Vì sao phim nhà nước “đổ” tiền nhiều vẫn “chết”?

Tại buổi tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình Việt Nam 2015” diễn ra sáng 21/4 tại Văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam, nhiều ý kiếN đi sâu phân tích sự thành công và thất bại của phim nhà nước - phim tư nhân. Các ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém khiến phim nhà nước dù được đổ tiền nhiều vẫn “chết”.

Năm 2016, sẽ không còn phim nhà nước đặt hàng

Đại diện Hội Điện ảnh chia sẻ rằng, một năm, điện ảnh Việt Nam sản xuất bao nhiêu phim luôn là mối quan tâm của những người làm điện ảnh. Theo đó, năm 1990, cả nước sản xuất 28 phim điện ảnh. 3 năm gần đây, khi đẩy mạnh cơ chế xã hội hóa trong điện ảnh thì con số đó thay đổi rõ rệt. Năm 2013, có 19 phim, 3 phim đặt hàng; 2014: 24 phim, 2 phim đặt hàng; 2015: 40 phim, 9 phim đặt hàng.

Năm 2015, được xem là bước ngoặt quan trọng khi lần đầu tiên đạt đến 40 phim, mỗi tháng có 3 phim ra mắt, có 1 phim nhà nước đặt hàng hãng tư nhân sản xuất là “Đứa con của làng”, 1 phim nhà nước đặt hàng, tư nhân đầu tư sản xuất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Vì sao phim nhà nước “đổ” tiền nhiều vẫn “chết”? ảnh 1

Toàn cảnh buổi tọa đàm diễn ra sáng 21/4 tại VP Hội Điện ảnh Việt Nam. Ảnh: Hoàng Minh.

Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho rằng, nếu tính chỉ tiêu đặt ra ở trong chiến lược phát triển điện ảnh đến 2020 thì cho đến hôm nay, ngành điện ảnh đã vượt khá xa chỉ tiêu. 40 tác phẩm điện ảnh lớn nhỏ trình làng trong năm 2015 được trình chiếu thông qua các hệ thống rạp, thậm chí cả các Liên hoan phim trong và ngoài nước là tín hiệu đáng mừng cho sự sáng tạo của những người làm điện ảnh. Đặc biệt, năm 2015 cũng là năm đầu tiên, điện ảnh Việt phá vỡ nhiều ranh giới và qui tắc cứng nhắc để mang lại diện mạo nhỉnh hơn năm cũ.

Theo bà Lan, hiện Việt Nam đã có khoảng 450 phòng chiếu phim, phía chủ đầu tư Hàn Quốc có 220 phòng (chiếm 50%), cụm tư nhân mạnh là Thiên Ngân và BHD có 43 phòng, một đơn vị nữa là Bạch Kim có 34 phòng.

Bà Lan cũng khẳng định rằng, năm 2015 có nhiều lễ kỷ niệm trọng đại của dân tộc nên mới có nhiều đề án làm phim nhằm tuyên truyền chính trị, ngợi ca lịch sử, nhân vật lịch sử… Tuy nhiên, cuối năm 2015, kinh phí năm bị ách tắc nên trong năm 2016 sẽ không có phim nhà nước đặt hàng được sản xuất. Theo luật Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1/1/20007, phim nhà nước đặt hàng hàng phải thông qua hình thức đấu thầu. Cục Điện ảnh vẫn đang xây dựng thông tư hướng dẫn đấu thầu nhưng không thành công vì khó khăn, đấu thầu đưa ra nhiều phương án nhưng vẫn khó khăn. Hiện Cục Điện ảnh đang chờ ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thống nhất không đấu thầu mà chỉ định thầu và đặt hàng chứ đấu thầu như với công trình và mua sắm vật liệu thì không làm được. Tuy nhiên, theo bà Lan là nếu không có đấu thầu thì Bộ Tài chính không cấp tiền làm phim.

Vì sao phim nhà nước đổ tiền nhiều vẫn “chết”?

Đề cập đến sự hiệu quả của phim nhà nước và phim tư nhân đã có rất nhiều giới làm phim đặt câu hỏi “Tại sao phim nhà nước đặt hàng chi phí lớn, thời gian nhiều, nhân công lắm nhưng doanh thu ít hoặc không có người xem?”. Đây là vấn đề mà Điện ảnh Việt Nam nhiều năm qua đi tìm câu trả lời nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Vì sao phim nhà nước “đổ” tiền nhiều vẫn “chết”? ảnh 2

Bộ phim "Sống cùng lịch sử", bộ phim được nhà nước đầu tư 21 tỷ đồng để sản xuất đã "chết" ngay khi vừa ra đời. Ảnh: TL.

Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã thì vật cản lớn nhất của dòng phim nhà nước và tư nhân hiện nay chính là việc không minh bạch, thống nhất trong năng lực quản lý. Vì vậy, nếu các hãng phim nhà nước có đổ 100 tỷ đầu tư cho một phim cũng “chết” thôi.

“Tài năng của các nhà làm phim của chúng ta có giỏi đến đâu cũng chết thôi vì thế tôi nghĩ Cục Điện ảnh phải tìm cách đề giải quyết vấn đề này. Theo tôi, chúng ta cũng chẳng nên phân biệt giữa phim tư nhân và phim nhà nước làm gì cả, trước sau thì cũng vậy thôi. Tôi nghĩ, thay vì nhìn lại sáng tác điện ảnh trong năm 2015 một cách chung chung, Hội Điện ảnh nên tổ chức thêm những cuộc hội thảo cho từng bộ phim chuyên biệt. Những bộ phim bị “đánh nhiều”, xem tại sao nó bị “đánh đau” như thế. Báo chí và chúng tôi sẽ phân tích từng ly từng tí một. Bởi dòng phim chính thống không bao giờ có thể "chết" được, xã hội này cần thì chúng ta vẫn phải sản xuất.

