Tuyết Liên Hoa

Minh họa: Trương Phương Hoa.
Minh họa: Trương Phương Hoa.
TP - (Thay một lời nguyện cầu) Allego moderato (120). Sống, nghĩa là bất ngờ. Trên đời, chẳng ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy đến với mình.

 Câu này, nói thì đơn giản, nhưng chỉ có thể cảm nhận hết sự cay đắng của nó khi nó thật sự đến. Chẳng hạn như một sáng trên đường đi làm, bình thường như mọi sáng, con lớn đã đến lớp trung học, con nhỏ đã vào lớp mẫu giáo, vừa qua một cữ cà phê, nên đầu óc hoàn toàn tỉnh táo, giao thông trên phố ở mức bình thường, vậy mà bỗng dưng hung thần từ đâu lao tới, như sét đánh, đâm thẳng vào đầu xe, với một tốc độ thảm khốc, chắc chắn phải trên 100 kilomet/giờ. 

Có phải người lái xe bị kẹt dây ga? Hoặc vẫn còn xỉn sau một đêm nhậu tơi bời ngủ lang trên hè phố? Hoặc thần kinh có vấn đề? Không biết nữa. Anh không biết, em không biết, công an và bác sĩ có thể cũng không biết. Nhưng cú va chạm đau đớn dập lồng ngực xuống hè phố đã khiến nhịp tim của anh tăng lên vô độ, có thể là 120, hoặc 150, hoặc cao hơn nữa. Anh không biết. Xin lỗi em, anh đã không thể nào biết trước cơn trụy tim sẽ làm anh quên hết. Quên hình dáng em, quên hình dáng chính mình. Quên em là ai, anh là ai, từ đâu chúng ta đã đến trên cuộc đời này.

Anh chỉ còn nhớ được ký ức gần nhất bắt đầu từ những gương mặt xa lạ, bóng áo trắng dập đờn ngó xuống anh nằm đuội trên đường phố. Anh đâu có quen những người này, họ xúm quanh anh để làm gì? Một bác sĩ ngồi hẳn lên ngực anh nhấn những nhịp quyết liệt mong thúc đẩy tiếng đập trở lại của cái cục im ỉm bên trong. 

Lúc đó anh đứng lơ lửng bên trên đầu họ, khoanh tay bất lực cạnh chiếc xe cứu thương, giữa dòng người dồn ứ lại với tiếng còi xe, mùi khói bụi và cảm giác thất vọng chảy xiết từ đôi vai rã rời của anh tràn xuống dìm ngập ô nhiễm cả đám đông, những con người, những chiếc xe đang chạy tới những mục tiêu khác nhau trên con đường của họ.

Màu trắng rã rượi còn theo anh rất lâu, và nó trở thành ký ức thân thuộc nhất đối với anh suốt sáu tháng liền cô đơn trong khu nội trú bệnh viện. Anh chỉ có một mình, không quen biết bất cứ một ai, cô đơn hơn mọi ốc đảo giữa vòng vây những người tự nhận là người thân kéo tới thăm anh. Ngơ ngác nhìn những gương mặt lạ lẫm. 

Cô đơn ngay cả khi em vò võ bên cạnh, bỏ hết công việc để ở lại bệnh viện chăm anh, xấc bấc xang bang chạy đây chạy đó vay mượn cho đủ số tiền đóng viện phí. Cô đơn thờ ơ trong buổi chiều chủ nhật tĩnh lặng rì rầm nghe con gái mười bốn tuổi vừa khóc vừa kể ngày hôm qua chân con rã rời vì đi bộ khắp Sài Gòn, từ Nhạc viện thành phố sang trường Academy, tự đi học vì má đang phải ở trong bệnh viện với ba. Anh bất lực nghe thằng nhỏ líu lo hỏi ba ơi chừng nào ba về nhà với con, chứ con chán ở chung với mấy anh chị và các bác lắm rồi. Không có ba, không có má, không có chị hai, sao ai cũng bỏ con như trẻ mồ côi vậy?

***

Canzonetta: andante (76).

Chỉ có những vận động viên thể thao chuyên nghiệp mới sống được với nhịp tim hạ xuống tới 40 hay 70. Thế nhưng, thật kỳ lạ là anh đã sống lại sau khi tim đã ngừng đập suốt 3 ngày. Có phải vì cuộc sống luôn luôn là như thế, sống – nghĩa là đầy bất ngờ, cả những điều kinh khủng thảm khốc và những chuyện diệu kỳ khó tin.

Anh ngạc nhiên khi thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má em. Người phụ nữ này mong chờ anh tỉnh dậy? Anh bao nhiêu tuổi? Em bao nhiêu tuổi? Sao cứ gọi anh là anh? Sao em vò võ ở lại bên cạnh anh để làm gì? Vì sao thế? Anh không biết, không cách gì hiểu được. Anh ngơ ngác ngay cả khi em lật từng trang trong cuốn album, càng mở thêm mỗi trang, nước mắt em càng rơi nhiều hơn. 

