Trang Thế Hy - một đời giản dị

Nhà văn Trang Thế Hy.
Nhà văn Trang Thế Hy.
TP - Cách đây hơn một năm, nhân dịp nhà văn Trang Thế Hy tròn 90 tuổi, đoàn nhà báo TPHCM có dịp tới thăm. Dù biết danh tiếng nhà văn đã lâu, nhiều người trong đoàn vẫn ngỡ ngàng khi một nhà văn nổi tiếng bao năm lại có cuộc sống giản dị đến như vậy. Một căn nhà đã cũ theo thời gian, một mảnh vườn nhỏ đầy cây nằm ven một con rạch nhỏ.

Đón chúng tôi là một ông già nhỏ thó - nhà văn Trang Thế Hy mà mọi người vẫn quen gọi với cái tên thân mật là chú Tư Sâm.  Ở tuổi 90, lại vừa trải qua cơn bạo bệnh, nằm viện gần hai tháng nhưng nhà có khách, chú Tư vẫn cố ra đón khách từ ngoài cổng.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, làm ở NXB Trẻ cho biết, cách đó vài tháng, NXB Trẻ đã ký hợp đồng tác quyền trọn đời với các tác phẩm của nhà văn Trang Thế Hy. “Tôi và giám đốc NXB Trẻ phải mất cả năm trời để thuyết phục ông Tư Sâm. Ông ấy là một nhà văn kỳ lạ. Ổng không tự đánh giá cao những tác phẩm mình viết ra. Tuy cuộc sống khó khăn, vẫn không màng chuyện tác quyền. Ông quan trọng tình nghĩa, chuyện ứng xử với nhau như thế nào hơn là tiền bạc, thủ tục. Chúng tôi đã phải thuyết phục rằng, việc ký tác quyền không phải vì cá nhân nhà văn hay chuyện tiền bạc lời lỗ, mà vì muốn tác phẩm không bị xé lẻ, vì cái tình với người đọc, vì văn hóa... thì ông mới chịu gật đầu”.

Trong chuyến đi, NXB Trẻ đem tặng nhà văn bốn tập sách mới của ông mới tái bản là Mưa ấm, Nợ nước mắt, Tiếng khóc và tiếng hát, Đắng và ngọt. Cầm những cuốn sách còn tươi màu mực in, chú Tư bảo: “Tôi vui lắm. Ai dè những cuốn sách này vẫn còn có bạn đọc quan tâm”. Ông cũng kể chuyện cách đó mấy tuần, cô nhà văn Cà Mau Nguyễn Ngọc Tư đến thăm. Thấy nhà ông có cây chuối rừng xanh um, cô cũng xin một gốc để đem về trồng. Về mấy bữa cô gọi điện lên khoe cây sống tốt, có lẽ lộc của bác Tư đã đâm chồi nảy lộc nơi Cà Mau quê cô.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM cho biết, Hội định tổ chức lễ đại thọ cho nhà văn nhưng ông từ chối. Ông bảo rằng, làm chi cho linh đình tốn kém. Bởi vậy, đoàn nhà văn xuống thăm chú Tư chỉ với mấy món quà nhỏ và một bức khánh chúc thọ. Nhận bức khánh, nhà văn cười móm mém: “Cám ơn mọi người còn nhớ đến tôi, còn đến thăm tôi. Tôi cũng mong sẽ còn viết được để cảm ơn mọi người”.

Nhà văn mời mọi người uống nước, mời mọi người ăn mấy trái mận trong vườn. Mừng sinh nhật tuổi 90 của ông chỉ giản dị như thế nhưng ông vui và khách vui lây. Sau nhà có chiếc ghế nhựa gắn bánh xe bằng sắt, con trai nhà văn bảo đó là chiếc xe lăn do ông tự chế. “Đã tính mua cho ba chiếc xe lăn tử tế nhưng ba không cho. Ba nói tiền làm việc khác, ba chỉ ngồi viết chớ có đi nhiều đâu”.

Nghỉ hưu năm 1992, ông về với nông thôn. Sống thanh bần, giản dị; nay ông về cõi khác cũng thật nhẹ nhàng. Và câu nói “Đi chỗ khác chơi” lúc sinh thời của ông đã trở thành câu truyền miệng của rất nhiều người. Bây giờ ông đã “đi chỗ khác chơi” thật rồi.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.