Vó ngựa có còn vang đất An Xuân?

Vó ngựa có còn vang đất An Xuân?
TP - Hội đua ngựa An Xuân- nét văn hóa độc đáo của Phú Yên trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ngựa ở đây ngày một giảm và có nguy cơ biến mất khỏi địa phương. Trong khi đó, dự án đầu tư ngựa đực giống vẫn còn nằm trên giấy...
Vó ngựa có còn vang đất An Xuân? ảnh 1
Hội đua ngựa ngày xuân ở An Xuân

Bán ngựa mua xe máy

Về An Xuân, tôi nghe Chủ tịch xã Đặng Thanh Sơn báo tin: Năm nay đàn ngựa ở An Xuân giảm đi rõ rệt, không đạt kế hoạch nghị quyết HĐND xã đề ra. Ông trăn trở, không biết vài năm nữa, An Xuân có còn ngựa để phục vụ hội đua truyền thống?

Nỗi băn khoăn của ông Chủ tịch xã hoàn toàn có cơ sở, vì người dân đang kêu thương lái về bán ngựa liên tục; và không có cách nào để giữ lại đàn ngựa đang lặng lẽ rời khỏi địa phương.

Hội đua ngựa ở An Xuân bắt đầu biết đến từ giai đoạn 1945-1954, khi làng tổ chức thi thố tài nghệ của ngựa và những thanh niên trong thôn với nhau. Bẵng đi một thời gian do chiến tranh, sau giải phóng, hội đua ngựa ở An Xuân được khôi phục và tiếp tục duy trì vào ngày mồng 9 Tết hằng năm trên Gò Thì Thùng.

Ngựa đua chính là ngựa của những nông dân dùng để thồ hàng hóa hằng ngày. Cuộc đua vẫn còn nhiều chất dân dã, nhưng rất sôi nổi do sự cổ vũ hào hứng của dân địa phương và những người đến từ các vùng lân cận.

Hội đua ngựa ngày Tết sẽ ra sao, nếu những chú ngựa ngày càng thiếu vắng? Theo báo cáo của UBND xã An Xuân, hiện tại địa phương này chỉ còn 50 con ngựa.

Người dân không còn sử dụng ngựa để vận chuyển hàng hóa như lâu nay, do ngựa không chở được nhiều, lại tốn công chăm sóc. Và họ không còn cách lựa chọn nào khác là bán ngựa để mua xe máy; dẫn đến số lượng đàn ngựa ở An Xuân ngày một giảm đi.

Ông Phạm Văn Ninh, một người có thâm niên trong nghề nuôi ngựa, cho biết: “Hiện nay việc chăm sóc ngựa khá tốn kém, cộng thêm dịch bệnh gia súc, tốn tiền thuốc men nên chúng tôi buộc phải bán ngựa!”.

Theo lời ông Nguyễn Văn Liên, một con ngựa cái tốt, 2 năm sẽ cho ra đời 3 con.  Nhưng ở An Xuân toàn là ngựa cái, không có ngựa đực để phối giống nên việc bảo tồn đàn ngựa để phục vụ cho hội đua ngựa truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.

Chuồng làm xong chờ ngựa giống

Để cải thiện chất lượng đàn ngựa, phục vụ tốt hơn cho hội đua ngựa truyền thống, ngày 11/4/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Kim Anh đã có công văn chỉ đạo việc đầu tư mua ngựa đực giống cho xã An Xuân.

Kinh phí chương trình “đầu tư ngựa đực giống cho xã An Xuân”  gần 96,5 triệu đồng, chưa kể kinh phí đối ứng của huyện Tuy An hỗ trợ dân làm chuồng trại.

Công văn này cũng nêu rõ đơn vị tổ chức thực hiện là Phòng Kinh tế huyện Tuy An, đơn vị tiếp nhận kinh phí là Sở KHCN; Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm nhập ngựa đực giống đủ tiêu chuẩn, chất lượng, hướng dẫn qui trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển đàn ngựa của địa phương.

Dự án đã có, kinh phí cũng đã chuyển về Sở KHCN, người dân đã xây xong chuồng trại, chuẩn bị đón ngựa giống về. Thế nhưng, đã gần 10 tháng trôi qua, dự án vẫn còn nằm trên… giấy!

Các đơn vị chưa thống nhất trong việc mua ngựa giống. Lý giải cho việc chậm trễ này, ông Lê Xuân Đồng, Phó phòng Nghiên cứu khoa học Sở KHCN cho rằng: Nguyên nhân chính là huyện Tuy An và Sở NN&PTNT không thống nhất nơi mua ngựa giống. Hai bên cứ đổ lỗi cho nhau và không có văn bản trả lời nên dự án không thể triển khai được.

Dù đã nhiều lần yêu cầu và thúc nhắc, nhưng các đơn vị phối hợp không mặn mà mấy với dự án… Chúng tôi không có chuyên môn thẩm định chất lượng giống ngựa nên đành phải chờ và tiếp tục triển khai trong năm nay!

Bà Hà Thị Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Dự án không triển khai là do lỗi của huyện Tuy An và Sở KHCN, chúng tôi không có trách nhiệm trong việc chậm trễ này!

Chúng tôi mua ngựa ở Thái Nguyên, UBND huyện Tuy An thì muốn mua ngựa ở địa phương và không chứng minh được là mua ở đâu, nguồn giống có đạt hiệu quả hay không.

Ông Sơn nói: Khi nghe tỉnh triển khai dự án đầu tư mua ngựa đực giống cho An Xuân, chúng tôi vui lắm!

Dự án này không chỉ cải tạo và nâng cấp chất lượng đàn ngựa của địa phương, tăng cường khả năng chuyên chở nông sản, hàng hóa với các xã đồng bằng và phục vụ hội đua ngựa truyền thống trên Gò Thì Thùng, mà còn giúp cho địa phương bảo tồn và tránh nguy cơ mất nguồn ngựa.

Ngay sau khi có dự án, mặc dù kinh phí của xã không nhiều (năm 2006 thu ngân sách địa phương 199 triệu đồng) nhưng chúng tôi vẫn hỗ trợ cho người dân đầu tư xây dựng chuồng trại để tiếp nhận ngựa giống.

Ông Võ Văn Chín ở thôn 2 nói: “Gia đình tôi đầu tư 5 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, nhưng chờ mãi mà không thấy ngựa đâu cả! Nếu biết tình trạng này, tôi thà đầu tư tiền trồng mía còn hơn”.

Ngựa ở An Xuân ngày một hiếm và hoàn toàn có nguy cơ biến mất khỏi địa phương này, dự án đầu tư ngựa đực giống thì vẫn còn đang nằm trên giấy… Không ai dám chắc rằng, mai này vó ngựa có còn… trên đất An Xuân hay không?                 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.