Vẻ đẹp Việt lên truyền hình thế giới

Vẻ đẹp Việt lên truyền hình thế giới
TP - Năm 2007, lần đầu tiên, du lịch Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn được xuất hiện trên thế giới một cách chủ động trên kênh CNN trong suốt 3 tháng liền.

Tháng 1/2008, bộ phim truyện đầu tiên quảng bá cho Việt Nam sẽ được các nhà làm phim người Đức khởi quay và phát trên kênh ZDF (Đức). Năm 2008 hứa hẹn có nhiều đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam...

Nhìn lại năm 2007, các hình ảnh về phong cảnh và ẩm thực Việt Nam có thể nói đã xuất hiện khá nhiều trên các đài truyền hình Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Áo, Thụy Sỹ, Australia, Nhật Bản...

Được quảng bá miễn phí

Tháng 1/2007, êkíp làm phim về ẩm thực của hãng truyền hình Chukyo (Nhật Bản) tới TPHCM để khởi quay phóng sự với chủ đề “Bất ngờ ẩm thực Việt”. Tham gia bộ phim này có bốn diễn viên truyền hình nổi tiếng của Nhật.

Phóng sự xoay quanh việc những vị khách du lịch Nhật sang Việt Nam tìm những món ăn Việt phù hợp với bữa cơm của người Nhật. Trong đó, có nhiều cảnh quay đề cập những nét độc đáo và thú vị qua từng món ăn của người Việt: Thịt nướng, bún bò, phở, rượu cần...

Được biết, phóng sự được thực hiện trong 85 phút và phát sóng trên toàn nước Nhật vào 10 giờ sáng Chủ nhật 22/1/2008.

Tháng 3/200, đầu bếp nổi tiếng Wini Brugger - Chủ nhà hàng “Indochine 21” của Áo - đã tham gia nấu món Việt đặc sắc tại gian bếp của một khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TPHCM. Đó là một phần trong bộ phim tài liệu quảng bá cho cuốn sách sắp xuất bản của ông về các món ăn Việt Nam. Cuốn phim tài liệu này đã được phát trên truyền hình Áo, Đức và Thụy Sỹ.

Niềm say mê ẩm thực Việt Nam của Wini Brugger bắt nguồn từ một số lần du ngoạn Việt Nam. Ông đã từng nghỉ tại Sofitel Metropole Hà Nội và nếm những món ăn Việt. Những cuộc đàm đạo với chuyên gia ẩm thực Didier Corlou, đã càng thôi thúc ông tìm hiểu về ẩm thực Việt Nam. Trong phim có cảnh quay ông đích thân đi chợ 19/12 tại Hà Nội để thực hiện món chả cá.

Bên cạnh ẩm thực Việt Nam, cuốn phim tài liệu của Wini Brugger cũng đề cập đến những nét đẹp cổ xưa của Thủ đô Hà Nội.

Tháng 7/2007, Robert Tate và Tom Vitale, hai nhà sản xuất mục văn hoá và ẩm thực thế giới “Gourmet’s Diary of a Foodie” trên kênh PBS (Public Broadcasting Service) của Mỹ đã tới Việt Nam quay những thước phim về ẩm thực và phát sóng vào mùa thu năm nay trên kênh PBS, chiếu cả ở Mỹ và Việt Nam cũng như kênh National Geographic.

Các phóng viên cho biết, họ rất quan tâm đến du lịch sinh thái miệt vườn ở Việt Nam, điển hình là Bến Tre. Quy trình sản xuất kẹo dừa là đề tài thu hút nhiều thời gian của đoàn làm phim.

Trong tháng 11 và 12/2007, nhiều hãng phim nước ngoài quay phim về Vịnh Hạ Long tới quay phim và phát trên đài của họ nhân dịp Vịnh Hạ Long của Việt Nam được đề cử là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Đó là hãng truyền hình KBS (Hàn Quốc), SBS (Australia)...

