Truyện ngắn: Nguyên

Truyện ngắn: Nguyên
TP - “Đi!” Nguyên giật bắn mình. Là tiếng mẹ quát dưới bếp. “Cái con mèo này! Đem cho nó đi cho rồi!”, mẹ tiếp tục cằn nhằn. Lại là con mèo đó.

Vài tuần nay nó bỗng xuất hiện ở nhà Nguyên. Chẳng biết là mèo hoang hay mèo của nhà ai đi lạc. Hay có khi là mèo của gia đình mới dọn đến. Gia đình này khá đông, đến tận tám, chín người. Nguyên chỉ nhớ được mỗi bà bác già trong gia đình đấy, hình như mẹ vẫn gọi là bà Yên.

Meo…

Nguyên cúi xuống. Con mèo dừng cào chân cô, ngước mắt nhìn. Nguyên xuống bếp lấy một ít cá kho trong nồi và đặt vào một đĩa nhỏ. Cô trở ra, đặt cái đĩa bên cạnh con mèo.

Nó ăn hết sạch chỗ cá, rồi như mọi khi, ngúng ngẩy cái đuôi cụt và bỏ đi. Có lẽ do Nguyên cứ cho nó ăn như thế, nên mãi nó chẳng chịu về với chủ của nó.

Lâu lắm rồi Nguyên không nuôi con vật nào trong nhà. Ba, mẹ của cô không hứng thú với việc nuôi chó hay mèo; nhưng họ cũng không phản đối, nếu cô muốn.

Hồi cô còn bé, mẹ đã tặng cho cô một chú chó con giống Nhật, nhỏ nhắn, nhưng lông xù, rất xinh. Cô yêu nó lắm và quyết định đặt tên cho nó theo nhân vật truyện tranh mà cô yêu thích – Lucky, trong tên của chàng cao bồi Lucky Luke. Lucky ở với cô được một thời gian ngắn thì nhà của cô được xây sửa lại. Tất cả đều bề bộn. Ba, mẹ quá bận rộn để có thể chăm sóc Lucky, còn cô thì quá bé. Nguyên nhớ mãi đêm hôm đấy. Trời mưa tầm tã, sân ngập đầy bùn, đất lẫn xi măng. Mọi thứ đều nhớp nháp, dơ bẩn. Cả Lucky lúc ấy  cũng vậy. Nó đang rên ư, ử đòi vào trong nhà. Anh trai của Nguyên đứng chặn ngay cửa và đang cố đẩy nó ra. Lucky nhìn sang Nguyên - khi đấy đang đứng phía sau anh trai. Cô nhìn lại nó. Mãi đến tận khi trưởng thành, cô vẫn không thể quên được ánh mắt của Lucky. Hình như cô đã đọc được sự cầu xin, cô không nghĩ lúc đấy mình đang nhìn vào mắt của một con vật. Rồi anh trai đóng sập cửa, để Lucky ở lại ngoài sân. Sáng hôm sau, Lucky được phát hiện nằm chết ngay cửa. Nguyên khóc sưng mắt. Giá như lúc đấy cô kiên quyết hơn và để Lucky vào trong nhà, có lẽ nó đã không bị chết rét như vậy.

Meo…

Con mèo đã quay lại tự bao giờ. Nó nằm cuộn tròn, ngoan ngoãn bên cạnh Nguyên trên ghế sô pha. Cô đang xem dở một bộ phim của Pháp. Nguyên ít xem phim của Pháp vì phim thường chậm và triết lý nhiều. Phim cô đang xem cũng không phải là ngoại lệ.

Phim nói về cuộc sống của một người phụ nữ sau mười lăm năm ngồi tù vì tội giết con ruột. Người phụ nữ này mang đầy mặc cảm về tội lỗi của mình. Bà ta quá mặc cảm để có thể thừa nhận tình yêu của chính cô em gái của mình. Xem đến phân đoạn người em gái hét lên với chị “em đã vẫn luôn yêu chị”, Nguyên đưa tay lên quẹt nước mắt.

__________________________

Truyện ngắn: CD cũ

Ôi, Mẹ ơi

Ôi, Mẹ ơi           

Ôi, Mẹ ơi

Có lẽ con là đứa con bị lãng quên

Đã bỏ đi ở tuổi 21

Thật buồn khi con trở về ngôi nhà đã vắng bóng mẹ.

Bà để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên má. Con cháu gái bà tự dưng lại bật cái CD cũ mà đã lâu lắm rồi bà không nghe. Lần nào đến bài Mammy Blue này, bà cũng đều như thế.

...

Ngày trước bà luôn mong đến một ngày bà sẽ hỏi bố của bà rằng ông có yêu bà không.

Mẹ bà mất khi bà còn chập chững. Bà lớn lên mà không hiểu tình yêu của mẹ có màu gì.

Rồi bố lấy vợ khác. Bố có những đứa con khác. Từng ngày sau những trận đòn roi của bố và những lời đay nghiến của vợ của ông, bà tự hỏi, tình yêu của bố có hay không.

