Vẫn tranh cãi giữa bảo tồn và khai thác Sơn Trà

Một góc bán đảo Sơn Trà bị “cày xới” bởi 40 nền móng biệt thự không giấy phép khiến dư luận bức xúc. Ảnh: N.T.
Một góc bán đảo Sơn Trà bị “cày xới” bởi 40 nền móng biệt thự không giấy phép khiến dư luận bức xúc. Ảnh: N.T.
TP - Tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà” do Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng tổ chức sáng 30/5 tại Hà Nội, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, một lần nữa thẳng thắn “không chọn bao nhiêu phòng, chúng tôi chọn giữ Sơn Trà”.

Chọn cộng đồng hay lợi ích nhóm

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng những ngày qua trở thành người đại diện cho tiếng nói giải cứu bán đảo Sơn Trà khỏi bị băm nát. Ông Vinh nhấn mạnh rằng Sơn Trà là lá phổi xanh của Đà Nẵng, nếu làm lá phổi ấy ung thư thì lấy oxy đâu mà thở. Ông cũng cho rằng Sơn Trà là “mắt thần” với hệ thống radar nhìn ra biển Đông từ thời Pháp đến nay, để các doanh nghiệp ồ ạt xây dựng và chuyển giao cho nước ngoài theo luật đầu tư thật khó kiểm soát.

“Tôi đề nghị rà soát lại toàn bộ tài nguyên môi trường tại Sơn Trà, xem chúng ta có gì và sử dụng ra sao cũng như dự đoán sự thay đổi biến động ngắn hạn và dài hạn. Bộ nên tổ chức tọa đàm mang tính khoa học rộng rãi hơn nữa với nhiều yếu tố phản biện hơn”, ông Huỳnh Tấn Vinh đề nghị. Theo ông nên đặt mục tiêu bảo tồn lên hàng đầu, thay vì quá chạy theo mục đích khai thác phục vụ du lịch. “Bán đảo Sơn Trà có những cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, độc đáo, như cây đa hàng trăm năm tuổi, dải san hô được tạo thành từ hàng nghìn năm nay. Những san hô, cây đa nếu phá đi và tạo lại phải mất hàng vạn năm sau. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây chúng ta định gìn giữ, bảo vệ và phát triển hay chúng ta khai thác nó”, ông Vinh nói thêm bên lề tọa đàm.

Để thuyết phục các vị chủ trì và các chuyên gia, ông Vinh lấy dẫn chứng cách bảo tồn và làm du lịch của một số đảo và công viên thiên nhiên như công viên Philip ở Úc hay khu bảo tồn khỉ lùn ở đảo Bohol, Philippines. Gần hơn ông lấy Cù Lao Chàm là điểm sáng để Đà Nẵng có thể học hỏi, thậm chí hợp nhất vùng biển xung quanh thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế. Nếu làm theo hướng này nghĩa là Sơn Trà sẽ thành khu bảo tồn thiên nhiên, khu tham quan, vui chơi giải trí và giảm tối đa cơ sở lưu trú ở đây. “Một Đà Nẵng giữ được Sơn Trà cực kỳ hoang dã bên cạnh một thành phố hiện đại thì sẽ là điểm đến độc nhất vô nhị trên thế giới. Sơn Trà sẽ góp phần hấp dẫn du khách từ khắp nơi và làm cho đời sống cộng đồng trở nên sung túc hơn, thu nhập của thành phố tăng trưởng bền vững hơn. Vậy thì chúng ta sẽ chọn môi trường, chọn cộng đồng hay chọn vì lợi ích của một nhóm những nhà đầu tư giàu có?”, ông kết luận.

Không thể bỏ qua Sơn Trà

Ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng nói, giữ nguyên bán đảo Sơn Trà như thế thành ra đảo hoang. “Không phải toàn bộ vùng Sơn Trà là khu vực rừng đặc dụng, khu vực sinh sống động vật quý hiếm. Chúng ta phải xác định chúng ở khu vực nào để khoanh vùng bảo vệ. Tôi cho rằng cần xem lại quy hoạch này từ nhiều góc độ tổng hòa về du lịch và bảo tồn sinh thái”, ông Chương nói. Ông nói thêm không chỉ bảo vệ linh vật của Đà Nẵng-voọc chà vá chân nâu mà còn hệ động thực vật rừng, dưới nước ở Sơn Trà. Chính vì thế ông đề xuất nghiên cứu lại, đưa yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch.