Những tấm hình ấm áp ôm nhau ngồi trên bờ sông Seine, nụ cười rơi giòn tan giữa đường phố Paris, chiếc áo ấm che bớt tuyết lạnh ở Thụy Sĩ, có phải anh trong đó? Sao anh không nhận ra chính mình? Sao anh không nhận ra anh? Cuối cùng thì anh là ai, em là ai, chúng ta là gì trên cuộc đời này?

Có lần em nói rằng anh từng hứa đưa em leo lên độ cao mấy ngàn mét Tây Tạng tràn trề lạnh lẽo, chất chứa âm u, đi tìm hồ Liên Hoa, nhưng anh sợ sức em yếu quá không chịu được không khí loãng, không theo được mức độ thay đổi chóng mặt đến nỗi đi bên ngoài nắng thì cháy da mà bước vào dưới bóng cây là lạnh run cầm cập. Anh đã hứa rồi, nhất định anh phải  đưa em đi. Cho dù trăm ngàn vất vả. Em muốn nhìn thấy áng mây kết đài sen trên mặt hồ. Thế chúng ta đi tới đó, để làm gì, xong rồi sẽ đi đâu?

Em hỏi thế cái tên Manasarovar có gợi cho anh nhớ tới gì không? Không, anh không biết, anh chỉ biết lắc đầu. Là gì vậy? Trên độ cao 4.580m so với mực nước biển, hồ Liên Hoa mênh mông phủ đầy mây trắng. Chúng ta phải hành hương tới đó anh ạ, cho dù chúng ta sẽ không còn có thể tiếp tục hít và thở nữa, phải đợi ở đó khi bình minh lên trên mái tu viện, tràn xuống và phủ ngập những tia sáng đỏ như máu chảy khắp thế gian, xua tan mây, để soi gương mặt nhàu nhĩ nát bấy vết thương của mình trong làn nước trong vắt thấu tận tâm can, để rũ bỏ, xoá bớt, thanh tẩy, sám hối, tha thứ, và khoá trái cánh cửa tái sinh trong những kiếp nhọc nhằn này.

Padmasambhava có thể nhìn thông suốt ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai cũng rõ ràng như một vật đặt trên bàn tay chúng ta, nơi ấy, Đức Liên Hoa Sinh từng tu tập, ngài sẽ khai thị cho chúng ta biết mình là ai, từ đâu đến và trả lời những câu hỏi tại sao.

Bỗng nhiên, anh nhìn thấy Tuyết Liên Hoa lung linh một đoá mọc ở độ cao từ gần năm ngàn mét, thoạt nhìn tựa đóa sen nở xòe, trắng như tuyết, nổi bật mà e ấp ý tứ, kín đáo, đài nhụy màu nâu vàng. Giữa vùng núi quanh năm bao phủ tuyết trắng lại có một loại hoa kỳ lạ đến vậy, tương truyền là đệ nhất mỹ nhân trên đỉnh núi Thiên Sơn. Người ta nói ai được nhìn thấy Tuyết Liên Hoa thì may mắn lắm.  

Có phải hồi đó em còn trẻ, tóc mây hai mươi buông chùng đôi vai gầy nõn nà như tuyết, đôi tay mảnh dẻ như múa, anh không nghe rõ thanh âm, không hiểu được ký hiệu. Có phải em kể cho anh khi xưa ở Thornling phía Đông Tây Tạng có một ngôi chùa hoang phế, nhưng ở đây vẫn còn những pho tượng Phật nguyên vẹn. 

Một hôm có trận cuồng phong kéo đến làm mái ngôi chùa nguy cơ đổ sụp, run rẩy trước trận cuồng phong là một bông hoa nhỏ bé, bất lực, bông hoa cầu khẩn Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu giúp. Quan Thế Âm Bồ Tát nói: hỡi bông hoa bé nhỏ kia, há ngươi không biết rằng trong cõi thế gian này tất thảy đều lưu chuyển, không có gì bất biến, có sinh ắt phải có diệt, có thành ắt phải có bại.

Ngôi chùa này đã đến giai đoạn bị hủy hoại thì cũng là luật vô thường mà thôi...! Bông hoa nói: Bạch Đức Bồ Tát, con cầu nguyện không phải cho con, từ khi con còn là một hạt giống nằm trong vách đá ở đây con vẫn được nghe các vị tăng tụng kinh, nhất là bộ Bát Nhã Ba La Mật, nên con ý thức được trên đời có sinh ắt có diệt. Nhưng con cũng biết bộ kinh quý giá này đươc cất giữ đã lâu chưa được truyền ra bên ngoài, vậy con cầu nguyện cúi xin ngài hãy để cho những bộ kinh đó làm tròn sứ mạng được giao phó là được truyền bá ra ngoài cho thế gian. 

