Ngô Phan Lưu:

Vịn trẻ thơ mà đứng dậy khi ngã lòng

Nhà văn Ngô Phan Lưu
Nhà văn Ngô Phan Lưu
TP - Căn bệnh tim ở tuổi U70 khiến Ngô Phan Lưu, người nổi tiếng ở Phú Yên giảm sức viết hẳn đi. Ông lại cho rằng việc nhận thấy mình kém là dấu hiệu tiến lên, không phải thụt lùi.

Nếu Phùng Quán “Có những lúc ngã lòng/Tôi lại vịn câu thơ mà đứng dậy” thì Ngô Phan Lưu cho biết ông vịn vào trẻ thơ cháu chít của mình mà đứng dậy chứ vịn vào văn chương, ngã thêm.

Đọc văn chương ông thấy không hiếm hồn hậu “xoa tay và cười” nhưng có lần trả lời phỏng vấn ông bảo “mình cũng ác chớ”. Cái ác này, có phải là sự luôn nhìn thấu tâm can người khác, hay là “ác thiệt”?

Ừ, không nhớ đã nói câu đó ở đâu, nếu tôi có nói “mình cũng ác chớ” thì hàm nghĩa rằng “muốn làm thiện cũng khó lắm, đành phải ác thôi”, nghĩa là cũng “ác thiệt”.

Vịn trẻ thơ mà đứng dậy khi ngã lòng ảnh 1

Nhà văn Ngô Phan Lưu

“Mình cũng ác chớ”, đó là việc cực chẳng đã phải làm, còn tầng sâu không bao giờ muốn thế. Ví dụ: Trưa nắng đổ lửa, tôi đi xe máy ở nông thôn thấy một người lớn tuổi say rượu nằm phơi khô vệ đường, tôi có thể hỏi chỗ ở và chở giùm người ấy về nhà, nhưng tôi vẫn chạy luôn.

Cũng áy náy lắm chớ nhưng tôi vẫn phóng ga chạy, coi như không thấy. Tại sao vậy? Bởi vì nếu chở giùm về, hiển nhiên sẽ gặp biết bao phiền phức thậm chí có thể bị con cháu người đó vây đánh vì hiểu lầm mình rủ bố họ uống rượu mà ra nông nỗi này.

Việc này xảy ra rồi, làm ơn mắc oán nên ngán quá, đành tai lơ mắt điếc. Đó là ý nghĩa “mình cũng ác chớ”. Còn như kiếm cái ác để làm thì không bao giờ xảy ra với tôi. Không bao giờ.

Ngô Phan Lưu ăn ảnh như Phùng Quán vậy song nhìn đôi mắt thì không hẳn đơn giản? Phùng Quán viết “Có những lúc ngã lòng/Tôi lại vịn câu thơ mà đứng dậy”. Ông vịn vào đâu mà đứng dậy khi yếu đuối?

Không biết “không đơn giản” là khen hay chê? Nhà thơ Phùng Quán giỏi quá, tôi rất nể phục. Riêng tôi khi ngã lòng thì tôi vịn vào bọn trẻ thơ cháu chít của mình mà đứng dậy. Chỉ có bọn trẻ thơ mà thôi, người lớn thì vái dài. Còn nếu vịn vào văn chương chắc tôi ngã thêm. Ngã đậm.

Câu thơ Phùng Quán hay ở tu từ, chứ chưa chắc ông ấy đã vịn vào thơ thật. Ông tả mình “da vàng như mứt gừng”,“chưa biết cách già” và viết rất ngộ nghĩnh về bệnh lẫn của người già. Ông làm thế nào để sau này yên hưởng tuổi già, không lẫn lộn dù là lẫn một cách đáng yêu?

Đã rơi vào tuổi già ắt phải mắc bệnh lẫn lộn không nhiều thì ít. Ai cũng vậy, khó có luật trừ. Tôi chưa già lắm, chỉ già vừa phải thôi nên cũng lẫn lộn vừa phải thôi. Tài gì mà không lẫn lộn cho được. Nhưng có một điều tôi không lẫn lộn, đó là tuổi già luôn khác với tuổi trẻ. Tuổi già là cuộc vật lộn với suy thoái thể chất, nên đừng tìm sự yên hưởng. Không có yên đâu mà hưởng. Khi quán triệt được việc này, đó chính là sự yên hưởng thảm thương.

Ông nói thế vẫn còn nhẹ. “Tuổi già là con vật nhơ bẩn” (Hemingway). Ông viết tản văn “Nằm bệnh nhìn bâng quơ” in báo Tiền Phong, thú vị. Dumbatze, tác giả “Quy luật của muôn đời” viết: “Con người ta nên ốm nặng ít nhất một lần trong đời”. Ông đã ốm nặng bao giờ chưa?