“Chúng ta thống nhất rằng Sơn Trà là tuyệt vời, không phải đô thị nào cũng có được cho nên đương nhiên phải vừa sử dụng vừa bảo vệ. Không ai có thể đứng ngoài cảnh quan đẹp và lại càng không thể can thiệp thô bạo”, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tiếp lời. Ông nhắc lại thực trạng hiện nay nhiều vùng miền cải tạo cảnh quan thiên nhiên quá đà, san ủi chặt cây quá nhiều. “Tôi cho rằng cần xem lại các dự án ở Sơn Trà hiện nay. Hơn nữa nhiều chính quyền địa phương lệ thuộc quá lớn vào các nhà đầu tư-đôi khi họ làm đẹp hơn nhưng nhiều khi tàn phá nhiều hơn”, KTS Vạn nói. Dưới con mắt kiến trúc sư, ông cho rằng để bảo tồn được cảnh quan và đa dạng sinh học, các biệt thự nên ở quy mô nhỏ hoặc vừa phải và ẩn trong rừng. “Tuy vậy đến Sơn Trà quan sát và xem các nền biệt thự đang san lấp, tôi thấy quá to và không ổn. Chúng ta cần nhà quản lý tốt và còn cần cả nhà đầu tư thông minh”, ông Vạn nói thêm.

Đồng quan điểm với vị kiến trúc sư đầu ngành này, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ ra cái gốc vấn đề của Sơn Trà chính là các dự án. Một lần nữa ông nhắc lại nỗi nhức nhối khi các khu du lịch như Hạ Long lấn biển quá nhiều. “Quy hoạch đưa ra cũng quá tốt rồi, vấn đề là dự án có thực hiện nghiêm túc không. Đà Nẵng rất dũng cảm giảm từ hơn 5.000 phòng xuống còn 1.600 phòng trong quy hoạch, tuy nhiên bây giờ cần rà soát các dự án cụ thể. Cái gì ban hành được đều có thể sửa chữa được. Muốn du lịch phát triển bền vững phải có quy định chặt chẽ kèm theo, đặc biệt là quy định môi trường. Chúng ta hãy chọn nơi nào môi trường không bị tổn thương nhiều nhất, nếu anh không đầu tư thì thôi”, ông Bình nói. Ông cũng nhắc lại nếu biến Sơn Trà thành khu bảo tồn chỉ để ngắm thì tuyệt vời, nhưng ta cần tính toán thực tế với điều kiện đang có. Do vậy Sơn Trà nên được phát triển hài hòa với yếu tố bảo tồn.

Một số chuyên gia khác cũng đồng tình rằng quy hoạch tổng thể giúp kiểm soát tình trạng xây dựng ồ ạt và không theo quy chuẩn. PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng tình trạng vi phạm như thời gian qua là do dự án không phải lỗi quy hoạch. “Tôi kiến nghị cần rà soát và xin ý kiến chuyên gia độc lập để xác định vấn đề bảo tồn, quy mô điều chỉnh ở đâu và điều chỉnh cái gì. Tốt nhất nên thành lập tổ tư vấn độc lập”, PGS Lương nói.  Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái trong phần kết luận ghi nhận đề xuất này, hứa xem xét.

Tiếp tục tọa đàm tại Đà Nẵng

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ghi nhận 15 ý kiến tại tọa đàm sáng 30/5, ông cho biết sắp tổ chức tọa đàm tương tự ở Đà Nẵng. “Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho Bộ VH-TT&DL tổ chức nhiều tọa đàm như thế này để phân tích mổ xẻ và đóng góp cho quy hoạch. Trong thời hạn ba tháng bộ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng. Nếu tọa đàm ở Đà Nẵng chưa mổ xẻ hết, bộ sẽ tổ chức thêm tọa đàm để xử lý vấn đề một cách khoa học và thực tiễn”, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái nói. Ông cũng nhắc lại nhiệm vụ Chính phủ giao cho Đà Nẵng rà soát lại số phòng đã giảm trong quy hoạch được thực hiện ra sao, xử lý bài toán các dự án đã được cấp phép. Về tài nguyên ở Sơn Trà, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT có trách nhiệm báo cáo số liệu đồng nhất.

Kiểm soát bán đảo Sơn Trà bằng một cơ chế đặc biệt

Ngày 30/5, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND TP Đà Nẵng cho biết trên bán đảo Sơn Trà  đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án đầu tư phát triển du lịch có lưu trú cho nhà đầu tư trong nước với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.222 ha và 7 dự án khác. Tính đến nay có 11/18 dự án du lịch đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích khoảng 344 ha…

UBND TP Đà Nẵng cũng nêu rõ quan điểm, Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng về cảnh quan tự nhiên; quốc phòng, an ninh; đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển du lịch. Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà theo hướng bền vững, đảm bảo phương châm bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để phát huy bảo tồn. Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển.

Về phương án phát triển, nội dung quy hoạch du lịch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 theo UBND TP Đà Nẵng là phù hợp... Do việc tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà, UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức rà soát và làm việc với các nhà đầu tư, có báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8.           

            Nguyễn Thành

MỚI - NÓNG