Tự truyện của Lê Vân: Những người đạo diễn của tôi

Tự truyện của Lê Vân: Những người đạo diễn của tôi
Đạo diễn hoàn toàn tin vào diễn xuất của tôi, để yên cho tôi phát huy hết khả năng của mình. Chính tinh thần cầu thị, tôn trọng khả năng sáng tạo tập thể của đạo diễn đã làm nên những thành công nhất định cho bộ phim.
Tự truyện của Lê Vân: Những người đạo diễn của tôi ảnh 1

>>> Kỳ trước

Cụ Nông Ích Đạt thật thà

Năm 1979, làm phim Những con đường với cụ Nông Ích Đạt về xem nháp thấy mình ngớ ngẩn quá, bù lại tôi có một niềm vui lớn: Được hai cụ nhận làm con gái nuôi. Các cụ lên nhà, gặp bố mẹ nói: “Chúng tôi muốn nhận nó làm con nuôi, gọi là con thế thôi, chứ chúng tôi nuôi gì được nó”.

Thương hai cụ không con, lại thương hơn khi nghe chuyện trước đấy vì bất mãn, hai cụ rủ nhau quyên sinh nhưng không chết. Tối hôm trước khi quyên sinh các cụ đi chào hỏi suốt lượt hàng xóm rồi về uống thuốc.

Sáng hôm sau, cụ bà mê mệt như sắp đi, cụ ông thở rất to đến nỗi hàng xóm cũng nghe thấy. Họ như linh cảm thấy điều chẳng lành bèn đạp cửa xông vào, đưa hai cụ đi cấp cứu.

Nghe chuyện thương quá, các cụ cũng yêu quí tôi, hai bên đi lại chăm sóc nhau. Thỉnh thoảng tôi xuống thăm các cụ. Đôi khi cụ ông được cụ bà sai đi chợ, lại đạp xe vòng lên thăm tôi.

Rất tự nhiên, một sợi dây tình cảm nối liền chúng tôi. Đi nước ngoài về, bao giờ tôi cũng cố gắng có chút quà nhỏ tặng hai cụ.

Lần đầu tiên đi Pháp, dành dụm mua được hai chỉ vàng, tôi giữ cho mình một chỉ, một chỉ biếu hai cụ. Các cụ rất nghèo, cả tài sản chỉ có một cái sổ tiết kiệm lấy lãi hằng tháng, phụ thêm vào lương chứ chả biết buôn bán gì.

Sau này một chỉ vàng chẳng là gì, nhưng lúc bấy giờ thì quí lắm, hai cụ cứ khoe mãi với mọi người ở cùng khu tập thể.

Cụ Đạt là người hiền lành, sống chân thành, thật thà cả ngoài đời lẫn trong nghệ thuật. Xuất thân từ dòng dõi con nhà quyền quí, lại được đào tạo với chuyên gia nước ngoài từ lớp đạo diễn đầu tiên, cụ Đạt đã có những thành công nhất định với bộ phim Kim Đồng làm về quê hương rừng núi của cụ.

Một lần trên xe cùng đoàn phim, tôi hóng hớt nghe thấy ông quay phim và cụ Đạt nói chuyện với nhau. Cụ Đạt hỏi: “Theo mày, con Vân còn có thể tiếp nối con đường điện ảnh không?”.

Ông quay phim gật gù: “Được, em cho là nó còn đóng được dăm bảy phim nữa”. Sau này ông quay phim còn nhắc mãi về lời tiên đoán của ông cho nghiệp diễn của tôi.

Chắc lúc nói thế, ông cũng chỉ muốn làm đẹp lòng cụ Đạt thôi, vì cụ Đạt vẫn tự hào nói: “Con Vân là do tôi phát hiện ra, tôi đưa nó vào điện ảnh”.

Ông Phạm Kỳ Nam hay lãng mạn

Còn chưa hết ngượng với vai diễn đầu tiên của bộ phim đang duyệt nháp, đạo diễn Phạm Kỳ Nam lại đã mời tôi thử vai cho một phim khác, phim Tự thú trước bình minh.

