Trên 20 triệu người Việt Nam thường xuyên sao chép tác phẩm không xin phép

GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO phát biểu tại hội thảo.
GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO phát biểu tại hội thảo.
Sáng 25/11, tại Hà Nội, Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETTRO) phối hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Quản lý tập thể quyền sao chép trong môi trường số”.

Hội thảo đã thu hút đông đảo sự quan tâm của các đại diện chủ sở hữu quyền, người sử dụng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông báo chí.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại, Chủ tịch VIETTRO, cho biết, thiệt hại hàng năm do giới tội phạm mạng máy tính gây ra cho toàn thế giới là rất lớn.

Như các nước khác, Việt Nam không nằm ngoài những vấn nạn, khó khăn trong việc quản lý quyền tác giả cũng như các vi phạm liên quan bản quyền, sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là khó khăn trong quản lý sao chép dưới hình thức sao chụp, và sử dụng số sau khi tác phẩm đã được xuất bản. Hội thảo lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả thực thi quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm trong môi trường số.

Theo điều tra khảo sát của Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) được báo cáo trong Hội thảo: Trên 20 triệu người dân Việt Nam thường xuyên sao chép tác phẩm không xin phép và trả tiền thù lao cho tác giả.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề chính là quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; quản trị tập thể về quyền sao chép trong môi trường số; sự ra đời, chức năng và các vai trò nhiệm vụ chính của VIETTRO - đơn vị làm cầu nối giữa người sở hữu quyền sao chép và người sử dụng tác phẩm, phục vụ lợi ích của cả hai phía và lợi ích chung của toàn xã hội.

Trong thời đại ngày nay, Internet có vai trò quan trọng, các cơ hội do nó mang lại đồng thời với những thách thức đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, đặc biệt là việc bảo hộ quyền tác giả. Nền kinh tế thế kỷ 21 phát triển trên nền tảng những ý tưởng. 

Để bảo vệ và khuyến khích các ý tưởng mới phát triển, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ - tài sản trí tuệ là vô cùng quan trọng. Công tác quản lý tập thể quyền sao chép trong môi trường số cũng là một trong những vấn đề đang được đông đảo giới chuyên môn và công chúng quan tâm.

Theo nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí VIETRRO, VIETRRO là tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi ý chí của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đến nay, VIETRRO đã có gần 4.000 tác giả là hội viên cá nhân và hơn 200 hội viên là các tổ chức đại diện cho tác giả.

VIETRRO đã trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Quốc tế quyền sao chép từ tháng 6/2011. VIETRRO cũng đã ký thỏa thuận hợp tác song phương với nhiều tổ chức tương ứng trong khu vực và quốc tế, như:  Nhật Bản, Úc, Nga, Hồng Kông, Philipin, Na - uy, Hàn Quốc… nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của hội viên VIETRRO ở nước ngoài và của người nước ngoài có tác phẩm được sử dụng ở Việt Nam. 

VIETRRO cũng đang đàm phán với tổ chức quản lý tập thể CCC của Mỹ và một số tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép khác. Nếu tình trạng vi phạm sao chép cứ tiếp diễn như hiện nay thì nguy cơ các tài liệu của nước ngoài sẽ hạn chế công bố và phổ biến ở Việt Nam. Và thiệt hại lúc đó sẽ thuộc về người dùng, nguồn tài liệu hay trên thế giới sẽ dần khan hiếm, khó tìm, hoặc phải trả mức phí rất cao.

Thông tin từ Liên đoàn quốc tế các tổ chức tập thể quyền sao chép cho thấy ở những nước phát triển đã xuất hiện khái niệm công nghiệp quyền tác giả, được coi là một ngành công nghiệp không khói hàng năm đóng góp từ 4-6% GDP, đồng thời góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động. 

Tại nhiều quốc gia có môi trường số phát triển, việc bán hàng qua mạng Internet tăng lên nhanh chóng, trong đó hàng hóa là các xuất bản phẩm đứng hàng thứ ba. Do đó, có thể khẳng định rằng phát triển công nghiệp quyền tác giả này ở các nước phát triển có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi nhuận để phát triển kinh tế và hội nhập.

Những trao đổi và chia sẻ tại hội thảo sẽ là tiền đề quan trọng trong việc thực thi các quyền liên quan trong môi trường số tại Việt Nam trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG