Truyền hình thực tế: Nghịch lý chất và lượng

Hình ảnh trong một gameshow truyền hình thực tế.
Hình ảnh trong một gameshow truyền hình thực tế.
TP - Chương trình truyền hình thực tế đang bùng nổ với một danh sách dài dằng dặc, phủ sóng hầu khắp các kênh trên truyền hình. Nhưng trái với sự phát triển cực nhanh về số lượng, chất lượng của các chương trình lại tụt dốc không phanh, nhiều scandal, nhiều sự cố xảy ra.

Lợi nhuận dĩ nhiên là lý do khiến các TV show mọc ra như nấm. Tuy nhà sản xuất bỏ hàng triệu đô la để mua bản quyền, nhưng tiền được nhà tài trợ chi cho mỗi chương trình ăn khách cũng được tính bằng triệu USD. Một chương trình “hot” bao giờ cũng có hàng tá các nhà tài trợ, ngoài nhà tài trợ chính, nhà tài trợ vàng, bạc, đồng... Giá cho mỗi spot quảng cáo cũng cao vượt mặt, có những chương trình khách hàng phải chi trả đến 350 triệu đồng cho 30 giây spot quảng cáo. T. H, nhân viên truyền thông của một công ty “đại gia” sản xuất chương trình truyền hình thực tế cho hay, chỉ tính riêng doanh thu quảng cáo, có những chương trình đạt hàng trăm tỷ đồng, và nhà sản xuất bỏ túi tiền tỷ cho mỗi tập phát sóng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, trái với độ bền của các gameshow khi được sản xuất ở nước ngoài, ngay cả những chương trình ăn khách về Việt Nam chỉ trụ được vài ba mùa là bắt đầu nhợt nhạt, thiếu sức sống, đầy sạn và gây ra rất nhiều scandal.

“Khó mà tránh được sai sót” là nhận định của một biên tập viên thuộc một đơn vị chuyên sản xuất các chương trình truyền hình thực tế khi được hỏi về công việc biên tập các gameshow. Chị cho biết, là một đơn vị tư nhân, số nhân lực dành cho một chương trình luôn nằm ở mức tối thiểu. Một người có thể phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc với thời gian luôn ít ỏi. Một gameshow ca nhạc từng bị phản ứng khi lấy chiếc khăn thiêng của đồng bào dân tộc thiểu số làm khố là do người thực hiện chỉ biết chạy đến nơi thuê quần áo để hỏi và thuê luôn trang phục. Căn cứ duy nhất để chị biết trang phục của dân tộc nào do người bán hàng đảm bảo. Chị nói không có cả thời gian kiểm tra vì chương trình yêu cầu gấp rút, đồng thời chi phí đi thuê trang phục lại bị giới hạn, nên phải đợi cận ngày mới đến thuê.

Một thực tế khác là khi mua bản quyền các chương trình truyền hình thực tế tại nước ngoài, đa số các đơn vị bán bản quyền đều yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ đúng theo format chương trình. Thậm chí, như với chương trình The Voice, đơn vị sản xuất còn phải nhập về cả bộ ghế xoay cho các huấn luyện viên. Bởi thế nhà sản xuất phải chịu sự giám sát của rất nhiều bên như bên bán bản quyền, bên nhà tài trợ cũng như bên phát sóng. Đây là áp lực rất lớn với nhà sản xuất. Nhưng áp lực nặng nề nhất với nhà sản xuất chính là doanh thu từ chương trình. Bỏ ra số tiền đầu tư không nhỏ như mua bản quyền, đầu tư sản xuất, mua sóng nhưng việc thu tiền lại chỉ trông chờ vào doanh thu quảng cáo. Mà yếu tố quan trọng nhất để móc túi các nhà tài trợ lại được đo bằng số lượng người xem. Chính vì thế nhà sản xuất phải tìm cách để “câu view” khách xem đài.

Một chuyên gia sản xuất chương trình truyền hình cho biết, do áp lực cạnh tranh, nhiều đơn vị sẵn sàng mua sóng truyền hình những giờ đẹp trước cả vài tháng rồi sau đó mới tìm cách mua chương trình để sản xuất. Những đại gia truyền hình thực tế tại Việt Nam như Cát Tiên Sa hay BHD đều có sẵn sóng vào giờ đẹp trước khi tổ chức sản xuất chương trình. Chính vì thế, việc kiểm duyệt của nhà đài nhiều khi cũng bị động, khó có thể ngừng phát sóng các chương trình có vi phạm mà chỉ chỉnh sửa, cắt cúp. Đôi khi nhà đài cũng bỏ lỏng khâu kiểm duyệt do tin tưởng đối tác có kinh nghiệm.

“Điệp vụ tuyệt mật” vẫn phải chờ VTV?

Liên quan đến hướng xử lý sai sót trong chương trình truyền hình thực tế Điệp vụ tuyệt mật, phóng viên liên hệ với đơn vị liên kết sản xuất-công ty Cát Tiên Sa. Qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Cát Tiên Sa nói đang công tác nước ngoài, không phát ngôn. Liên lạc với Phó Tổng giám đốc Cát Tiên Sa, bà Vũ Thị Tuyết Vân từ chối bình luận ở thời điểm này. Bà nói thêm rằng phải chờ VTV và Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau khi đăng tải thông tin tạm dừng phát sóng trên website, VTV chưa có thêm động thái nào. Phóng viên tiếp tục liên hệ với đại diện Ban thư ký biên tập của VTV - được cho là chịu trách nhiệm phát ngôn trong sự việc - không nhận được câu trả lời cụ thể. Sai sót về hình ảnh đồ họa đường bay từ Thái Lan đến Hà Nội do một hãng hàng không tài trợ thực hiện, hãng này lập tức phát đi lời xin lỗi. Tuy nhiên, câu hỏi về trách nhiệm kiểm duyệt của các bên liên quan vẫn chưa được giải đáp.          

 P.V.T

MỚI - NÓNG