Bà bỏ nhà, bỏ quê đi lập nghiệp khi bước vào tuổi thiếu niên. Ngày xe lăn bánh rời quê, bà tự nhủ rồi bà sẽ không quay lại nơi này nữa. Ở đây không có gì của bà, không có ai chờ đợi bà.

Bà trở thành một người phụ nữ thành đạt. Bà có những đứa con giỏi giang và thành công. Bà chưa bao giờ bỏ sót bất cứ một sự kiện nào trong cuộc đời các con. Khi chúng nó mọc những chiếc răng đầu tiên, khi chúng được điểm mười đầu tiên, khi chúng thi đại học, nhận được tháng lương đầu tiên, lấy chồng, cưới vợ, có con, v.v... Suốt những năm tháng đó, đôi khi bà bắt gặp mình khóc. Bà cũng từng mọc răng, từng được điểm mười, được tháng lương đầu tiên và trải qua vô vàn những sự kiện khác cho đến tận ngày hôm nay...mà không có mẹ bên cạnh. Còn bố, có lẽ ông vẫn bận rộn với các con của ông.

Bà luôn kể cho các con rằng mẹ của bà rất đẹp. Bà luôn tin rằng mẹ rất đẹp - các cậu của bà vẫn bảo như vậy. Bà ước gì bà lớn hơn một chút lúc mẹ mất, để bà có thể ghi nhớ được gương mặt của mẹ.

Rồi bố mất. Bà nhận được tin bố mất khi đang ở văn phòng công ty. Bà đã bật khóc nức nở như một đứa trẻ trước mặt nhân viên của mình. Vài ngày trước, các em bà gọi báo bố ốm. Lúc ấy bà nghĩ bố sẽ khỏi thôi, chỉ là bệnh người già. Còn bây giờ bà phải đón chuyến bay đầu tiên để kịp về chịu tang bố. Ông đã chờ bà mãi. Bà về chỉ nghe được lời ông nhắn lại, “Bảo với con Yên, bố xin lỗi”.

Phải chi con có thể cầm tay mẹ

Và nói rằng con xin lỗi, vâng con xin lỗi

Ôi

Mẹ ơi

Con chắc là mẹ sẽ hiểu cho con

Ôi

Mẹ ơi.

Cái CD cũ vẫn đang rì rì trong máy hát. 

__________________________

Truyện ngắn: Như

Truyện ngắn: Nguyên ảnh 1

Như lại nghĩ đến cô Dung. Đáng lẽ Như không được suy nghĩ gì cả vì đây là giờ tập thiền. Có lẽ do trước giờ tập, giáo viên hướng dẫn có dành một ít thời gian nói về triết lý thiền, về những giới hạn của con người, giới hạn về thời gian, giới hạn của thế giới vật chất.

Như nghĩ về những giá trị mình đã đặt ra cho cuộc đời của mình, đã luôn quay quắt làm sao để đạt được. Như nghĩ về những thứ mà mình đã bỏ quên, những điều mình đáng lẽ phải làm nhưng đã không làm. Như nghĩ đến cô Dung. Lần nào nghĩ đến cô, Như cũng buồn. Đã bao nhiêu cái Tết thầy cô rồi Như không đi thăm cô?

Cô là cô giáo dạy nhà trẻ của Như, nghĩa là cách đây nhiều năm lắm rồi. Như còn nhớ, ngày đó cô luôn nói với Như rằng cô thương Như nhất, rằng Như là học trò cưng nhất của cô. Như còn nhớ cô đẹp lắm, trong mắt Như cô lúc nào cũng rất hiền, rất thánh thiện. Vậy nên có một lần, Như giận cô mất mấy ngày và hình như cô biết. Lúc đó Như không còn học với cô nữa mà đã lên lớp một, nhưng nhà Như ở kế bên nhà trẻ nơi cô dạy, nên cứ nghỉ hè là Như lại qua chơi với cô, ăn uống, ngủ trưa ở đó đến chiều mới về nhà. Lần đó, cô và một cô bạn đồng nghiệp nữa, hình như hai người không thích nhau do cả hai đều đang được đề nghị vào vị trí hiệu trưởng. Hôm ấy, cũng như mọi ngày khác trong hè, Như ngủ trưa lại và chứng kiến phản ứng của hai người với nhau. Như đã nghe cô cười một cách thích thú vào một lỗi gì đó của người đồng nghiệp kia, tự nhiên Như giận cô kinh khủng - tại sao cô Dung của Như lại có thể tầm thường như thế được chứ? Như giận dữ bỏ về. Tiếng cười của cô vụt tắt - hình như cô biết. Cô cố giữ Như ở lại, nhưng Như vẫn nhất quyết về. Lần đó Như giận cô đến mấy ngày liền. Bây giờ nghĩ lại Như thấy mình hồi đó sao già quá - mới gần sáu tuổi mà có suy nghĩ và hành động như vậy. Thực ra cô hồi ấy cũng chỉ mới 19, 20 tuổi, cái tuổi mà đối với Như bây giờ, Như coi là trẻ con. Phản ứng của cô như thế ở độ tuổi ấy cũng rất con người.

Như không hiểu tại sao đến cả mấy chục Tết thầy cô mà mình chưa bao giờ đi thăm cô?

Lớn lên rồi, một đôi lần Như vô tình gặp lại cô. Lần nào hai cô trò cũng chỉ kịp hỏi thăm nhau qua loa. Như để ý mình không còn xưng tên với cô nữa mà xưng em - cô và em, như với bao thầy, cô khác của Như và giống như bao học trò khác của cô. Lúc nhỏ, cô gọi Như bằng tên và Như cũng chỉ xưng tên với cô. Mẹ đã mắng Như vì bà cho rằng xưng hô như thế là hỗn. Nhưng Như đã thích cách xưng hô đấy, vì như vậy Như đặc biệt hơn những đứa học trò khác của cô.

Sau khi Như không còn học với cô, cô có những học trò mới, và trong số đó có những học trò cưng mới của cô. Chắc lúc đó Như đã ganh tỵ và thể hiện sự ganh tỵ, nên một lần cô đã nói với Như về một học trò cưng của cô - Như không thể nhớ tên con bé ấy nhưng nhớ là nó rất xinh xắn, ngoan ngoãn - rằng cô thương con bé ấy vì nó giống Như.

Hình như lúc đó Như đã rất hài lòng.

Thỉnh thoảng Như nghĩ đến cô nhưng vẫn không đi thăm cô. Gần như Như không đi thăm một thầy, cô nào nếu không phải vì bạn bè cố kéo đi. Như bận rộn với cuộc đời của mình, quay cuồng với những toan tính về quen anh nào, làm việc ở đâu, lương bao nhiêu, vị trí gì. Như chỉ thỉnh thoảng để cho mình nghĩ đến cô và tự hứa năm sau sẽ đi thăm cô.

Tình cờ sau này cháu của Như, con của chị gái, lại học với cô ở lớp mẫu giáo. Lần nào ba, mẹ nó đi đón con, cô cũng hỏi thăm Như. Một lần mẹ Như đi đón cháu, rồi về trách Như vô tâm. Mẹ kể, sau một lúc hai chị em nói chuyện về Như, cô đã mở ví và lấy bức ảnh chụp Như hồi còn nhỏ đưa cho mẹ xem. Mẹ trách, “cô Dung lúc nào cũng để ảnh con trong ví, còn con thì chưa bao giờ đi thăm cô.” Như thấy mắt mình cay cay. Cô đã từng dạy bao nhiêu học trò? Trong số đó, cô đã có bao nhiêu đứa học trò cưng? Vậy mà cô vẫn giữ ảnh Như bên mình suốt mấy chục năm ấy. Như thấy mình giống một đứa con bất hiếu hơn.

Như lục xấp album hình trong tủ và lôi ra một bức ảnh đen trắng. Ảnh chụp lúc Như khoảng sáu tuổi. Trong bức ảnh, Như nép người vào gốc cây, mặt có vẻ giận dỗi. Lúc này Như được cô dẫn đi chơi Thảo Cầm Viên cùng những học trò mới của cô. Như nhớ mình đã giận cô vì nghĩ bị cô bỏ bê. Bức ảnh này là cô nhờ thợ chụp cho Như để giảng hòa. Cô giải thích cho Như rằng cô lo cho mấy đứa học trò kia nhiều hơn vì chúng nhỏ hơn Như. Có vẻ như cho đến lúc chụp bức ảnh đó Như vẫn chưa hết giận.

Một mùa Giáng sinh nữa lại đến. Nghĩa là đã thêm một Tết thầy cô nữa Như không đi thăm cô. Đêm qua Như đã có một giấc mơ rất xấu. Như mơ thấy mẹ gặp tai nạn và mất.  Trước lúc mẹ mất, Như kịp cầm tay bà và nói, “Mẹ ơi, con yêu mẹ.” Giật mình tỉnh giấc Như đã khóc rất nhiều. Như tự nhủ là ngay buổi sáng Như sẽ đến gặp mẹ và nói với mẹ là Như yêu mẹ. Như phải nói điều ấy với ba nữa.

Như cũng phải nói với cả cô nữa. Cô Dung ơi, Giáng sinh này Như sẽ đến thăm cô.

Truyện ngắn: Nguyên ảnh 2

Có gì đó trĩu nặng khi đọc Đình Huyên - một con mèo lạc, một con chó nhỏ từ những năm tháng đó, một chiếc CD cũ và giai điệu quên lãng, một cô giáo mẫu giáo và tấm ảnh thơ bé… Tất cả như một cuốn phim đen trắng quay chậm.

Thật ra khó có thể nói đây là những truyện ngắn. Chúng có vẻ giống những hồi ức được ghi lại, thậm chí cũng không phải là tạp văn. Nhưng dù sao mặc lòng, bởi đọc là để lắng đọng một điều gì đó, chứ không phải để phân loại.

Tác giả Đình Huyên là một luật sư, cô sống và làm việc tại TPHCM.   

L.A.H

MỚI - NÓNG