Văn Vượng tiết lộ bí mật

Văn Vượng tiết lộ bí mật
TP - TP - Buổi chiều cuối xuân, nhận được cú điện thoại hồi đáp từ NSƯT Văn Vượng: “Em đến đi. Chiều nay tôi không có buổi dạy”. Khu tập thể ven hồ Nghĩa Tân san sát quán cà phê chạy dài hết tầng một, khuất cả bảng chỉ dẫn lên cầu thang.
Văn Vượng tiết lộ bí mật ảnh 1
NSƯT Văn Vượng.  Ảnh: P.L

Lòng vòng một hồi theo hướng dẫn (qua điện thoại), vẫn thận trọng hỏi lại: “Nhà anh sơn cửa màu vàng phải không?” Tiếng cười vọng ra: “Em hỏi màu sắc thì tôi…chịu chết”. Rồi tiếng lách cách của chìa khóa, cửa mở. Văn Vượng đang kí âm một giai điệu vừa chợt đến, bảng chữ Braille dừng lại ở dòng thứ ba.

Thật tự nhiên, những nốt nhạc vang lên trong không gian phòng khách rất nhỏ như sự sẻ chia . Bản Romance de Amour. Sâu lắng. Giản dị. Mộc mạc.

Qua chuyển soạn của Văn Vượng mang nét buồn sâu thẳm và tinh tế hơn. Mê hồn và khắc khoải. Vẳng trong tiếng đàn là lời kể của một câu chuyện tình buồn. Từng giọt đàn như từng giọt mưa rơi bên ngoài khung cửa.

Đoạn kết của một chuyện tình

Hai mươi tuổi, Văn Vượng rời Hải Dương lên Hà Nội sinh sống. Một chàng trai tỉnh lẻ bình thường muốn lập thân giữa đất kinh kỳ đã khó, mà Văn Vượng lúc đó chỉ có trong tay một cây ghi ta gỗ đã tróc sơn, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng…thì thật là một ý tưởng liều lĩnh.

Thuê một căn gác nhỏ trên phố Hàng Giấy, một mình tự chăm lo từ những việc nhỏ nhất. Và đi biểu diễn, dạy đàn kiếm sống. Học trò khá đông, người đến học vì yêu thích ghi ta, cũng có người vì mê tiếng đàn mà đến xin học để được nghe nhiều hơn, kỹ hơn.

Các thiếu nữ Hà thành đã nhiều đêm thổn thức, nhưng chỉ có một người dám mang hết tuổi trẻ và những rung động đầu đời dâng tặng người nghệ sĩ tài hoa nhưng phải chịu thiệt thòi một tình yêu sâu sắc.

Tình yêu đã khiến ngón đàn của Văn Vượng thăng hoa, những ca khúc mang vẻ đẹp tâm hồn người con gái ấy đã ra đời: Hà Nội trong mắt ai, Tình yêu Hà Nội...

Mối tình đầu gần một thập kỷ trải qua biết bao sóng gió trong sự giằng co giữa những toan tính đời thường (mà lại là đời một người con gái đẹp) và tình cảm thánh thiện nhưng không có điểm tựa vững chắc.

Gia đình cô gái làm mọi cách cắt lìa mối duyên không “môn đăng hộ đối”, kể cả chạm đến lòng tự trọng của người nghệ sĩ một cách gay gắt và vô lý.

Văn Vượng đành lòng khuyên người yêu hãy thuận ý người thân. Nhưng cô gái ấy vẫn một lòng tha thiết, tự nguyện làm nên một “sự đã rồi” để được lấy người mình yêu…

Cho dù đã có lúc bước qua vòng giáo lý khắt khe, cuối cùng cô gái cũng phải gạt nước mắt lên xe hoa đến tận phương trời khác theo sự sắp đặt hoàn hảo của gia đình. Những ngày đớn đau khủng khiếp đó, Văn Vượng phải bao lần nhủ lòng Hãy quên đi đừng khóc nữa...…(một ca khúc của Văn Vượng).

Nỗi buồn vùi sâu gần nửa thế kỷ, qua biết bao nhiêu bồi lở của đời người. Bất chợt trở về hiện hữu thật gần gũi và cụ thể. Tình cờ gặp lại nhau trong một đám giỗ, thì ra người ấy là vợ của một người họ hàng. Một thoáng kề bên nhau, đủ để trao lời nhắc nhủ: “Anh đừng để lộ ra là mình từng quen nhau nhé. Hãy vì hạnh phúc của em…”.

