Tranh cãi về tác quyền đêm nhạc Khánh Ly: Tại luật định chưa chặt?

Khánh Ly hát đã xong, các bên liên quan vẫn tranh cãi về tác quyền. Ảnh: N.M.Hà
Khánh Ly hát đã xong, các bên liên quan vẫn tranh cãi về tác quyền. Ảnh: N.M.Hà
TP - Cuộc tranh cãi giữa Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam và công ty Đồng Dao xung quanh hai đêm diễn của Khánh Ly tiếp tục cho thấy sự chênh nhau đáng kể trong nhận thức về tác quyền của các bên liên quan.

Theo luật sư Trần Anh Dũng (Cty Luật TNHH Yulchon), việc đơn vị tổ chức không được sự đồng ý của chủ sở hữu mà vẫn sử dụng tác phẩm đã là vi phạm pháp luật. 

Một số đơn vị tổ chức tỏ ra nghi ngờ tư cách pháp nhân của Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc Việt Nam, từ đó né thực hiện nghĩa vụ tác quyền. Luật sư đánh giá thế nào về điều này?

Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm Nhạc do Hội Nhạc sĩ thành lập theo quyết định số 19/2002/QĐ-NS. Theo quyết định này cũng như quy định về quyền lập hội thì họ có tư cách pháp nhân độc lập, giống các pháp nhân khác. Không phải cơ quan Nhà nước không ảnh hưởng việc trả và nhận tác quyền. Việc thu tác quyền là quan hệ dân sự giữa tác giả/chủ sở hữu tác phẩm với người sử dụng trên cơ sở hợp đồng, cơ quan Nhà nước không can thiệp vào thỏa thuận này. 

Cơ quan quản lý chỉ cần đơn vị tổ chức biểu diễn làm giấy cam kết sẽ thực hiện tác quyền là cho phép biểu diễn. Điều này theo ông hợp lý đến đâu về mặt luật pháp?

Thỏa thuận về tác quyền và sử dụng tác phẩm là vấn đề dân sự. Không nên hành chính hóa vào thủ tục cấp phép, sẽ gây khó khăn cho các đơn vị tổ chức. 

Đơn vị tổ chức sau đó không thực hiện, xâm phạm quyền tác giả thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật. Tác giả có thể bảo vệ mình bằng cách khiếu kiện dân sự hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị tổ chức theo các thủ tục dân sự và hành chính liên quan.

Được biết, việc ủy quyền không làm mất đi quyền của tác giả với tác phẩm của mình. Vì thế nhạc sĩ vừa tự thu tác quyền vừa nhờ tổ chức đại diện thu hộ là hợp pháp. Ông đánh giá thế nào về việc làm này của một số nhạc sĩ?

Tác giả có toàn quyền đối với tác phẩm, do đó việc ủy quyền cho người khác thu tiền và vẫn tự thu tiền về cơ bản là phù hợp với quy định pháp luật. Trong tình hình quyền tác giả bị xâm phạm phổ biến như hiện nay ở Việt Nam, việc có đơn vị đứng ra thu hộ sẽ thuận tiện hơn cho tác giả. Tuy nhiên, việc thu hộ đó phải hợp pháp và hoạt động của bên thu hộ cũng phải minh bạch, hợp pháp. Nếu như có một cơ chế thu hộ tác quyền thống nhất và minh bạch thì việc bảo vệ quyền tác giả sẽ hiệu quả hơn.

Quan điểm của nhà tổ chức: “Việc lãnh đạo Trung tâm yêu cầu thanh toán và đưa ra các chỉ thị của Nhà nước để tạo áp lực và đe dọa đơn vị tổ chức là không tôn trọng pháp luật”. Theo anh, phía đại diện quyền tác giả nên dùng biện pháp nào trong trường hợp không đạt được thỏa thuận?

Nói như vậy là không chính xác. Việc đơn vị tổ chức không thỏa thuận với tác giả/chủ sở hữu tác phẩm (trong trường hợp này là thông qua người đại diện theo ủy quyền) về tác quyền và không được sự đồng ý sử dụng tác phẩm là hành vi vi phạm pháp luật trước tiên và rõ ràng.

Tôi không biết lãnh đạo Trung tâm đưa ra chỉ thị gì của Nhà nước để đe dọa, nếu họ đưa ra những chỉ thị, quy định pháp luật về việc vi phạm của đơn vị bên kia thì không có gì sai trái. Chỉ khi nào hành vi đòi tác quyền vượt quá phạm vi ủy quyền và xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của đơn vị tổ chức, mới có thể xem là trái pháp luật.

Để bảo vệ rốt ráo quyền của tác giả, có thể đề xuất ca khúc sử dụng trong chương trình phải có văn bản đồng ý của tác giả, như vậy nhà tổ chức sẽ có nghĩa vụ thỏa thuận với tác giả trước khi làm chương trình.

Luật sư Trần Anh Dũng
Vì không biết phạm vi ủy quyền của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm cho Trung tâm đến đâu để xác định Trung tâm có thể thực hiện những quyền gì thay mặt tác giả. Còn về phía tác giả, nếu muốn ngăn chặn hành vi xâm phạm có thể tố cáo hành vi xâm phạm theo thủ tục hành chính. 

Cũng lưu ý, hiện các quy định về chế tài đối với vi phạm này còn chưa đầy đủ và được thực thi hiệu quả. Nếu áp dụng các quy định của Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng không đủ cơ sở để ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu.

Ngoài ra, tác giả cũng có thể khởi kiện dân sự đòi bồi thường, tuy nhiên đây cũng chỉ là biện pháp sau khi vi phạm đã xảy ra.

Nói chung, quy định pháp luật hiện nay về việc này cần được sửa đổi và hoàn thiện, giúp tác giả ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm của đơn vị tổ chức biểu diễn.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.