TS.KTS Hoàng Đạo Cương lên tiếng về phương án tu sửa Nhà thờ Bùi Chu

Viện Bảo tồn Di tích đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu Ảnh: MẠNH THẮNG
Viện Bảo tồn Di tích đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu Ảnh: MẠNH THẮNG
TP - TS.KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích trao đổi với Tiền Phong quanh hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu mà Viện vừa báo cáo Bộ trưởng VHTT&DL.

Bộ trưởng VHTT&DL giao Viện khảo sát hiện trạng, đề xuất phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu. Viện thực hiện quá trình khảo sát ra sao thưa ông?

Năm 2006 chúng tôi chủ động hồ sơ khoa học về nhà thờ Bùi Chu. Cuộc khảo sát năm nay dựa trên hồ sơ 2006, tuy nhiên qua 13 năm, hiện trạng thay đổi nhiều.

Tất cả ý kiến trên báo chí từ các nhà chuyên môn cho đến người yêu di sản chỉ là cảm quan bằng mắt thường. Còn với Viện: ngoài  khảo sát tình trạng bảo tồn còn đánh giá tình trạng kỹ thuật, tình trạng sử dụng- đều do các cán bộ lâu năm của Viện tham gia thực tế. Viện còn mời công ty đánh giá công trình cùng khảo sát.

Một số vấn đề chính mà các chuyên gia thấy rất rõ: Hiện tượng nền bị bồi đắp - không chỉ là hiện tượng lún - do ở vùng trũng và được bồi đắp lên theo thời gian nên làm mất đi phần kiến trúc bên dưới. Thứ nữa, chúng tôi quan trắc các điểm nghiêng của tháp chuông và các bức tường xem độ nghiêng, đánh giá độ ổn định kết cấu theo tiêu chuẩn Việt Nam, lấy mẫu kiểm định vật liệu. Sau quan trắc, họ kết luận công trình thuộc loại nguy hiểm loại C. Có bốn mức, trong đó mức D phải hạ giải, mức C là mức báo động.

Quá trình thực hiện trong bao lâu? Nhiều người quan tâm việc: Tính liên kết của vữa ở nhà thờ Bùi Chu liệu hết hạn sử dụng chưa?

Chúng tôi khảo sát hiện trường trong hai ngày, kiểm định mất một tuần. Liên kết bằng vôi và cát hơn trăm năm không còn đảm bảo nữa rồi. Quan trọng hơn là tất cả các bức tường của nhà thờ ở độ cao lớn. Nếu công trình như đền, chùa chỉ cao vài mét, tường nhà thờ cao tới 7m, gác chuông khoảng 27m nên trở thành vấn đề lớn. Nếu chúng ta gia cố vết nứt không thôi thì không đảm bảo lâu dài. Niên hạn sử dụng, độ an toàn không còn.

Trong quá trình khảo sát, Viện có tiếp xúc giáo dân để lắng nghe nguyện vọng của họ?

Tôi xuống Bùi Chu khảo sát ba đợt, có gặp giáo dân. Chúng tôi thấy trình tự giáo phận xin phép xây dựng là quá trình tương đối dài từ 2016 đến nay. Đa phần giáo dân ủng hộ hạ giải để trùng tu triệt để. Chỉ có điều cách thức trùng tu thế nào thì cần cơ quan chuyên môn theo sát để giữ được nét kiến trúc giá trị của nhà thờ này.

Trong hai phương án trùng tu cục bộ và trùng tu triệt để (hạ giải hoàn toàn), dưới góc độ chuyên môn và người trực tiếp khảo sát công trình, ông nghiêng về phương án nào?

Việc hạ giải công trình là một giải pháp cần thiết, nhưng có mức độ khác nhau-hạ giải một phần, hạ giải toàn bộ. Chọn phương án nào do tình trạng kỹ thuật của công trình quyết định.

Nhà thờ Bùi Chu có một phần bằng gỗ, phần nhiều tường bao quanh bằng gạch nhưng lại chịu lực và được xây dựng cách đây hơn trăm năm khi công nghệ xây dựng mới du nhập Việt Nam và chưa hoàn thiện. Các bức tường gạch ở tình trạng kỹ thuật rất kém, sẽ xuống cấp nhanh, kể cả khắc phục được vết nứt do bản thân các liên kết vữa vôi không còn đảm bảo.