Im lặng. Sẽ là sự im lặng mãi mãi. Để người xưa thanh thản mà người nay thì được ấm êm. Nỗi buồn chừng ấy năm được hóa giải bằng cơn đau thắt lòng…Rất nhẹ nhàng và thực tế.

Những danh hiệu “oan trái”

Bốn tuổi, Văn Vượng mắc bệnh đậu mùa, đến khi gia đình phát hiện ra thì di chứng đã ảnh hưởng đến đôi mắt. Bố mẹ vội vã đưa lên bệnh viện Hà Nội, lịch mổ mắt được sắp xếp vào ngày 22/12/1946, do một bác sĩ giỏi đảm trách. Nhưng ngày 19/12, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được phát động, bác sĩ đó phải lên đường ngay trong đêm.

Vậy là cậu bé Văn Vượng phải chấp nhận sống trong bóng tối từ ngày đó. Tha thẩn chơi một mình, cậu mày mò chế tạo được cây đàn cho mình bằng sợi dây chun căng ngang miệng chiếc âu đựng trầu mất nắp của mẹ.

Những âm thanh ngây ngô cũng phần nào làm cậu bé vui hơn khi phải chờ đợi người lớn đi làm về. Đến năm lên tám, gia đình mua cho cây đàn băng giô an tô bốn dây, mặt tròn căng da trâu - một món quà vô giá đối với cậu bé.

Không có thầy dạy, cậu nghe đàn qua đài tiếng nói Việt Nam rồi tập đánh lại. Không có giáo trình, chỉ mò mẫm tự học nên các gam, phím nhầm lẫn lung tung. Tập đánh hoàn chỉnh một bản nhạc nhiều khi bật máu mấy đầu ngón tay…

Mười sáu tuổi, một lần nghe Văn Vượng đàn, thầy Phạm Đình Tòng (một thầy giáo khiếm thị) đã dạy cho cách viết và kí âm trên bảng chữ Braille. Bắt đầu từ lúc đó, quá trình học nhạc mới bớt phần gian nan.

Yêu đàn như một niềm tín ngưỡng, Văn Vượng không ngừng luyện tập để mang tiếng đàn đến với công chúng, cũng là cách giãi bày tình cảm nồng nàn yêu cuộc sống của mình.

Suốt những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa đạn bom, tiếng đàn Văn Vượng như nguồn động viên tinh thần quý giá gửi tới người ra trận.

“Và cũng chính trong những ngày đó, tôi phải khoác lên mình những điều xa lạ, thậm chí là giả dối” – Văn Vượng trầm ngâm – “Từ lâu tôi đã rất mong tìm được một tờ báo đủ tin cậy để nói ra những sự thật này…Thời kỳ Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, có một cô phóng viên đến gặp tôi để viết bài.

Sau khi báo ra, có người hỏi tôi bị thương trong trận nào mà lại mù cả hai mắt? Hồi nhỏ đi làm giao liên dẫn đường cho bộ đội chắc cũng lập được nhiều chiến công?...Tôi nhờ người tìm hỏi lại cô phóng viên đó thì được giải thích: “Anh ơi, em phải viết thế mới hợp với không khí thời cuộc, bài mới in được.

Mà anh bị mù như thế, nói là thương binh người ta cũng tin ngay, không cần phải đính chính…” Rồi tôi được nhà đài mời nói chuyện trong một vài chương trình, họ bảo tôi hãy nói là học đàn từ một anh bộ đội kháng chiến đóng quân gần nhà.

Khi anh ấy lên đường ra mặt trận mà tôi chưa kịp nhớ tên…Mãi sau này tôi mới thoát khỏi cảnh đó thì mọi người đã quá tin vào những điều nói theo kịch bản trước đây.”

Gian nan với giải thưởng công nghệ

Hơn nửa thế kỷ lao động sáng tạo, nghệ sĩ chơi đàn tự do Văn Vượng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT…Nhưng hơn tất cả mọi giải thưởng cũng như danh hiệu, tiếng đàn của ông đã gieo sâu vào lòng công chúng một tình cảm đặc biệt, vừa yêu mến vừa cảm phục.

Sau nhiều năm miệt mài luyện tập, sáng tác, biểu diễn và giảng dạy, nghệ sĩ chợt nhận ra một điều: Nếu chỉ trực tiếp giảng dạy thì ông chỉ truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình cho một số lượng học trò nhất định.

