Vắng tinh hoa?

TP - Tại hội nghị sơ kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch 6 tháng đầu năm 2016, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trăn trở: Đã lâu lắm rồi nghệ thuật Việt Nam chưa có những tinh hoa. 

Phát ngôn của vị “tư lệnh” ngành thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả cùng những bình luận phong phú. Không ít độc giả vốn tự hào về văn hóa nghệ thuật Việt phản ứng: “Ông nói như vậy là không có tinh thần xây dựng. 

Việt Nam có nền văn hóa riêng, tại sao lại không có tinh hoa?” v.v… Hình như họ đã hiểu nhầm phát ngôn của bộ trưởng, có lẽ ông chỉ muốn nói về nghệ thuật Việt Nam những năm trở lại đây, không có ý định nói về nghệ thuật Việt xuyên suốt chiều dài lịch sử. Nhưng có những độc giả đã đặt ra thắc mắc đáng suy nghĩ: “Ông nói như vậy, tại sao ngày càng có nhiều tác phẩm, nhiều nghệ sỹ đạt giải này, giải kia?”.

Phải chăng hiện nay tinh hoa trong nghệ thuật đang tỉ lệ nghịch với số lượng giải thưởng và ồn ào quanh nó?  Đơn giản như giải sách hay, sách đẹp, cũng có đến ít nhất hai tổ chức “xông” vào cạnh tranh. Họa hoằn lắm mới có những cuốn sách hay được độc giả thực sự quan tâm, còn lại cũng chìm nghỉm sau lễ trao giải.

 Có những giải thưởng được coi là danh giá như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, bây giờ cũng rớt giá. Ngày trước những tác phẩm được tặng giải thưởng Hội Nhà văn là những tác phẩm để đời của nhà văn và được sự chào đón nhiệt liệt của dư luận, như Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”. 

Ngay giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986 cho tác phẩm “Mùa lá rụng trong vườn” cũng giúp Ma Văn Kháng ghi tên trong lòng độc giả… 

Còn giải thưởng những năm gần đây, tác phẩm trôi tuồn tuột, chỉ có những lùm xùm được khắc ghi. Nhớ chuyện nhà văn Y Ban từng gây “bão” khi viết hẳn bức thư ngỏ từ chối nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam trong khuôn khổ giải thưởng của Hội năm 2012. 

Tại thời điểm đó, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng thẳng thừng từ chối bằng khen của Hội Nhà văn. Cứ bảo “thiếu tinh hoa” nhưng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật lần nào cũng tìm đủ chủ nhân, thậm chí còn có cả loạt văn nghệ sỹ thắc mắc vì sao chưa đến lượt. 

Lùm xùm quanh những giải thưởng danh giá (và có giá trị kinh tế) chưa bao giờ ngưng. Thậm chí năm 2011, đã từng có chuyện 11 vị nhạc sỹ đi kiện, làm cả đơn kiến nghị gửi Chủ tịch nước tố cáo việc làm khuất tất, lấp liếm của Hội đồng cơ sở Hội Nhạc sỹ.

Cứ “bận rộn” thế này, làm sao có tinh hoa trong nghệ thuật? Bởi nghệ thuật không sống nhờ ồn ào như “sô- bít”.  Leonardo da Vinci từng kết luận: “Khi tâm hồn không hợp tác cùng đôi tay, không có nghệ thuật”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.