Tôi rất đồng cảm với Dumbatze “đời người nên ốm nặng một lần”. Riêng tôi thì diễm phúc ốm nặng cũng được vài lần. Khi ốm nặng mình rất gần cái chết nên mới quý sự sống. Khi ốm nặng, không những mình đau đớn mà còn là gánh nặng cho kẻ khác cho nên thấy sự chết cũng cần thiết chẳng kém sự sống. Dĩ nhiên ốm nặng không ai muốn nhưng không một lần ốm nặng trong đời, cũng là một thiếu sót cho một kiếp nhân sinh.

Hơn hai chục năm trước Bảo Ninh viết anh ấy sẽ “viết mãi về những bom rơi đạn nổ, mùa khô mùa mưa…” .Thực tế là “Nỗi buồn chiến tranh” đã đem lại cho anh ấy tất cả. Còn ông có cảm hứng không vơi cạn về “Cơm chiều”, “Buổi sáng biến mất”, “Làng quê thì mênh mông”, “Mỗi thôn vẫn xảy một người”, “Bầy người bé nhỏ”... Để làm gì?

“Ôm văn chương vào lòng thì chỉ được mỗi một việc là càng ngày mình càng chán mình”.

Ngô Phan Lưu

Lúc trước tôi trả lời câu này rất tự tin thậm chí còn đao to búa lớn nữa. Nào là “khám phá cuộc sống” nào là “thám hiểm con người”, nào là “khảo sát hiện thực đang có, để thấy cái hiện thực có thể xảy ra” vân vân và vân vân. Úi trời, toàn là nói cho sướng miệng. Nhưng nay chúng rơi rụng hết rồi. Nay thú thiệt tôi cũng chẳng biết mình viết những thứ tầm phào ấy ra để làm gì nữa! Hình như đó chỉ toàn là “rác” xả ra khi mình hăng say làm việc viết lách để kiếm ít đồng. Tác phẩm ra hồn có lẽ luôn là tác phẩm chưa bao giờ viết. Nhưng việc đã xảy ra rồi, tôi cũng chẳng day dứt với chúng nữa. Chúng đã ra riêng rồi. Còn tôi lo đời sống của tôi.

Và ông dẫn câu “Một năm tàn là một cục đá quăng xuống hồ thế kỷ, nó rơi với những tiếng vang vĩnh biệt” hình như của F.Van Den Bosch. Năm qua, cục đá của ông có hình thù ra sao?

Năm qua cục đá của tôi chả có hình thù gì cả. Mà hình như nó không phải là đá nữa. Nó là bệnh tim. Nó không rơi cũng không vĩnh biệt, nó đeo đẳng. Quá mệt. Không sướng nổi.

Không vui nổi cũng là tâm trạng chung về toàn cảnh xã hội năm qua, chuyện nhỏ chuyện lớn. Thế là không còn gì để chờ đợi sao?

Cách đây chừng 15 năm Ngô Phan Lưu từ Phú Yên gửi ra báo Tiền Phong những truyện ngắn đầy bản sắc địa phương và bản sắc cá nhân, có truyện hay, có truyện gọi là tản văn thì đúng hơn, viết tay nắn nót, còn bây giờ ông ấy đã là người nổi tiếng, cây bút U70 (nghe nói ông thích gọi cây bút hơn nhà văn) chơi blog bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, oách. Mới vài năm trước, ông tuần nào cũng in tạp văn trên báo Tiền Phong còn bây giờ sức khỏe kém đã đưa đến cảm giác thoái trào này?

Việc tự thấy mình kém là dấu hiệu mình đã tiến lên chớ không phải thụt lùi. Ồ, lúc trước tôi có chơi blog nhưng đã bỏ 3 năm nay vì thấy chán. Tôi đã quên mất password nên không vào được blog để hủy, nên nó vẫn còn trơ ra đấy. Thôi thì cứ để nó đấy cũng được. Còn việc nổi tiếng về văn chương ư? Đó là chuyện bèo bọt trên đầu ngọn sóng. Bèo bọt của bọt bèo. Quả thật chúng vô nghĩa lắm. Làm văn chương để kiếm ít đồng vì phù hợp sức khỏe, vì mình có khả năng làm được nó. Thế thôi. Chứ ôm văn chương vào lòng thì chỉ được mỗi một việc là càng ngày mình càng chán mình.

MỚI - NÓNG