Ấn tượng của ông Nam về tôi: “Trời ơi, trông sao mà quê thế!”. Là dân Tây học ở Pháp về, ông Nam có phong cách hào hoa, chau chuốt cả ngoài đời lẫn trên phim ảnh. Ông chê tôi quê là muốn nói đến cái khía cạnh hấp dẫn quyến rũ của một cô gái. Thế mà rồi ông vẫn mời.

Tôi đến nhà riêng của ông Nam ở phố Cao Bá Quát để chụp ảnh thử vai. Sau này con trai ông Nam, bằng tuổi tôi, kể lại: “Gớm, sao hồi ấy bà đến nhà tôi trông bà ngờ nghệch buồn cười thế”.

Tôi 21 tuổi, tóc dài, quần lụa đen, nom quê thật. Thế mà lại được vào vai cô tiểu thư miền Nam đài các, một vai không định mà lại thành. Lại phải dấn thân tiếp.

Ba tháng quay ở Nha Trang là ba tháng khắc khoải, lo lắng và mòn mỏi mong ngày về Hà Nội. Lúc đó tôi vừa mới nhận lời yêu, nhưng cứ thấy im ắng vì mất liên lạc, ngỡ mình bị bỏ rơi. Nghe nói chưa được về là òa lên khóc.

Trong tiếng khóc ấy còn có cả nỗi hoảng sợ vì bị đạo diễn Phạm Kỳ Nam “mê”. Chỉ thấy lo lắng chứ chẳng thích thú gì. Không hiểu sao ông lại lãng mạn thế!

Ở Pháp về, ông lấy vợ toàn là những người đẹp, diễn viên nổi tiếng. Người vợ đầu của ông từng là hoa khôi Hà Nội. Bà thứ hai là diễn viên nổi tiếng cũng đẹp lộng lẫy không kém.

Tôi chả là cái gì, có mà xách dép cho mấy bà ấy không đáng, cho nên làm gì ông đạo diễn lừng lẫy chả tự tin! Hồi ấy đạo diễn điện ảnh là một nghề rất danh giá. Và quan trọng là thời điểm đó ông đạo diễn đang độc thân.

Trong khi quay phim, ông ra sức chiều chuộng tôi. Quay xong, về Hà Nội, ông liên tục đến nhà, đến một cách không bình thường, và nói thẳng với bố mẹ tôi: “Tôi đến xin làm rể đây”.

Với tôi, ông tuyên bố: “Tôi trồng cây si đấy!”. Bố mẹ phải biến chuyện ấy thành chuyện đùa. Vì người ta là đàn anh nên chẳng thể phản ứng một cách phũ phàng. Thế đấy, ông Nam cứ hồn nhiên chẳng một chút e ngại thất bại.

Cụ Khoa đi tìm chị Dậu

Cụ Khoa trả lời báo chí rằng cụ đã ấp ủ làm phim Chị Dậu từ lâu nhưng vì không tìm được diễn viên chính nên thôi. Bẵng đi mãi đến mười năm sau cụ lại nhớ đến, vẫn muốn làm và cụ lại đi tìm chị Dậu.

Tìm cả trong ngành, ngoài ngành nhưng vẫn không tìm ra một gương mặt thật Việt Nam. “Sao anh không thử con Vân nhà ông Tiến nhỉ?”.

Cụ Phạm Văn Khoa gạt phăng đi: “Nó trẻ thế, đẻ ra giữa Hà Nội thì chị Dậu cái gì”. Mọi người bảo: “Anh nhầm rồi, nó Hà Nội 100% nhưng trên phim trông nó rất nông thôn Việt Nam, nó làm được đấy”.

Cuối cùng tôi được mời thử vai chị Dậu. Phải quay thử chứ không chỉ chụp ảnh hay phỏng vấn. Tôi phải diễn thử cảnh chị Dậu đi bán con mà không có con, cũng không có Nghị Quế để tạo cảm xúc, chỉ có máy quay trước mặt.

Hóa trang mặt xong, nhìn trong gương tôi chẳng thấy mình giống chị Dậu tí nào, chẳng thấy “động đậy” một tí chị Dậu nào ở trong người cả, cũng thấy run.

Rồi chị phục trang mang ra nào váy đụp váy xòe, áo nâu vá chằng vá chịt, rách như tổ đỉa. Rồi họ bắt đầu độn người mình lên với ba tầng mút, tôi thoắt cái có một bộ ngực đồ sộ xộc xệch ngất ngưởng, cái mông cũng phải độn bằng một quần bồng lồng mút.

