Từ một chuyện ở chùa Trấn Quốc, bàn về văn hóa ứng xử ?

Từ một chuyện ở chùa Trấn Quốc, bàn về văn hóa ứng xử ?
Khi viết bài này, tôi bỗng nhớ lại khoảng 2 giờ chiều ngày 8 tháng 8 năm 2005 (tức ngày 4 tháng 7 Ất Dậu), hàng chục gia đình đã tề tựu quanh ban Tam bảo của chùa Trấn Quốc (Hà Nội) để chuẩn bị bước vào lễ Vu Lan.

Trong bầu không khí tĩnh lặng trước buổi lễ, bỗng nhiều phật tử giật mình bởi từ ban Tam bảo vọng ra một giọng đàn ông quát lớn: “Ai cho ngồi lễ ở đây, đi ra chỗ khác, mau!”.

Hóa ra… đó là tiếng một nhà sư trẻ nói với một phụ nữ khoảng trên 60 tuổi! Người phụ nữ không hiểu mình đã phạm lỗi gì, chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Sao ở nơi chánh điện mà nhà sư lại la lối như vậy?” – Nhà sư tiếp tục lớn tiếng: “Còn cãi lại thế à?”.

Người phụ nữ (nhà ở phố Trúc Bạch – ngay gần chùa) sau đó đã không kiềm chế được bức xúc: “Ngần này tuổi đầu rồi tôi chưa hề gặp những chuyện như thế này bao giờ”. Rồi bà cho biết, bà đã “trót” ngồi lên chiếc phản gỗ để lễ Phật mà không hay biết chỗ này chỉ dành cho nhà sư hành lễ! Vừa ngồi xuống chưa kịp khấn thì nhà sư đi qua, kết quả bà bị “mắng” như đã kể ở trên. Có ai đó trong số phật tử cho biết, vị sư kia tên là Th.

Trong tiết tháng 7, không chỉ riêng chùa Trấn Quốc mà rất nhiều chùa ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều miền quê khác tổ chức lễ Vu Lan – Báo hiếu, bởi đây là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của Phật giáo. Nói một cách công bằng, bản thân tôi khi đến đăng ký làm lễ cầu siêu cho gia tiên ở chùa Trấn Quốc đã chứng kiến những việc làm khá văn hóa ở ngôi chùa này.

Ví như nhà chùa chỉ ghi tên phật tử để chuẩn bị cho lễ cầu an nhưng không yêu cầu bất cứ khoản “đóng góp” nào của các gia đình. Cũng tiết Vu Lan, trong khi rất nhiều chùa ở Hà Nội chỉ tổ chức một khóa đại lễ vào cận ngày rằm, thu hút rất nhiều phật tử đến tham dự, nhà sư chỉ đọc kinh và các gia đình mạnh ai nấy khấn vái, thì ngược lại, lễ Vu Lan ở chùa Trấn Quốc lại diễn sớm hơn và phân ra nhiều buổi lễ khác nhau, chính vì vậy tên của các vong linh mà gia đình có nguyện vọng cầu siêu đều được nhà sư xướng lên đầy đủ và rất thành kính.

Bên cạnh đấy, trong các lễ Vu Lan ở Trấn Quốc, vị Thượng tọa của chùa đã rất thành kính giảng giải cho các gia đình về tích Vu Lan – Báo hiếu… Cũng như nhiều phật tử của chùa và nhiều gia đình có mặt trong lễ Cầu an ngày 4/7 vừa qua, tôi đã cảm thấy rất dễ chịu và biết ơn nhà chùa, nếu như không có những hành vi, lời nói ít văn hóa của nhà sư trẻ nọ! Thật tiếc thay!

Đất nước ta ở đâu cũng có nhiều đền chùa, mỗi miền đều có phong tục riêng, văn hóa riêng. Việc ăn “chay” hay ăn “mặn” của Bắc tông và Nam tông có khác nhau đôi chút, song tất cả đều thờ Phật và hướng thiện.

Tôi đã từng đến chùa Nguyên Thủy (Q2, TPHCM), được ăn cơm do các ni cô thổi và được nghe sư chủ trì Pháp Chất giảng đạo. Sự níu giữ lòng người của chùa Nguyên Thủy không chỉ vì cảnh quan thanh tịnh, hay ngôi chùa có tiếng là linh thiêng ở đất Sài Gòn, mà ấn tượng trong tôi về những người nơi đây từ cử chỉ đến lời nói đều toát lên nét văn hóa, giản dị rất đáng trân trọng của bậc tu hành.

Hai ngôi chùa nằm ở vùng quê ngoại thành Hà Nội như chùa Long Đẩu (Quốc Oai – Hà Tây); chùa Linh Thông (Chương Mỹ – Hà Tây) do vị đại đức còn rất trẻ trụ trì mà nhiều phật tử gọi bằng cái tên rất giản dị là sư ông Xuân. Sư Xuân được nhiều người quý mến bởi ông đã hành đạo theo cách của Phật.

Quan niệm của sư Xuân và nhà chùa là càng những người có hoàn cảnh khó khăn càng phải được nhà chùa giúp đỡ và nếu có thể làm được điều gì tốt đẹp cho họ, nhà chùa luôn sẵn lòng. Chính vì vậy, các phật tử đến chùa Long Đẩu và Linh Thông, dù là người Hà Nội, hay người chân quê… đều được nhà chùa hết sức trân trọng.

Văn hóa ứng xử vốn là một nét đẹp, là truyền thống văn hóa lâu đời của ông cha ta. Làm sao để giữ gìn, phát huy trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong lớp trẻ, đó là vấn đề khiến người viết này suy nghĩ bởi từ chốn cửa Thiền hơn nơi nào hết, văn hóa ứng xử lại càng cần được coi trọng hơn.

MỚI - NÓNG