Tử cung nào cho lòng tham không đáy của con người?

Đột nhập tử cung nữ thần
Đột nhập tử cung nữ thần
TP - Phim mở đầu bằng câu nói của Mahatma Gandhi “Thế giới (Trái đất) có đủ cho nhu cầu của mọi người nhưng không đủ cho lòng tham của họ”. Đó là sự thực mà ai cũng có thể nhìn thấy mà dường như không thể thay đổi. Nhưng nếu tìm ra cách để nói về điều đó cũng là một cố gắng thay đổi. Và Tumbbad (2018) đã thành công trong việc tìm ra một cách kể mới và hấp dẫn về lòng tham như một bản năng khó bỏ của con người.

Phim cũng là một câu chuyện ngụ ngôn về sự vô vọng và quanh quẩn của những thế hệ con người sinh ra chỉ để tìm kiếm của cải vật chất rồi chết. Thể xác của họ tiêu tan nhưng bản năng tham luyến những thứ không thuộc về mình vĩnh viễn không chết qua việc điều khiển những thế hệ tiếp theo đi vào quỹ đạo không lối thoát.

Đạo diễn Rahi Anil Barve ấn tượng ngay với câu chuyện được người bạn là một nhà văn viết bằng ngôn ngữ Marathi là Narayan Dharap kể cho nghe. Ông mô tả là “sợ vãi ra quần”. Ba năm sau, khi tròn 18 tuổi, Barve viết những dòng đề cương đầu tiên. Kịch bản hoàn tất năm 2010 lên tới 700 trang.

Chuyện kể rằng Nữ thần của sự Phì nhiêu mà bụng của bà chính là Trái đất, ban phát biểu tượng cho sự no đủ và giàu có bằng lúa gạo và những đồng tiền vàng. Bà sinh ra 160 triệu vị thần. Ông con cả Hastar chiếm sạch nguồn tiền vàng của mẹ và khi mon men định chiếm nốt lương thực thì bị những vị thần khác phản kháng và vô hiệu hóa. Để cứu Hastar khỏi chết, nữ thần đã cất ông vào tử cung của mình. Nhưng thỉnh thoảng ông vẫn bị đánh thức bởi những kẻ tham lam muốn lấy vàng của ông. Chúng sẽ dùng lương thực để nhử vì Hastar luôn luôn đói trên đống vàng của mình. Nhưng tốt nhất là đừng để ông chạm vào. Vì lời nguyền của Hastar sẽ biến kẻ kia thành một thứ xác sống không bao giờ chết…

Tử cung lưu trữ Hastar tọa lạc ở một ngôi đền cổ tại làng Tumbbad phía tây Ấn Độ. Ngôi đền tuy đổ nát nhưng vẫn tồn tại và vào năm 1918 trở thành tư gia của Sarkar - một ông gần đất xa trời nhưng dục vọng vẫn còn nhiều. Ông này thuê mẹ của Vinayak Rao phục vụ bằng tay trong một không gian đầy ma quái.

Thế là những thước phim đầu tiên đã khiến khán giả dán mắt vào màn hình. Tiếp theo là một màn chào sân đầy kinh dị đẩy sự tò mò của khán giả đến cao độ về nhân vật mẹ của Sarkar bị xích ở nhà của Vinayak. Một tai nạn xảy đến khiến mẹ của cậu bé phải đi vắng và cậu được giao nhiệm vụ chăm sóc bà già suốt ngày chỉ ngủ, ăn cả trong lúc ngủ. Qua lần đó, những bí mật đầu tiên về Hastar đã được hé lộ cho Vinayak. Và khi mẹ cậu bắt cậu phải thề không bao giờ được quay trở lại Tumbbad chẳng khác nào đổ thêm dầu vào ngọn lửa tham trong cậu. Phim nhảy tới 15 năm sau khi Vinayak trưởng thành và tất nhiên quay lại tìm ngôi nhà xưa ở Tumbbad. Bà mẹ của Sarkar tất nhiên vẫn “sống”… Nói chung phim giữ được sự thu hút từ đầu đến cuối. Tất nhiên cũng phải có vài chi tiết ban đầu được làm quá lên để câu khách, nhưng quan trọng là phim đi đến một cái kết khá bất ngờ. Cũng như loài người ngày càng tìm ra những cách tinh vi hơn để khai thác Trái Đất tới cạn kiệt chỉ để thỏa mãn lòng tham chứ không phải nhu cầu, thằng bé con của Vinayak tỏ ra thông minh hơn cha nó khi nghĩ ra cách có vẻ rất khả thi để chiếm luôn chiếc khố của Hastar.

Sự giáo dục qua các thế hệ trong gia đình chẳng có gì ngoài các câu úp mở đầy đe dọa và những cái tạt tai. Nó thể hiện thái độ vừa thèm khát vừa sợ hãi của con người với dục vọng. Và mỗi thế hệ lại phải đánh vật với những khao khát (vốn chả có gì là) bí truyền đó. Bảo sao tai ương càng ngày càng dồn dập. Chả biết có nhất thiết để cho hầu hết các cảnh phim đều ngập lụt trong mưa. Nếu hình dung mưa là nước mắt của Nữ thần thì hơi sến. Nhưng sự liên miên của mưa có nét tương đồng với lòng tham không đáy của con người. Trong khi lửa là thứ duy nhất có thể kết thúc (chứ cũng không hề giải) được lời nguyền của Hastar.

Phần kỳ ảo được hình ảnh hóa khá tốt cùng với hiệu ứng âm thanh càng tô đậm sự rùng rợn. Một chiếc tử cung thật được dựng lên và được quay duy nhất bằng nguồn sáng thật của chiếc đèn măng-sông. Riêng bối cảnh về đời sống của con người thì phim hơi bị đơn sơ quá, chắc do kinh phí thấp. Cảm giác như phim toàn tận dụng những khung cảnh bỏ hoang, có trang hoàng cũng không tránh khỏi sự tuềnh toàng. Do đó không làm toát lên được sự giàu có xa hoa của Vinayak.  Nói chung cả khung cảnh ở làng hay ở phố đều sơ sài, không hề có sự đầu tư. Ba bối cảnh cách nhau mười mấy năm mà mọi thứ vẫn chả có gì đổi thay. Tuy nhiên về mặt này, các nhà làm phim Việt Nam hoàn toàn có thể học tập như một kinh nghiệm nổi bật về việc dùng cốt truyện độc đáo mang màu sắc văn hóa truyền thống riêng biệt để khắc phục những hạn chế về bối cảnh. Phim làm hết 700 ngàn USD, thu về hẳn 1,9 triệu.

Nói thêm về cái khố của Hastar là nơi chứa vàng. Thực ra Hastar không phải người nên có mặc chẳng qua để đủ tiêu chuẩn vào phim mà thôi. Vậy nên có thể hiểu tiền vàng và dục vọng của con người có chung một chỗ chứa. Dục vọng là động cơ chủ yếu xúi giục con người làm giàu. Và khi thừa tiền, điều người ta nghĩ tới đầu tiên thường là thỏa mãn dục vọng. Nhưng với dục vọng, không bao giờ là đủ. Và theo quan điểm Phật giáo, chính dục vọng xui khiến con người trở đi trở lại cõi trần ai để cùng lúc nếm trải sung sướng và đau khổ. Chẳng khác nào liếm mật ngọt dính trên lưỡi dao bén…

Tử cung nào cho lòng tham không đáy của con người? ảnh 1 Hình nhân Hastar - vị thần tham lam phải chịu hình phạt nhịn đói và không được thờ phụng
MỚI - NÓNG