Nhà thờ Bùi Chu đang sử dụng đúng mục đích ban đầu là thánh đường, có người đến hành lễ. Một giáo phận 500 ngàn người, có lúc chứa vài trăm người trong không gian như thế nếu xảy ra vấn đề gì về kỹ thuật thì rất nghiêm trọng.

Có người đề xuất xây mới nhà thờ Bùi Chu bên cạnh nhà thờ cũ đã trùng tu. Ông thấy thế nào?

Không khả thi và vô lí. Chúng ta không thể bảo tồn nhà thờ Bùi Chu cũ bên nhà thờ mới, nhà thờ cũ chỉ để dành tham quan. Sẽ rất tốn kém, và nhà thờ không còn chức năng ban đầu-nơi hành lễ.

Phương án trùng tu cục bộ so với trùng tu triệt để kinh phí chênh lệch ra sao?

Cả hai phương án chúng tôi đưa ra đều nói rõ yêu cầu: Giữ nguyên giá trị cốt lõi. Ở đây giá trị cốt lõi tạo nên giá trị cho nhà thờ này, đó là những thành phần xuất hiện đầu tiên ở nhà thờ như chân tảng, cấu trúc mặt bằng, trang trí hai bên tường, chi tiết trang trí khác như cửa bằng kim loại đúc, một số đồ thờ tự.

Chúng tôi phân tích ưu nhược điểm của từng phương án trong báo cáo với Bộ. Việc tháo dỡ từng phần cũng rất tốn kém trong khi đó chúng ta cũng không gia cố được móng. Nếu giữ nguyên tường thì cũng không khắc phục triệt để hư hại, tiếp tục tốn kém hơn nữa, thậm chí duy tu hằng năm nữa. Kinh phí của phương pháp này vượt quá khả năng của giáo dân, so với việc trùng tu triệt để.

Tuy thế nhiều người lo ngại các công trình hạ giải sẽ không giữ được kiến trúc như vốn có?

Nhà thờ Bùi Chu tồn tại 134 năm ngắn ngủi, nhưng trải qua 5-6 đợt tu sửa lớn, bây giờ không giống nhà thờ ban đầu xây dựng nữa. Việc bảo tồn mỗi thời kỳ làm cho công trình tốt hơn và vẫn giữ được dáng vẻ, mục đích sử dụng theo nhu cầu đương đại.

Nhà thờ Bùi Chu không phải di tích hay di sản được xếp hạng, liệu phía giáo phận và giáo dân có lắng nghe cơ quan chuyên môn, Bộ VHTT&DL trong quá trình trùng tu? Cơ quan nào giám sát quá trình đó?

Tôi nghĩ giá trị của nhà thờ được cộng đồng và giáo dân nhận thức rõ. Chính trình tự chuẩn bị xin hạ giải trùng tu triệt để của giáo phận thể hiện điều đó. Việc đầu tư xây dựng có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, cho nên chắc chắn được ủng hộ, để đạt được công trình đáp ứng nhu cầu sử dụng mới mà vẫn giữ được giá trị cũ.

Cảm ơn ông!

TS.KTS Hoàng Đạo Cương lên tiếng về phương án tu sửa Nhà thờ Bùi Chu ảnh 1

Chọn phương án nào?
Hạ giải từng phần cụ thể như hạ giải phần mái ngói, tận dụng tối đa các viên ngói còn tốt để tái chế sử dụng. Thay thế phần ngói thiếu khuyết bằng các viên ngói phục chế theo kích thước cũ. Phục hồi lại hệ bờ nóc theo ảnh chụp năm 1950. Một số công việc khác như hạ giải từng phần những vị trí cần thiết để tu sửa bộ khung gỗ mái vì kèo, thay thế những cấu kiện gỗ hư hỏng hoàn toàn bằng các cấu kiện gỗ mới cùng chủng loại. Thực hiện việc gia cố thay lõi các cột tiêu tâm. Giữ nguyên quy mô cấu trúc công trình.
Trùng tu triệt để đòi hỏi hạ giải toàn bộ công trình đến cả phần móng, nền cũ. Thi công hệ thống nền móng mới theo quy mô phù hợp và công nghệ, kỹ thuật tiên tiến đảm bảo thời gian tồn tại lâu dài, ổn định cho công trình. Đặc biệt trả lại cốt nền ban đầu của công trình với hệ chân đế bao quanh. Mặt bằng nhà thờ mới vẫn lấy theo kiến trúc cũ, quy mô kích thước có thể mở rộng thêm nhưng không quá lớn so với cũ dể không gây cảm giác xa lạ, khác biệt so với quy mô ban đầu. 

MỚI - NÓNG