Tranh cãi vì Mạc Ngôn đề chữ ở Khổng miếu

Tấm biển do Mạc Ngôn thủ bút
Tấm biển do Mạc Ngôn thủ bút
TP - Mấy ngày qua, văn đàn và giới học thuật Trung Quốc sôi sục tranh cãi quanh tấm biển “Càn Long thạch kinh” do nhà văn Mạc Ngôn đề tự... 

Mấy ngày qua, văn đàn và giới học thuật Trung Quốc sôi sục tranh cãi quanh tấm biển “Càn Long thạch kinh” do nhà văn Trung Quốc đoạt giải Nobel văn chương Mạc Ngôn đề tự, treo trước cửa gian trưng bày 13 tấm bia đá khắc bút tích của Hoàng đế Thanh Càn Long chép 189 bài trich từ 13 tác phẩm cổ văn kinh điển Trung Quốc như: “Chu Dịch”, “Thượng thư”, “Chu lễ”, “Thi kinh”, Luận ngữ”, “Hiếu kinh”, “Mạnh tử”…v.v... trong khuôn viên Khổng miếu ở Băc Kinh. Hàng loạt các “Nho học đại sư”, “quốc học đại sư”… đua nhau viết bài “bút phạt Mạc Ngôn”. 

Các “đại sư” cho rằng Mạc Ngôn mắc sai sót lắm lắm: nào là chữ trước cửa đền Khổng lão tiên sinh sao lại viết sai quy định (từ trái qua phải thay vì viết từ phải qua trái như trong cổ văn); nào là “một thợ viết tiểu thuyết chỉ may mắn được trao giải Nobel văn học sao có tư cách đề tự nơi Khổng miếu? Chữ viết khắc trên khung hình Rồng, rõ là kẻ viết không tự biết mình, người chủ trương càng là loại vô tri! Hành động sùng bái Mạc Ngôn như thế là hủy hoại văn minh Trung Hoa..vv.vv...

Nhiều người phê phán tấm biển của Mạc Ngôn cho rằng mời người nổi tiếng đề chữ là truyền thống của Trung Quốc, Mạc Ngôn đoạt giải Nobel đương nhiên được coi là danh nhân, được mời đề chữ để khắc biển là điều bình thường; nhưng vấn đề là ở phương thức đề chữ trên biển và nơi treo đó.

Trong văn hóa Trung Quốc trước đây, chữ Hán được viết và đọc từ phải qua trái; sau năm 1949 thì được đổi lại viết và đọc từ trái qua phải, nhưng viết hoành phi hay đề biển thì vẫn theo phép cũ, tức là viết và đọc từ phải qua trái. Đương nhiên, ở Trung Quốc hiện nay, hiện tượng đề hoành phi, đề tự biển tên từ trái qua phải cũng không hiếm gặp. Tuy nhiên, việc để tấm biển “viết ngược” xuất hiện ở nơi đậm sắc thái văn hóa như thế là khó được chấp nhận. Vì vậy chiếc biển đã hứng chịu những lời chế giễu, đàm tiếu.

Tranh cãi vì Mạc Ngôn đề chữ ở Khổng miếu ảnh 1

Nhà văn Mạc Ngôn

Một nguyên nhân khiến tấm biển do Mạc Ngôn đề chữ gây nên sự bất bình rộng rãi là bởi chữ ông xấu, lại được treo ở Khổng miếu, một nơi được coi là chốn thiêng liêng. Những người phê phán cho rằng mời một nhà văn đề chữ cho chốn này là không phù hợp.

Giáo sư Trần Minh, Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu Nho giáo Đại học sư phạm Băc Kinh – người được coi là “nhân vật đại biểu cho các nhà Nho Đại lục” nói: “Mạc Ngôn sai đã quá rõ, nhưng đáng trách hơn là người đã tìm đến ông nhờ đề chữ. Người viết “Cao lương đỏ” và người đề biển ở Khổng miếu phải khác nhau. Nếu Mạc Ngôn đề biển ở nơi khác đã là sai thì đề biển ở Khổng miếu lại càng sai. Vụ việc này đã bộc lộ sự sai sót, bất cập trong công tác quản lý Khổng miếu. Người quản lý nơi này phải ý thức được rằng mình đang giữ gìn truyền thống, là sứ giả giữ gìn văn hóa”.

Số ít người ủng hộ Mạc Ngôn thì cho rằng: ông là nhà văn lớn, hiện là Phó chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, không phải không biết đến phép treo câu đối, đề tự, nhưng hiện nay không còn là thời cổ xưa nữa, ngày nay đâu đâu cũng thấy các cặp câu đối treo “ngược”, các tấm biển viết “ngược”, mục đích của chúng cũng chính là để càng có thêm nhiều người đọc tiếp thu được nội dung mà thôi. Mạc Ngôn hoàn toàn có tư cách đề chữ, hơn nữa chữ của ông cũng không đến nỗi xấu. Một danh nhân như ông sao lại không đủ tư cách đề chữ cho một trong những hằng hà sa số Khổng miếu hiện mọc lên như nấm?

Cho đến ngày 16/5, tấm biển gây tranh cãi vẫn được treo ở chỗ cũ, nhà văn Mạc Ngôn vẫn chưa thấy lên tiếng về vụ việc này.

Theo NDNB và Sina.com
MỚI - NÓNG