Từ chối bán cổ phần, Mosfilm tự giải cứu

Ngoại cảnh phim hành động 2015 tại Mosfilm.
Ngoại cảnh phim hành động 2015 tại Mosfilm.
TP - Từ chối cổ phần hóa nhưng không ôm giữ kho phim cũng như hoài niệm nhịp sống bao cấp êm đềm. Người làm phim châu Âu gọi Mosfilm trong thời của  Karen Shakhmazarov là thành công của cải cách hành chính.

Cuối thập kỷ 90, khi  đạo diễn Karen Shakhnazarov được giao vị trí tổng giám đốc, tài khoản của Mosfilm là 0 đồng, cơ sở vật chất tan hoang. Xưởng phim từng cho ra đời những tuyệt phẩm điện ảnh Liên Xô, nơi hội tụ tài năng và những giấc mơ biến thành dãy nhà dột mục, đường ống thoát nước tắc ngập, dây điện mắc chằng chịt rợn người, ổ điện thoại bị ngắt nhổ lung tung, hệ thống máy móc thiết bị làm phim cũ kỹ. Có một vài doanh nghiệp  đang thuê đất xưởng để nấu vodka, bán xe ô tô…

Sau 17 năm chèo lái, CEO Shakhmazarov đã biến Mosfilm thành Hollywood của nước Nga, hãng phim mạnh và nộp thuế nhiều nhất châu Âu và một lần nữa trở thành nhà máy của những giấc mơ.Vào năm 2012, doanh thu của công ty đạt 1,3 tỷ rúp (1 tỷ rúp tương đương 15,5 triệu USD), trong đó có 119  triệu rúp (tương đương  1,55 triệu USD) lợi nhuận. 80% thu nhập của "Mosfilm" từ  một loạt các dịch vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh , từ cho thuê trang phục đến nhân bản phim. Trong bối cảnh một số hãng phim khác của nhà nước như Lenfilm và Gorky tới giờ vẫn không thể thoát khỏi trì trệ.

Hành động để tránh “cổ phần hóa”

Ở tuổi 46, đạo diễn Karen Shakhnazarov không phải là ứng viên duy nhất vào vị trí CEO nhưng lúc đó ông là người trẻ nhất lại có kinh nghiệm làm phim với đối tác Anh, Mỹ, Ý.

Trở lại câu chuyện của năm 1991, lúc đó giám đốc tiền nhiệm Vladimir Dostal lên kế hoạch doanh nghiệp hóa Mosfilm. Vào năm 1997, ông chủ ngân hàng Vladimir Gusinsky sẵn sàng trả 166 triệu USD và cho vay không lấy lãi 15 triệu USD để đổi lại 49% cổ phần của Mosfilm. Thị trưởng Moscow lúc đó là Boris Yelsin đã can thiệp để vô hiệu hóa mọi đề nghị cổ phần hóa . Mosfilm bị cấm tư nhân hóa vì nhà nước sợ sẽ bị tước quyền tái sản xuất, phân phối những tác phẩm điện ảnh vốn được tính như di sản văn hóa. Bị kẹt giữa tảng đá và vòng vây khó khăn, Vladimir Dostal xin từ chức.

Để “cầm hơi” cho xưởng, việc đầu tiên CEO Shakhnazarov làm là ký hợp đồng một năm với kênh 1 truyền hình quốc gia cho quyền sử dụng thư viện phim .Với số tiền 600.000 USD nửa chi phí hợp đồng, Shakhnazarov  dùng  một phần ba để trả lương, hai phần ba còn lại dồn để sắm thiết bị ánh sáng. Ông cử ba kỹ sư khăn gói mang 400.000 USD sang Munich mua thiết bị ánh sáng công nghệ mới. Vì lo của cả đống tiền, đích thân CEO sang tận Đức áp tải xe hàng về.

Thiết bị mới đáp ứng trúng nhu cầu khách hàng, các hãng làm phim quảng cáo và truyền hình xếp hàng để thuê. Mosfilm bắt đầu cuộc sống mới.

Mosfilm sở hữu lãnh thổ 35 ha, được gọi là thành phố trong thành phố.  Những khu vườn và tầm nhìn từ đây cũng đã là một thương hiệu. Thấy Mosfilm khởi sắc, có tới hai lần doanh nghiệp nhà nước mới tự hồi sinh này tiếp tục bị ép cổ phần hóa.  Shakhnazarov kiên quyết từ chối và cho rằng cổ phần hóa là cách nhanh nhất tiêu diệt Mosfilm. Đạo diễn tiết lộ năm 2001 ông đã phải nhờ Tổng thống Putin can thiệp để bảo vệ vị thế và chính kiến.

Cuộc sống mới

Trong 3 năm đầu, từng bước ban giám đốc tìm cách kết thúc các hợp đồng cho thuê đất mà Mosfilm giữ 51% cổ phần từ trước đó để chủ nhà sở hữu toàn quyền lãnh thổ. 13  gian hàng lấy lại được tu sửa thành nhà xưởng mới, công nghệ kỹ thuật được nâng cấp cùng lúc với việc trồng cỏ, cải tạo công trình phụ.

Nơi đây trở thành nhà máy công nghiệp điện ảnh chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty điện ảnh tư nhân, các đài truyền hình và hãng quảng cáo.

