Trung Quốc: Sốt văn học 8X

Trung Quốc: Sốt văn học 8X
Hiện nay, cái tên “nhà văn sinh sau năm 1980” đã được dùng để chỉ những tác giả Trung Quốc trẻ có tác phẩm gây chú ý, thay thế cho những tên gọi trước như “tân sinh đại” (lứa mới sinh), “vãn sinh đại” (lứa sinh sau).

Một vài nhà phê bình khác còn gọi họ bằng tên “tân nhuệ” (lứa sắc bén mới) để khẳng định những thành quả nổi trội của họ.

Mười gương mặt “tân nhuệ” tiêu biểu đã được chọn ra là Hàn Hàn, Quách Kính Minh, Lý Sỏa Sỏa, Trương Duyệt Nhiên, Xuân Thụ (Truyện dài Búp bê Bắc Kinh của chị đã được NXB Văn học ấn hành), Tôn Duệ, Tiểu Phạn, Tưởng Phong, Hồ Kiên, Tôn Giai Vĩ.

Lứa sinh sau năm 1980 có lợi thế về mặt học hỏi, tiếp xúc với văn học nước ngoài. Không kể số tác gia, tác phẩm họ học và đọc thêm trong nhà trường đã hơn hẳn lứa nhà văn đi trước, mà họ còn đọc rất nhiều tác phẩm của Milan Kundera, Gunter Grass, Pasternak, Beckett… Mạng Internet là vũ đài cho họ giao lưu và sáng tác, vì thế họ được đánh giá là lứa nhà văn có đầy đủ cơ sở và tố chất sáng tác.

Thôi thúc trước hết khiến họ cầm bút viết là viết về mình, rộng hơn là một thế hệ, bởi họ thấy không ai hiểu được họ bằng chính họ; sau đó là viết về người và việc trong hoàn cảnh xã hội, mà họ quen  thuộc, họ gửi gắm vào đó những suy nghĩ, nguyện vọng và trí tưởng tượng vô cùng phong phú.

Những nhà văn lớp trước chịu khó đọc tác phẩm của họ thấy rằng, ngoài một số ít viết để bày tỏ trạng thái sinh tồn cá nhân, khác đời của mình ra, nói chung sáng tác của họ có cốt truyện quanh co, hấp dẫn, nhiều tình tiết ly kỳ, văn viết uyển chuyển, cuốn hút với cảm thụ chân thành; trong truyện thế nào cũng không thiếu tình yêu và quá trình trưởng thành, tư tưởng trung tâm có thể nói khá sâu sắc.

Nhưng mới đây, điều thú vị là một số nhà phê bình cũng sinh sau năm 1980 đã ra sách Phê phán mười tác gia thanh thiếu niên với phong cách phê bình được gọi là “khốc”, tập trung phê phán số tác gia và tác phẩm đang được hâm mộ, phê phán mãnh liệt khuynh hướng sáng tác thương mại hóa, nhắc nhở các nhà văn thanh thiếu niên phản tỉnh về lý tưởng văn học và cảnh giác với thị trường văn học.

Trung Quốc: Sốt văn học 8X ảnh 1

Tiểu thuyết Búp bê Bắc Kinh - NXB Văn học

Trong sách nói trên, Hàn Hàn bị phê là “chiếc chìa khóa cũ sứt mẻ”, Xuân Thụ bị chế giễu là “không có đầu óc”, còn Quách Kính Minh bị phê là “tiểu thái giám trong vương quốc văn học”.

Lời phê bình này được hiểu là “thiếu huyết tính trong sáng tác, loãng xương về nội dung, sách thiếu khung xương khỏe mạnh, thiên về âm nhu”, tự động vứt bỏ cá tính và coi đó là lẽ đương nhiên.

Tuy vậy, năm 2004, lứa sinh sau năm 1980 lại làm cho bạn đọc phải chú ý bằng việc sáng tác “tiểu thuyết võ hiệp linglei” (linglei - Loại khác). Sự kiện một lần nữa làm dấy lên tiểu thuyết võ hiệp này cũng là một trong những điều đáng chú ý nhất của giới xuất bản Trung Quốc năm ngoái.

Cuốn truyện dài Trường An loạn của Hàn Hàn cùng một số truyện như Sao chẳng vui lòng làm (Hà lạc bất vi), Yên chi lệ (Lệ má phấn môi son), Song Phi lục (chuyện Song Phi)… của những tác giả còn rất trẻ khác đã bán rất chạy.  Điều đó chứng tỏ thời đại hiện nay ở Trung Quốc, tiểu thuyết võ hiệp vẫn có sức hấp dẫn đối với đông đảo bạn đọc nước này.

Trước hiện tượng này, nhà phê bình Cam Đan cho rằng, mặc dù còn có cách nhìn nhận khen, chê đối với loại võ hiệp linglei, song việc tiểu thuyết võ hiệp linglei bán rất chạy đã là một sự thực, mặc dù nếu đem so sánh với tiểu thuyết võ hiệp truyền thống thì truyện võ hiệp linglei đã biến đổi rất nhiều, biểu hiện chủ yếu ở chỗ:

1. Bối cảnh lịch sử thường được coi trọng trong tác phẩm võ hiệp truyền thống thì hầu như không còn tồn tại ở truyện tiểu thuyết võ hiệp linglei, nếu có thì cũng rất mờ nhạt.

2. Võ được miêu tả trong truyện võ hiệp linglei cũng được các tác giả còn rất trẻ làm nhạt nhòa đi. Nếu những màn đánh võ kinh tâm động hồn là rất quan trọng trong tiểu thuyết võ hiệp truyền thống thì trong số truyện võ hiệp của tác giả thanh thiếu niên, nguyên tố võ bị đẩy xuống hàng chót bét.

3. Văn hóa truyền thống là một nhân tố cấu trúc hết sức quan trọng trong tác phẩm võ hiệp trước đây cũng được tiêu giải không có hạn độ nào trong truyện võ hiệp linglei.

4. Bất kể về thủ pháp biểu hiện nay ngôn ngữ hoặc tình tiết cốt truyện, đều được các tác giả pha trộn với những nguyên tố mang nhiều tính hiện đại hơn.

Người ta nhận thấy lứa sinh sau năm 1980 sáng tác trong không khí ngữ cảnh ngày nay, bằng hình thức tư duy ngày nay và trong bối cảnh hiện thực ngày nay vì thế tác phẩm của họ là sự đảo ngược đối với tác phẩm võ hiệp truyền thống, là sự thay đổi và thách thức ngay cả với tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Giấc mộng hiệp khách của văn nhân thiên cổ vẫn được tiếp nối nhưng nội dung mộng đã thay đổi rồi.

Lứa sinh sau năm 1980 sẽ còn gây bất ngờ khác cho văn đàn Trung Quốc, nhưng đáng tiếc là mặc dù có Hàn Hàn và một vài tác gia trẻ khác, nhưng Thượng Hải vẫn không chịu nhận họ là nhà văn trẻ của Thượng Hải.

MỚI - NÓNG