Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ - Kỳ cuối: Cứ trình diễn cho vui

Vi Thùy Linh trình diễn tại lễ ra mắt sách “Hộ chiếu tâm hồn”. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
Vi Thùy Linh trình diễn tại lễ ra mắt sách “Hộ chiếu tâm hồn”. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy
TP - “Cứ trình diễn cho vui’ là quan điểm của nhà văn Trung Trung Đỉnh, người ủng hộ trào lưu “tạp kỹ sách”. Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái lại khảng khái: “Tôi không thích, nên tôi không tham dự”.

Có gì phải nặng nề

Cùng với sự ồn ào của trào lưu “tạp kỹ sách”, những luồng ý kiến về nó cũng khá đa dạng. Có vẻ như, người trẻ dễ thích ứng với trào lưu này hơn, còn những người có tuổi khá “dị ứng” với nó. Thế nhưng, thật bất ngờ, nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn lại khá cởi mở: “Ôi dào, trình diễn thì sao nào? Trò này có gì mới mẻ đâu. Có gì phải nặng nề, cứ trình diễn nếu thích, cho buổi giới thiệu sách thêm vui”.

Điều này cũng được thể hiện khá rõ qua các buổi ra mắt sách tại NXB Hội Nhà văn (65 Nguyễn Du, Hà Nội), nơi có hẳn một phòng chuyên tổ chức các buổi ra mắt sách. Tại đây có khá nhiều cuộc ra mắt rầm rộ còn mời cả đoàn hát quan họ, hoặc mời nghệ sỹ ngâm thơ, ca sỹ, nhạc công kéo violon… tới giúp vui.

Quả thực, nhiều tác giả ra mắt sách ở đây không có ý định dùng chiêu “trình diễn” để PR bản thân hay PR cuốn sách, họ chỉ dùng phần biểu diễn để làm cho cuộc vui thêm vui. Thí dụ, trong buổi giới thiệu sách gần đây của nhà thơ, thương binh Đỗ Hữu Thiêm, ngoài những ý kiến đánh giá tập thơ “Cây nến cháy” còn có sự trình diễn của bà xã tác giả.

Bà lên hát ca khúc được phổ nhạc từ thơ của chồng. Bài hát chưa hẳn đã hay, giọng ca “cây nhà lá vườn” chưa hẳn đã tốt nhưng gây xúc động. Sau buổi giới thiệu sách, Đỗ Hữu Thiêm lại trở về làng quê sống một cuộc đời bình dị như ông đang sống, ông không quan tâm đến chuyện nổi tiếng hay không, chỉ coi cuốn sách cũng như buổi giới thiệu sách là kỷ niệm của một cuộc đời nhiều thăng trầm.

Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ - Kỳ cuối: Cứ trình diễn cho vui ảnh 1

Vi Thùy Linh trình diễn tại lễ ra mắt sách “Hộ chiếu tâm hồn”. Ảnh: Nguyễn Xuân Thủy

Nhà văn trẻ Phong Điệp cho rằng: “Đây là xu hướng mới được nhiều tác giả ưa chuộng. Bởi bên cạnh việc trao đổi, trò chuyện với tác giả về tác phẩm, những tiết mục này cũng kích thích công chúng yêu văn chương tìm đến tác phẩm văn học để ít ra là xem nó thế nào”.

Theo Phong Điệp, có khi xem tác phẩm được trình diễn mà chị cũng thấy… nổi da gà. Đó chính là trình diễn trích đoạn tiểu thuyết Kín của nhà văn Nguyễn Đình Tú và nghệ sĩ Kim Oanh tại Ngày hội đọc sách 2011.

Bản thân Phong Điệp năm đó cũng tham gia trình diễn truyện ngắn Phố núi cùng hai diễn viên Cao Sơn và Huyền Trang. Theo chị, việc tham gia thể hiện tác phẩm ở một hình thức khác (sân khấu hóa) thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, mang lại nhiều cảm xúc cho người viết.

Không thích, không tham dự

Trước hiện tượng một số buổi ra mắt tập truyện ngắn, tiểu thuyết hoặc tập thơ hiện nay có xu hướng kết hợp với sân khấu trình diễn âm nhạc và tạp kĩ, hay nói nôm na là được sân khấu hóa, PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái thẳng thắn: “Ra mắt sách thì cần nhất là phải đối thoại giữa tác giả với độc giả về cuốn sách đó, chứ cần gì đến nhạc nhẽo, hoa hòe hoa sói ồn ào trên sân khấu? Đó có phải là văn nghệ quần chúng đâu? Do đó, đối với lễ ra mắt sách kiểu như vậy, tôi không quan tâm, không thích và không tham dự”.

Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ - Kỳ cuối: Cứ trình diễn cho vui ảnh 2

Biểu diễn nhạc jazz tại đêm ra mắt sách "Bát phố" của Bảo Sinh

Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Minh Thái lại tham dự khá nhiều lễ ra mắt sách văn học, thậm chí bà từng làm MC cho nhiều buổi ra mắt sách, như lễ ra mắt cuốn Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê tại L’Espace, hay buổi ra mắt sách mới của Nhã Nam, của NXB Trẻ, của Bách Việt…

Nguyễn Thị Minh Thái nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, văn hóa đọc là cuộc đối thoại ngầm (đọc ngầm) giữa người đọc thông minh và quyển sách hay, dù nó là thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hay du ký, bút ký, tùy bút, kịch bản văn học...

Đã cầm quyển sách lên thì phải đọc chữ, đã là chữ văn chương thì phải đọc một mình đến cuối cùng cho vỡ chữ. Đọc là sự cô đơn với sách, hoàn toàn không phải cử chỉ dành cho một đám đông”.

Lý giải về hiện tượng ra mắt sách văn chương được sân khấu hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Tôi biết có một bộ phận khán giả thích kiểu ra mắt khá là ồn ào và phô trương này, có thể vì người đọc hôm nay quá bận rộn, không có thời gian để đọc thơ, không có giờ phút lắng lòng với chữ nghĩa văn chương.

Bây giờ có thể cứ cái gì nhanh, gọn, ít chữ là được người ta thích ngay. Cho nên có thể vì thế văn hóa đọc xuống cấp, vì hiện nay người ta có rất nhiều thứ để lựa chọn, người ta thích nhanh thì có ngay văn chương phải “nấu nướng” nhanh để thỏa mãn tức thì, như thức ăn nhanh. Trẻ con cũng không thích đọc chữ, vì đã có truyện tranh và phim hoạt hình.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, số người yêu thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết… và thích một mình đọc thầm tác phẩm văn chương vẫn chiếm số đông”.

Đọc thơ không cần… nhảy múa

Nhà thơ Trần Quang Quý , Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn cũng thuộc “phe” phản ứng dữ dội trước trào lưu “tạp kỹ” sách. Ông Quý cho rằng, phần “tạp kỹ” trong giới thiệu sách là… không quan trọng. Bởi lẽ: “Câu chữ trong tác phẩm mới quyết định giá trị, không phải thứ gì khác. Nhưng bây giờ nhiều người đã tìm cách PR cho cuốn sách bằng hình thức khác. Trình diễn tác phẩm bằng múa hay dưới dạng kịch câm... trên thế giới có trước rồi”.

Trào lưu “tạp kỹ sách” nở rộ - Kỳ cuối: Cứ trình diễn cho vui ảnh 3

Sân khấu hóa văn chương khác với trình diễn. Ảnh: T.L

Ông cũng thừa nhận: “Đó là hướng tiếp cận mới với tác phẩm” tuy nhiên nhất định bảo lưu quan điểm: “Hãy bỏ bùa độc giả bằng câu chữ. Thơ, văn phải thuyết phục bằng văn bản. Đọc thơ cũng là sự trình diễn nhưng không nên có nhảy múa, trình diễn thể hình hay kịch câm...”.

Khi được hỏi: “ Ông có định giới thiệu sách của mình theo hướng “tạp kỹ” cho có mùi thời đại không?”, không cần suy nghĩ, tác giả “Giấc mơ hình chiếc thớt” đáp: “Không bao giờ có chuyện Trần Quang Quý đứng lên diễn thơ. Trông hề lắm.

Tôi nhớ khi Lê Đạt còn sống (khoảng năm 2007-2008 gì đó) trong một buổi xem ở sân thơ trẻ, lúc bấy giờ có cả nhà thơ Dương Tường biểu diễn với một số người trẻ bằng cách quấn giấy vệ sinh quanh người, ông Lê Đạt cười, bảo: Bọn này nó không có bản văn”. Thực ra, cái mà Lê Đạt xem là một tác phẩm trình diễn, nên việc đánh giá không có “bản văn” là không đúng sự việc. Tuy nhiên, phát ngôn này cho thấy, cố thi sĩ “bài xích” trình diễn văn chương.

Nhà nghiên cứu phê bình văn học Ngô Thảo lại có cách nhìn khác, không khen, không chê quá mức: “Sách cũng như người: Người năm bảy đấng, của năm bảy loài. Mà thứ bậc này cũng thay đổi theo thời thế và thời gian.

Văn học thời nay không còn có vị trí xã hội như thời trước. Rất nhiều thứ là sản phẩm hàng hoá đại chúng. Nên nó phải sử dụng và tận dụng ưu thế của các loại hình và kỹ thuật khác cũng là lựa chọn thông minh”.

Theo nhiều nhà chuyên môn, trong đó có các nghệ sỹ trình diễn (performance art), hình thức sân khấu hóa văn chương như thường xảy ra ở các cuộc ra mắt sách không phải là trình diễn theo đúng nghĩa. Đây chỉ là hình thức sân khấu hóa tạo ra các “hoạt cảnh sân khấu” vốn từng được làm từ rất lâu ở VN.

MỚI - NÓNG