“Thời Xô Viết,  không phải suy nghĩ nhiều về lợi nhuận, còn vào thời kỳ mới, nhiều thứ buộc phải thay đổi, ai đó phải ra đi”. Tìm đúng người không đơn giản: những người hiểu biết, nhiệt tình, trung thực, có cá tính và nguyên tắc. Để hình thành xương sống hệ thống hành chính, Shakhnazarov trưng dụng nhân lực từng phục vụ trong quân đội vì “họ được giáo dục tốt về kỷ luật”. Rất nhiều cựu đại tá được đưa vào cấp phó của các phòng ban.

Nhân viên của nhà máy công nghiệp điện ảnh được ưu tiên tuyển từ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng kỹ thuật. Mức lương  tháng trung bình của nhân viên hãng là 50.000 rúp (năm 2005: tương đương 750 USD). Phòng làm việc với khách hàng được chia từ 10-20% hoa hồng, là thu nhập tăng thêm chưa từng có trong tiền lệ trước năm 2005 tại hãng phim.

Từ năm 1998 tới nay, tại “Mosfilm” luôn có các khóa học đào tạo miễn phí cho nhân viên kỹ thuật ngành công nghiệp điện ảnh. Karen Shakhnazarov cho biết sinh viên tốt nghiệp của họ nếu  không  làm việc tại Mosfilm cũng sẽ là nhân lực lý tưởng cho các hãng phim tư nhân.

Chịu chơi thiết bị tối tân

Trong khoảng cuối những năm 1990, việc bán bản quyền phim đưa về công ty khoảng 80% doanh thu. Nhưng đến năm 2002  đã giảm xuống còn 30%. Ngay từ đầu, Shakhnazarov đã đúng khi quyết định đầu tư vào việc hiện đại hóa Mosfilm. Lợi nhuận sau này hầu như phụ thuộc vào tính năng công nghệ của hãng.

Sau 5 năm rời bỏ bao cấp, gia nhập thị trường, tự hạch toán Mosfilm đã có hơn 80 dự án, trong đó có 30 phim truyện quay tại  studio độc lập. Lúc này mối quan tâm là tậu thiết bị máy quay, phòng thu, phòng dựng phim, đồ họa công nghệ mới. Xưởng phục trang, đạo cụ, thiết kế ngoại cảnh cũng được xây dựng tầm cỡ tương đương . Hãng có chiến lược sắm các thiết bị kỹ thuật tối tân trước cả khi thị trường có nhu cầu “bởi chưa nhiều đơn đặt hàng sẽ dễ mua hơn. Cập nhật kịp đà phát triển của công nghệ”. Lãnh đạo hãng muốn đi đầu trong mọi lựa chọn trang bị. Từ 2001, ngoài điện Kremlin, Mosfilm là công ty duy nhất trong toàn Liên bang lắp đặt hệ thống sưởi của Thụy Điển.

Tính đến năm 2012, tổng số tiền đầu tư hiện đại hóa kỹ thuật của hãng đã lên tới 40 triệu USD, mà không có trợ giúp nào từ nhà nước. Tôi luôn cố gắng làm theo cách cũ: có tiền thì mới mua sắm, Shakhnazarov nói.

Không muốn để người lạ vào ngụ tại lãnh thổ nhưng 35 ha đất vị trí hấp dẫn trên đồi Chim Sẻ luôn bị dòm ngó và chủ nhà đã không bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền theo cách nắm đằng chuôi.Vào tháng Tư năm 2002, chính quyền Moscow đã chấp nhận cho  một công ty tư nhân xây dựng tòa nhà chung cư có rạp chiếu phim trên diện tích 0,5 ha ( chỉ là 1/70 quỹ đất vàng). Ký hợp đồng 49 năm với chủ đầu tư Inrestroy, Mosfilm nhận được 1,5 triệu USD (dành trọn vẹn để sắm thiết bị) và 30 căn hộ trong tòa nhà mới đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhân viên hãng.

Mặc dù được vinh danh như nhà cải cách hành chính sáng giá của Nga, tạp chí Forbes từng gọi ông là ảo thuật gia, Shakhnazarov vẫn tự nhận mình là người quản lý làm thuê. Dù bận, mỗi năm tự tay ông vẫn đạo diễn 2-3 phim tại sân nhà.  Ông tin tưởng Mosfilm có biên độ dự phòng bền vững kể cả trong thời đại kỹ thuật số thống lĩnh. Tất cả các studio trong “nhà máy” đã kín hợp đồng thuê cả năm của các hãng phim truyền hình. Thu nhập chính không còn là kho phim cũ mà là từ dịch vụ hoàn thiện, nhân bản phim. Mười năm gần đây Hollywood của nước Nga đã trả 12 tỷ rúp tiền thuế.

“Nếu ngày mai chúng tôi không còn ở đây, thì 20 năm nữa hãng vẫn tồn tại tốt trên nguồn lực sẵn có”, nhà cải cách chia sẻ.

+ Karen Shakhnazarov :"Tôi không theo kế hoạch kinh doanh nào cả. Tôi làm việc theo nguyên tắc của trực giác- kiểu quản gia, người làm nhiều sẽ hưởng nhiều”.

+ Không những từ chối cổ phần hóa, Mosfilm còn tìm cách kết thúc sớm hợp đồng cho thuê đất để toàn quyền sở hữu khuôn viên.

Theo Theo MadMen, Forbes
MỚI - NÓNG