Cuối cùng, trùm cái váy tổ đỉa ra ngoài, cắp cái thúng, tôi đi bộ từ phòng hóa trang trên con đường đá rẽ trái vào phòng quay thử của xưởng phim…

Chỉ qua một đoạn đường ngắn ngủi đó thôi, tôi đã tự biến mình thành chị Dậu từ trong ra ngoài lúc nào không hay, đến nỗi cụ Khoa bảo tắt máy, tôi vẫn không ngừng lại được.

Cứ như là bị một thứ bùa mê gì đó không thoát ra được. Cả đoàn thở phào: “Chị Dậu đây rồi, không phải tìm nữa!”. Lúc đó cũng có ý kiến phản đối: “Sao lại chọn một cô trẻ thế vào vai chị Dậu?”.

Cụ Khoa bèn ra sức bảo vệ: “Tôi đưa sách của cụ Ngô Tất Tố cho các ông các bà xem nhé. Đây này, Phạm Thị Đào, sinh năm Ất Dậu, 24 tuổi, đúng bằng tuổi con Vân bây giờ. Đúng như cụ Tố tả”. Thế là chả ai còn thắc mắc gì nữa.

Khi quay thật cảnh bán con bán chó ở làng Đồng Kỵ, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm với dân làng. Chiều ảm đạm, chị Dậu một tay dắt con Tí, tay kia dắt chó, đi qua cánh đồng để đến nhà Nghị Quế.

Chưa đến cảnh quay, mới chỉ từ nhà dân, chỗ ở của đoàn phim đi sang hiện trường, dân làng đi theo đã ngậm ngùi nước mắt. Họ nói: “Đời chúng tôi đã khổ mà trông cô còn khổ hơn”. Cứ cảnh quay nào có chị Dậu, dân làng lại khóc.

Sau phim Chị Dậu, tôi thật sự rút ra được một bài học lớn về nghề diễn. Có một sự ân hận không thể sửa được vì phim đã xong. Tôi bị cảm xúc thật chi phối đến mức bị “chìm nghỉm” luôn, không biết kiềm chế.

Tôi đã đẩy nhân vật đến chỗ dấn quá sâu vào mảng bi lụy. Lúc đó cứ ngỡ người diễn viên càng say sưa hóa thân vào đời nhân vật càng tốt. Cứ chỗ nào thương cảm là rơi nước mắt, thậm chí máy dừng vẫn cứ khóc, không thoát ra được.

Dường như tôi khóc thương chị Dậu chứ không phải chị Dậu khóc thương chồng thương con.

Tuy nhiên, vai diễn của tôi vẫn được báo chí ưu ái khen ngợi, chỉ có tôi âm thầm và nghiêm khắc nhận những cái rất dở trong diễn xuất của mình.

Theo Tuổi trẻ

Phá được mặc cảm con gái Hà Nội, cứ vai nào đặc chất Việt là tôi được mời. Vai chính trong Bao giờ cho đến tháng mười là một vai như thế.

Thời gian quay phim trùng với lịch tập vở balê Spartacus do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn mà tôi là vai chính, không thể bỏ được. Quay phim xong thường đã quá đêm, 5 giờ sáng hôm sau tôi phải đi đánh thức lái xe dậy đưa về nhà hát vì lo ông ấy ngủ quên.

Tập balê từ 9 giờ - 12 giờ, hết giờ lại lên ôtô đi thẳng ra trường quay. Giờ giấc sít sao thế nhưng tôi không hề ốm, vẫn cứ làm việc băng băng, nhiều khi cả đoàn ngủ gật, tôi vẫn tỉnh như sáo. Ai cũng phải công nhận tôi là người thức giỏi. Có lẽ do tập balê nên sức chịu đựng của tôi dẻo dai hơn người.

Khi làm phim, đạo diễn hoàn toàn tin vào diễn xuất của tôi, để yên cho tôi phát huy hết khả năng của mình. Chính tinh thần cầu thị, tôn trọng khả năng sáng tạo tập thể của đạo diễn đã làm nên những thành công nhất định cho bộ phim. Phim được mang đi nước ngoài nhiều đến mức ông đạo diễn nói đùa: “Phát ngượng”.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.