Còn ở đây là làm sao cho phim hay và chúng ta cũng cần phải nhìn nhận, góp ý xem chúng ta cần phải làm như thế nào. Kể cả những bộ phim mà chúng ta cho là ổn thì phải xem khán giả cho là “bất ổn” ở chỗ nào. Bây giờ chúng ta cứ nói chung chung như vậy thì bản thân tôi cũng không biết như phim “Sống cùng lịch sử” chết vì cái gì, tại sao lại bị đánh đau như thế. Chúng ta đã bao giờ hội thảo về vấn đề này một cách tử tế chưa.

Phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” hay như thế, chúng ta đã bao giờ phân tích nó hay ở cái gì mà thu hút được khán giả quan tâm nhiều như vậy. Để lần sau chúng ta có thể làm tốt hơn thế. Và có thể thấy với những phân tích kiểu loanh quanh như vậy điện ảnh Việt vẫn chỉ dừng lại ở vấn đề phim nghệ thuật và phim thương mại. Bởi phim nghệ thuật định lượng vô cùng mênh mông, mỗi người xem đều có một cảm thụ riêng, cảm xúc riêng. Thế nhưng với điện ảnh lại có đại chúng và chúng ta nên biết rằng đại chúng đang mong muốn điều gì”, bà Nhã nói.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng phân tích, nhiều phim nhà nước sản xuất hiện nay, kể cả các đạo diễn trẻ cách làm cũng rất cũ. Để vươn ra thế giới phải tìm ngôn ngữ, cách mới chứ như kiểu hiện nay không đi đâu được. Vấn đề đầu tiên có lẽ đầu tiên là kịch bản. Ở dòng phim giải trí, kịch bản phim là yếu, cóp nhặt, nhiều phim xem xong không biết nói gì. Còn phim nhà nước, kịch bản được chú ý, nhưng nội dung phim lại là câu chuyện cũ, khán giả biết mãi rồi…

Còn theo đạo diễn Nhuệ Giang lại cho rằng, dòng phim thị trường, nghệ thuật đang rất “vênh” nhau. Những chiêu câu khách của phim Việt hiện nay là phải có bạo lực, hài hước, hài kịch. Cá biệt còn lấy vấn đề đồng tính làm phim hài hước. Những phim kiếm tiền như vậy đang chiếm đến 1/3 số phim sản xuất. Còn dòng phim nhà nước hiện nay không được quảng cáo nhiều nên không đến được với khán giả. Theo nữ đạo diễn này, mặc dù hiện nay người ta vẫn lấy thước đo bán vé để kết luận thành công của phim nhưng theo bà, phim nghệ thuật hay thương mại vẫn cần những tài năng. Phim không gây cảm xúc là do không có tài năng.

Nhà báo Cát Vũ phát biểu rằng, phim nhà nước, kinh phí cao nặng về mặt lao động nhưng hiệu quả trên phim thiếu tính hấp dẫn. Tư nhân làm đưa yếu tố hấp dẫn, đưa yếu tố nhẹ nhà nước nhưng hời hợt nên vẫn chưa có sự thay đổi trong nhiều năm. Vì thế nên đừng ảo tưởng phim nào nghệ thuật là phải có doanh thu cao. Muốn làm phim nghệ thuật đàng hoàng, khán giả phải lựa chọn, anh phải có sáng tạo, cái gì mới cho điện ảnh để đi ra nước ngoài, phải chấp nhận không có khán giả.

Bà Ngô Phương Lan cho rằng, việc trung hòa được nhiệm vụ chính trị, xã hội của điện ảnh đồng thời đảm bảo về doanh thu là rất khó khăn. Vì thế “buộc cổ” phim đặt hàng phải có doanh thu lớn như phim thương mại thì khó, bài toán này không bao giờ giải được.

Vì sao phim nhà nước “đổ” tiền nhiều vẫn “chết”? ảnh 3

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" bộ phim hợp tác giữa nhà nước với tư nhân thành công vang dội trong 2015. Ảnh: TL.

Còn việc các bộ phim do nhà nước đặt hàng hiệu quả chưa tốt thì người làm ra tác sản phẩm điện ảnh đó phải có thay đổi, điều chỉnh cách làm, tư duy, thay máu, thay con người sáng tạo nữa…

“Đạo diễn này có thể ở giai đoạn trước thành công nhưng sau hết nhiệm vụ lịch sử rồi, phải trao truyền cho thế hệ sau thôi. Tác phẩm ra đời, xã hôi, công luận đã nhìn nhận khách quan chưa. Có tác phẩm chưa xem nhưng khi có một, vài người chê thì lập tức cả xã hội lên án, chê theo”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, từ 2015 về sau, khi đã cổ phần hóa các hãng phim, có cơ chế, hướng đặt hàng tác phẩm, không phân biệt hãng phim, đạo diễn… miễn dự án đó đúng định hướng thì cơ hội chia đều cho các hãng phim, nhưng các hãng phải có năng lực phát hành. Bà Lan lấy ví dụ, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Thiên Ngân Galaxy phát hành mới được như thế chứ nếu để Hãng phim Truyện Việt Nam phát hành thì không bao giờ được.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.