Trong khi còn có rất nhiều người mong muốn được học đàn ghi ta, đặc biệt là những người khiếm thị. Từ năm 1997, Văn Vượng đã trăn trở với ý tưởng mở rộng chương trình dạy và tự học ghi ta cho người khiếm thị.

Tròn mười năm sau, một lần  ông vô tình “nghe” ti vi thông báo về cuộc thi ICT - Thắp sáng niềm tin vì người tàn tật (lần thứ nhất – năm 2007).

Đây là cuộc thi do Hội tin học Việt Nam, Văn phòng điều phối các hoạt động người tàn tật Việt Nam (NCCD) và Văn phòng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT phối hợp tổ chức.

Mừng quá, ông liền tìm cách đăng kí dự thi với sản phẩm: “Hướng dẫn người khiếm thị phương pháp dạy và tự học đàn ghi ta”.

Ý tưởng ấp ủ trong suốt một thập kỷ được thực hiện bằng những thao tác kỹ thuật đơn giản đến không ngờ: Văn Vượng thể hiện bài giảng và anh Đỗ Minh (công tác tại Trung tâm phục hồi tiềm năng con người) ghi lại bằng máy quay kỹ thuật số trong hơn một giờ đồng hồ.

Văn Vượng vừa giảng lý thuyết (bằng giọng nói) vừa hướng dẫn kí âm trên bảng brai và thực hành mẫu trên đàn (những đoạn này được zoom cận cảnh để người sáng mắt cũng có thể tập theo).

Sản phẩm gửi đi dự thi và đoạt giải Khuyến khích nhóm sản phẩm do người khuyết tật làm ra. Cũng cần nói thêm: Cuộc thi ICT dành cho những phần mềm chạy trên máy tính, nhưng sản phẩm của Văn Vượng đã được “đặc cách” bởi tính ứng dụng thực tiễn và ý nghĩa cộng đồng.

Nội dung đĩa VCD là những bài học cơ bản nhất về ghi ta, được trình bày một cách dễ hiểu, gần gũi và phù hợp với người khiếm thị.

Ngày nhận giải thưởng, Văn Vượng hồ hởi bộc bạch: “Được chia sẻ kinh nghiệm của chính mình cho những người cùng cảnh ngộ để họ biết chơi đàn ghi ta và nếu có thể tạo được cuộc sống ổn định bằng cây đàn là niềm hạnh phúc vô giá đối với tôi”.

Sau cuộc thi, Văn Vượng và các cộng sự rất háo hức chờ đợi sự giúp đỡ (về mặt thông tin) của Ban tổ chức để sản phẩm sớm đến với những người có nhu cầu. Có nhiều cuộc điện thoại, nhiều lời nhắn liên tiếp gửi đến, hỏi tác giả khi nào đĩa in ra để tìm mua.

Thế nhưng đã ba năm trôi qua, mọi mong chờ dần rơi vào im lặng. Nhiều lần Văn Vượng gọi điện đến Văn phòng hội Tin học Việt Nam và Ban tổ chức cuộc thi ICT hỏi thủ tục xin nhận lại sản phẩm dự thi nhưng lần nào cũng gặp những lời thoái thác.

Câu trả lời thường trực: Người phụ trách việc này ra ngoài có chút việc bận. Mặc dù ông đã đọc số điện thoại của mình cho họ ghi lại để nhắn với người có trách nhiệm nhưng không một lần thấy liên lạc trở lại.

“Thực ra để làm lại một chương trình giảng dạy tương tự như thế cũng không quá khó khăn. Nhưng dù sao đó cũng là một sản phẩm đã được công nhận, và lại là đĩa VCD đầu tiên tôi giảng dạy chứ không phải biểu diễn.

Đó cũng là một kỷ niệm trong đời người…” – Văn Vượng lại nâng cây đàn lên – “Thôi, tạm gác những chuyện đó sang một bên. Một buổi chiều đẹp (?!) như thế này tôi chỉ muốn chơi đàn bên một người bạn biết lắng nghe mình.”

Đã có bao cuộc gặp gỡ, trò chuyện và trở về từ căn gác nhỏ ấy, không biết người nghệ sĩ xấp xỉ tuổi tri thiên mệnh có mấy lần được giãi bày hết những sự thật đến thời điểm không còn muốn, không cần phải cất giữ trong lòng như một nỗi buồn đeo đẳng?...

MỚI - NÓNG