Vẻ đẹp Việt lên truyền hình thế giới ảnh 1

“Việt Nam - Con tàu mơ ước”

Vào những ngày đầu tiên năm 2008, lại có thêm một dự án làm phim khá hấp dẫn của đoàn làm phim nước ngoài tới thực hiện tại Việt Nam. Đó là bộ phim truyện du lịch “Việt Nam - Con tàu mơ ước” của hãng Pollyfilm thuộc Đài truyền hình ZDF của Đức. Sau hai lần khảo sát, ngày 10/1/2008, đoàn trở lại Việt Nam và khởi quay bộ phim.

Bộ phim sẽ là một phần trong series phim khám phá về phong cảnh đẹp của thế giới trong suốt 25 năm qua của hãng. Các tập phim có tên gọi chung “Con tàu không bến”, kể về chuyến du ngoạn của con tàu Đức đi khắp thế giới khám phá cảnh đẹp.

Mỗi năm, họ sẽ chọn một đất nước để thực hiện. Năm ngoái, đoàn đã thực hiện một bộ phim tại Thượng Hải (Trung Quốc). Năm nay, họ chọn Việt Nam, nước châu Á thứ hai trong hành trình của con tàu thông qua chuyến đi hưởng tuần trăng mật của đôi uyên ương người Đức tới Việt Nam.

Theo kịch bản, cặp uyên ương này đã có nhiều khám phá thú vị và bất ngờ về Việt Nam, một vẻ đẹp tiềm ẩn. Đây cũng sẽ là một bộ phim quảng bá hình ảnh Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện trên truyền hình Đức và châu Âu một cách bài bản và đậm nét.

Trong tháng 7 và tháng 12/2007, đoàn đã tới khảo sát tại Vịnh Hạ Long, Hội An và Đồng bằng sông Cửu Long, những bối cảnh chính trong bộ phim, trong đó có những bối cảnh rất đẹp tại Hội An đã từng vào trong phim “Người Mỹ trầm lặng”.

Sau chuyến khảo sát đầu tiên hồi tháng 7, đoàn đã đi tàu tới Macau, Hồng Công. Tại đó, họ viết kịch bản làm phim về Việt Nam ngay, thay cho trở về nước vì thấy phong cảnh Việt Nam quá đẹp, cuốn hút họ đến nỗi họ đã phải viết luôn khi cảm hứng vẫn còn trào dâng. Kịch bản dài 176 trang. Bối cảnh sẽ là hang Sửng sốt, đảo Titốp ở vịnh Hạ Long, Hội An và chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long.

Đạo diễn Khánh Toàn, người đi theo và hướng dẫn đoàn, cho biết: “Nhà sản xuất Franz Buchs đã nhận xét: Hạ Long đẹp đến kinh ngạc”. Có lẽ đây trường hợp đầu tiên mà đoàn làm phim của ZDF bị níu bước trở lại cho những bộ phim tiếp theo vì còn nhiều địa danh tuyệt đẹp mà họ chưa có dịp khám phá trong đợt này như Sa Pa, Đà Lạt...

Nhà sản xuất Gerd Zimmemall cho biết: “Ở Đức hiện nay, người ta vẫn nghĩ rằng, Việt Nam là đất nước chiến tranh mặc dù chiến tranh trôi qua đã lâu. Việt Nam có nhiều cảnh đẹp mà châu Âu chưa biết tới.  Rất ít người biết đến Việt Nam có di sản văn hóa khổng lồ. Việc quảng bá hình ảnh Việt Nam sang châu Âu đã chưa làm được. Chúng tôi muốn cho công chúng Đức và thế giới biết đến những vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam”.

Đạo diễn Đỗ Khánh Toàn cho biết, ông thực sự thán phục về sự hiểu biết của đoàn làm phim. Mặc dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, nhưng họ đã tìm hiểu khá kỹ về Việt Nam, những điều mà ngay cả người dân trong nước cũng không rành.

MỚI - NÓNG