Văn chương và ăn mày

Văn chương và ăn mày
TP - “Không khéo ăn mày lại gặp ăn mày”, nhà văn Đỗ Chu bình về sự kiện quảng bá văn học Việt Nam vừa rộn ràng diễn ra tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc dịp nguyên tiêu mới đây.

Khi khách và chủ kéo nhau đi thưởng ngoạn, thù tạc là chính, ít tập trung vào câu chuyện văn học và cơ chế xuất nhập khẩu văn chương, khi tên tuổi, sự nghiệp văn chương của các khách mời quốc tế cũng chẳng giàu có ấn tượng hơn chủ nhà bao nhiêu, vậy nên “ăn mày lại gặp ăn mày”?! 

Năng gắn văn chương với ăn mày, có vẻ Đỗ Chu thấm Nguyên Hồng hơi kỹ. Bởi tác giả Bỉ Vỏ từng so cái mả thằng ăn mày “chính là đời thằng nhà văn chúng ta đấy”.

Đỗ Chu từng kể về một đống đất cao lù lù ven đường mà người ta gọi là mả ông Đống hay là mả thằng ăn mày. Để đảm bảo cho việc đi lại, công nhân bảo dưỡng đường lâu lâu lại gạt xúc đổ xuống ruộng. Nhưng ngay sau đó nó lại cao vụt lên. Bởi người đi chợ Phủ (Từ Sơn) gần đấy ai cũng ném vào một cục đất, mong không bị lừa lọc, ế ẩm thua lỗ. Ai cũng “đặt lòng tin vào sự phù hộ của thằng ăn mày chết thiêng tự bao giờ”. 

Một lần nhà văn Nguyên Hồng trên đường về Bắc Giang đã dừng xe đạp, hỏi Đỗ Chu xem cái mả này giống cái gì trên đời. Rồi tự kết luận giống như cái đời thằng nhà văn, là “do quê hương xứ sở bồi đắp nên, là do ông trời phù chú mà thành, cho nên nó suốt đời phải mang nợ…”.

Hai cái sự “ăn mày” kể trên rõ là khác nhau. Tự coi mình “ăn mày” mồ hôi nước mắt, cơm gạo của nhân dân, để suốt đời phấn đấu trả nợ bằng tác phẩm xứng đáng với nhân dân. Hay là chỉ véo von đàn ca sáo thổi. Từ thân phận buồn của nền văn chương học thuật nước nhà hiện giờ, giữa hiện thực đời sống đầy những khóc cười, thấy món nợ của nhà văn càng chồng chất. Một thứ “nợ xấu” đầy chua chát. Nhà văn chọn lựa cô đơn cô độc đối diện với máy chữ, trang giấy trắng, hay vui thú hội hè?

MỚI - NÓNG