5/2005 đăng ghi chép Người "sống" với hơn 7000 liệt sĩ viết về cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Cam ở xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình).

Trong bài có một chi tiết: Cùng với việc đi tìm địa chỉ mộ liệt sĩ, CCB Lê Văn Cam còn sưu tầm các bài thơ về liệt sĩ. Đầu năm 2004, CCB Lê Văn Cam đã sưu tầm được gần 100 bài thơ của các tác giả trong cả nước. Một lần, ông Cam đến xin bài thơ Ru anh của tác giả Ánh Tuyết. Cuộc gặp đã tạo đà cho một công việc đầy ý nghĩa.

Ánh Tuyết là một nhà giáo, hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình. Chị có tập thơ Màu tầm xuân (NXB Hội Nhà văn 2000) được bạn đọc gần xa yêu thích. Trong tập thơ có bài Ru anh chị viết tặng những người vợ liệt sĩ mà người đầu tiên chính là mẹ của mình.

Người cha của Ánh Tuyết là liệt sĩ Nguyễn Hữu Thinh – Nguyên Huyện đội trưởng Huyện đội Hưng Hà (Thái Bình), người có công xây dựng Tiểu đoàn 42 QĐND Việt Nam những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Ông đã chỉ huy chiến đấu ngoan cường và hy sinh oanh liệt ở mặt trận Hải Hậu (Nam Định) vào tháng 10/1953.

Khi người cha hy sinh, mẹ của Ánh Tuyết mới 30 tuổi. Bà đã ở vậy thờ chồng, tham gia công tác và là Phó chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy suốt những năm đánh Mỹ.

Bài thơ có những đoạn thật cảm động, thời gian đi qua, người vợ giờ đã chân yếu tay mềm, tóc trắng trên đầu còn người chồng vẫn tuổi đôi mươi và người vợ lo chẳng còn xứng với anh: Dáng em giờ chẳng còn mềm/ Tóc em sợi trắng sợi đen nhiều rồi/ Anh còn mãi tuổi đôi mươi/ Biết làm sao xứng với người ngày xưa…?

Bài thơ đã lọt vào “mắt xanh” của cố nhạc sĩ tài hoa Trần Hoàn và trong một đêm ông đã hoàn thành ca khúc Ru anh. Bài hát đã được chính nhạc sĩ cùng các ca sĩ Thái Bình hát trong đêm nhạc Trần Hoàn tại Thái Bình.

Sau khi quen ông Cam, Ánh Tuyết đã giúp ông đánh máy vi tính các bài thơ viết tay cho dễ đọc. Rồi chị nảy ra ý định “phải làm một tuyển tập những bài thơ về đề tài liệt sĩ”. Từ đó chị bắt đầu tuyển lựa trong sách, gửi thư, gọi điện cho nhiều tác giả, bạn bè trên khắp cả nước để giúp mình trong việc tuyển chọn.

Ánh Tuyết còn nhờ nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (cũng là một người con liệt sĩ), tác giả thơ Lương Hữu và nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi giúp đỡ trong công tác tuyển chọn. Tập thơ đã được các nhà thơ, tác giả từ khắp mọi miền đất nước, được lãnh đạo tỉnh và một số cơ quan, ban ngành tỉnh Thái Bình ủng hộ nhiệt thành. Cho đến 1/7/2004, Ánh Tuyết đã tuyển chọn được 300 bài thơ.

Tập hợp xong, Ánh Tuyết đi gõ cửa một số nhà xuất bản nhưng đều nhận được sự khước từ (!) Sau những lần ấy, chị cũng thấy mệt mỏi, bế tắc. Thế rồi, qua một số nhà thơ ở Nam Định, chị gặp được nhà thơ Đoàn Mạnh Phương – Giám đốc Cty Văn hóa Trí tuệ Việt.

Xem qua 3 tập bản thảo, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương nói ngay: “Đã nơi nào nhận xuất bản cho tập sách chưa? Cty Trí tuệ Việt có thể giúp tập thơ ra đời, vừa là giúp chị, đồng thời việc này cũng nằm trong chương trình hoạt động của Cty mừng những ngày lễ lớn của đất nước”.

Chỉ trong 2 tháng trời, Cty Trí tuệ Việt đã tổ chức biên tập, liên kết xuất bản với NXB Văn hóa Sài Gòn để tập thơ ra mắt đúng dịp 27/7/2005. Tập thơ Tráng khúc tháng Bảy như trong lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi là “những câu thơ như máu chảy về tim”.

Tập thơ có sự góp mặt của hơn 200 tác giả ở các thế hệ nhà thơ với 228 bài thơ trong đó có nhiều bài thơ hay của các nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu với Lượm, Hãy nhớ lấy lời tôi; Chế Lan Viên với Thóc mới Điện Biên; Huy Cận với Ngã ba Đồng Lộc, Nguyễn Đình Thi với Hoa rừng, Hoàng Cầm với Vợ liệt sĩ, Dương Kỳ Anh với Bài thơ đi tìm mộ em tôi, Trần Đăng Khoa với Em dâng cô một vòng hoa…

Với Tráng khúc tháng Bảy, hy vọng nữ tác giả chủ biên tập sách đạt được ý nguyện: “Như một đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ bằng thi ca mà mỗi viên gạch là một bài thơ của các nhà thơ, tác giả thơ từ mọi miền Tổ quốc”. 

MỚI - NÓNG