Quan Thế Âm lấy làm hài lòng, ngài liền thỉnh lễ Đức Phật Thích Ca lời cầu khẩn của bông hoa. Đức Phật Thích Ca hoan hỉ nói: Đẹp thay bông hoa nhỏ bé kia đã nói với tất cả tâm thành của một trái tim Bồ Tát, đã biết quên mình mà nghĩ đến người khác. Ngôi chùa này đáng lẽ phải bị hủy hoại. 

Nhưng ta chấp thuận lời cầu nguyện của con mà cho phép bộ kinh được truyền tụng cho thế gian... Ngài vừa dứt lời, trời đất bỗng trở nên yên ả, quang đãng lạ thường, vầng trăng tỏa nhẹ ánh sáng xuống xứ Thornling, một mùi hương thơm ngát từ đồi Saparang thoảng đi khắp mười phương thế giới…

***

Finale: Allegro vivacicssimo (120-168)

Thật bàng hoàng tiếc nuối vì anh biết mình không thể và không có thì giờ và tâm trí để lưu lại một nơi thiêng liêng như thế. Nhưng, thốt nhiên, anh cảm nhận được nguồn năng lượng ấm áp vây quanh, đầu óc đột nhiên sáng sủa. Bỗng nhiên mọi thứ xuất hiện một cách rõ nét. Dường như tâm phóng ra một thứ ánh sáng, chiếu thành một thế giới, trong đó có anh và mọi sự xung quanh, lơ lửng trong trạng thái tách ra khỏi bản thể, anh đột nhiên, lần đầu tiên, thấy mình có hai cách nhìn thế giới.

Cách bình thường là anh, một thực thể riêng lẻ, đang thấy thế giới xung quanh, khác với chính anh. Cách kia là một thế giới duy nhất xuất hiện, trong đó có anh và có những cái khác. Hệt như một giấc mơ. Tâm – Thân – Ý hoàn toàn thanh tẩy, trở lại trạng thái rỗng hoàn toàn, không dụng tâm, không nỗ lực. Có tiếng sét nào không mà thế giới bỗng nhiên hiện lên như mây soi bóng trong hồ. Hay đức Liên Hoa Sinh đã cho anh một lời khai thị. Để anh nhận ra chính mình, nhận ra em, và nhận lại thế giới.

Đột nhiên, anh chợt hiểu ra lý lẽ của những giọt nước mắt nghẹn ngào của em, không chỉ những giọt chan chứa tràn trề trên gương mặt hao gầy, xanh tái, mà cả những giọt đắng chát em đã nuốt trọn vào trong. Trên những chặng đồng hành bươn bả.

Sống – nghĩa là bất ngờ. Cuối cùng, anh đã nghe thấy lại bản Violin concerto in D Major Op 35 đầy nước mắt tuôn chảy từ đôi tay em. Đừng giận anh, những cánh Tuyết Liên Hoa mong manh hơn mọi thứ thảo mộc trên đời. Chúng ta sẽ cùng quay về nơi có tiếng gọi của con gái mười bốn tuổi đi bộ khắp thành phố để đến lớp, và con trai đang ấm ức sắp bị biến thành trẻ mồ côi. Về nơi chúng ta có thể cùng khóc, và cùng cười. Bên nhau.

Saigon 22-Mar, 2016

--------------

dòng đầu của mỗi khổ trong truyện ngắn, tương ứng với 3 chương của bản “Violin Concerto in D Minor”. Các con số trong ngoặc kép là số phách hoặc số dấu nhạc phải diễn tấu trong một phút:

1. Allegro moderato (120): nhịp nhanh vừa

2. Canzonetta andante (76): chậm rãi

3. Final: Allegro vivacissimo (120-168): rất nhanh 

Tuyết Liên Hoa ảnh 1Có thể đọc theo nhịp điệu của âm nhạc? Và biểu cảm theo cách mà một chương trong một bản concepto cần có? Có lẽ không nên hiểu máy móc theo nghĩa đen. Ở đây, thực ra Hoà Bình chỉ đưa ra một chỉ dẫn có tính gợi ý, nhưng đây là một gợi ý quan trọng bởi nó biến quá trình đọc thành một trò chơi nghệ thuật thú vị. Ở trong tác phẩm này, yếu tố trữ tình hoà trộn làm một với sự phi lý của đời sống, mất mát, nỗi đau, tình yêu và sự tiếc nuối…

Hoà Bình viết sách, làm báo. Nữ nhà văn hiện đang sống và làm việc tại TPHCM.       

L.A.H

MỚI - NÓNG