Ước vọng mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính

Ước vọng mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính
TP - Tất nhiên không chỉ một mình nhà thơ Nguyễn Bính sở hữu “mùa xuân thi ca”, mùa của ước vọng đoàn viên, mùa của tình yêu đôi lứa.

Là một trong những thi sĩ hàng đầu của Phong trào Thơ mới (1932-1945), từ hơn nửa thế kỷ trước, Nguyễn Bính đã ghi đậm dấu ấn phong cách sáng tạo của ông trên những trang thơ tươi ròng sức sống, đọc rồi chẳng dễ dứt ra được:

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong... (Xuân về)

Ước vọng mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính ảnh 1
Nhà thơ Nguyễn Bính

Hình ảnh thơ khởi đầu năm mới tơ non trong trẻo biết chừng nào! Màu má em màu xuân tươi từng đi qua cái rét xám trời tiết đông hàn khắc nghiệt:

Có cô thợ ruộm về ăn Tết/Sương gió đường xa rám má hồng.

Xuân về, ngõ xóm, đường làng, thửa vườn, hàng cây...tất thảy đều bừng dậy trong bước nhảy đột biến, dập dìu:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mây tạnh giời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi...   (Xuân về )

Mười ba tuổi đoạt giải Nhất cuộc thi ứng tác thơ - ca từ, cậu thiếu niên Nguyễn Bính đã giúp cánh con trai làng Thiện Vịnh thắng cuộc thi diễn xướng, đối đáp tại hội xuân Phủ Dày. Người ta đã kiệu cậu lên mà rước trên vai dọc con đường cỏ non mơn mởn, giữa cờ quạt phơi phới bên dải núi Tiên Hương. Mười chín tuổi nhận giải thưởng Thơ của Tự Lực văn đoàn.

Nhà thơ sinh thành trong một gia đình trọng Nho học, tố chất thi sĩ được nuôi dưỡng bằng mạch nguồn văn học truyền thống. Ông cũng được thừa hưởng những nét văn hoá tinh tuý ở vùng quê Thiên Bản-Vụ Bản, nơi sinh ra Bà Chúa thi sĩ Liễu Hạnh, quan Trạng tài hoa Lương Thế Vinh:

Nhà ta coi chữ hơn vàng
Coi tài hơn cả giàu sang trên đời
Ta thường mơ ước xa xôi
Mỗi lần ngõ cũ để rơi hoa hòe... (Con nhà Nho cũ)

Đọc Nguyễn Bính, nhận ra ông làm thơ không phải để lấy cái danh. Con người “Giời bắt làm thi sĩ” này, thơ là hồn vía, là cái nghiệp thắt buộc một đời. Hiện thực và trữ tình, thực và mộng, khắc khoải bâng khuâng và xót xa say đắm, ngu ngơ chân thành và đằm sâu bản lĩnh...

Nguyễn Bính không chịu được những biến dị, những hao hụt xía vào nền nếp văn hóa dân tộc, vào phong vị “hương đồng gió nội” thiêng liêng. Những hương chanh, giậu mồng tơi, giàn đỗ ván, ao cấy cần; những lễ tiết, tập tục, những bến đò, câu hát...thảy đều được thăng hoa khi vào thơ Nguyễn Bính.

Nhắc lại những năm tháng xa xôi trong thế kỷ vừa qua, các bậc cao niên thường không quên đời sống cơ cực bao kiếp người nghèo đói. Nhà văn Tô Hoài viết: “Làng Thiện Vịnh thật, có giữa vùng chiêm khê mùa thối đất Nam Định, Thái Bình, đâu đâu cũng xơ xác nước trắng đồng, gió lùa sóng đồng cờn lên, quẩn lại, lật cả thuyền mảng, cả đến người ra cứu lúa cũng chết đuối.

Mỗi năm, mỗi mùa, biết bao người đã bỏ làng đi tha phương. Nhà thơ bó gối nhìn vào trong đêm. Chỉ nghĩ lại cũng đã se lòng. Nhà thơ tưởng tượng, trên những khổ cực ấy,  phấp phới những lứa tuổi đương tơ, hoa cải vàng tháng Chạp, mưa dây mưa dợ, trăng rằm sáng như ban ngày và những đêm chèo hát... Thơ là niềm khao khát, là ước nguyện của con người”. (1)

Ước nguyện ấy với thi nhân mỗi độ xuân về, lại chờ mong một vận hội mới, có khi “đến bên gốc mai hỏi thăm tin xuân” (Lý Bạch). Nhà thơ hay là cô gái “Dệt lụa quanh năm với mẹ già” khấp khởi mừng lo:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”...   (Mưa xuân)

Và:

Xóm giềng đã đỏ đèn đâu
Chờ em chừng giập miếng giầu    em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng chung một ngõ vội vàng chi anh...    (Chờ nhau)

Ước vọng mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính ảnh 2
Hồn quê - Ảnh: tamtay.vn

Cô gái dệt lụa và “anh ấy” đã lỡ hẹn trong thơ, lỡ hẹn trong cuộc đời. Còn đôi trai gái “cùng chung một ngõ” thì lại cầm lòng xót xa vì nỗi Ai làm cả gió đắt cau/ Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non? Sự đời là thế.

Thơ Nguyễn Bính trước Cách mạng, ít có bài hội được một niềm vui. Bao nhiêu lầm lụi, truân chuyên, lỡ làng từ nhà thơ đến anh lái đò, từ người mẹ tảo tần đến người con gái lỡ bước sang ngang “Bước chân về đến nhà chồng là thôi”.

Trên bước đường sự nghiệp “thân lập thân” vất vả mưu sinh, sau chót Nguyễn Bính làm kẻ độc hành như bài thơ độc vận “Hành phương Nam” Ta đi nhưng biết đi đâu chứ? Đã dấy phong yên tận bốn trời.

Những cái Tết xa nhà, những mùa xuân tha hương:

Chén rượu tha hương cay đắng lắm
Trăm hờn nghìn giận suốt mùa đông...
...Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Sống đời mang lấy số long đong... (Xuân tha hương)

Nguyễn Bính vốn là Thi sĩ của thương yêu như ông từng viết. Thơ ông, cái gốc đằm thắm là tình - tình quê nơi ông có những sáng tác khởi đầu một sự nghiệp thi ca thành công.

Những năm cuối đời, quê nhà là nơi ông năng đi về. Quê nhà là nơi ông lấy lại sức vóc, có một sự hồi xuân cảm động nơi bút lực của ông. Nhà thơ tản bộ trên con đường quê “Đi lâu quên cả màu hoa dại/ Quên cả mùi hương gạo tám xoan” gặp lại:

Chiều xuân mưa bụi nghiêng nghiêng
Mưa không ướt áo người xem hội làng
Đây là thực chứ phải đâu trong mộng:
Hội xuân gió loạn đuôi cờ
Làng xa đêm vẳng nhặt thưa trống chèo (Tiếng trống đêm xuân)

Cảnh cũ người xưa trong nắng mới bồi hồi:

Đường lên chợ tỉnh xa tăm tắp
Nắng mới ôi chao cát bụi mù
Các chị trong làng đi bán lụa
Giắt đầu từng nắm lá hương nhu (Cuối tháng Ba)

Một chút chạnh lòng khi mùa hoa đã vãn:
Nắng lên mất thú ngồi bên lửa
Mùa hết hoa rồi bạn với ai? (Tháng Ba)

Có nhà phê bình đưa ra một giả định: “Hãy thử hình dung, nếu thơ ta thiếu vắng những bài thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính (Hai phong cách thơ xuân độc đáo - Hồng Diệu) thì phong vị xuân, tết trong văn chương sẽ nhạt đi bao nhiêu!” Quả có thế thật.

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004), (Giải thưởng Nhà nước năm đợt II, năm 2001) với Chợ Tết, Đám cưới mùa xuân, Đám hội, Đường về quê mẹ... biểu lộ một” bút lực dồi dào, rực rỡ”(2). Còn Nguyễn Bính (1918-1966) đã để lại cho thi ca Việt Nam hai mươi tác phẩm gồm thơ trữ tình, trường ca, truyện thơ, kịch bản chèo...với cả “một điều quý giá vô ngần là hồn xưa đất nước”(3).

Ông thật xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh được Nhà nước truy tặng năm 2001 với các thi  phẩm: Nước giếng thơi, Đêm sao sáng, Tuyển tập Nguyễn Bính, trong đó có những bài toàn bích thuộc về mùa xuân thi ca của ông.

Nhà Thơ Phạm Trọng Thanh

———

(1):Tô Hoài - Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Bính, NXB Văn học,1986,tr.19.

(2),(3): Hoài Thanh-Hoài Chân,Thi nhân Việt Nam - NXB Văn học,1999, tr.178,344.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.